Tham vọng của An Phát khi đầu tư vào PVTex
Lĩnh vực hoá dầu và xơ sợi có rất nhiều tiềm năng với biên lợi nhuận ổn định vào khoảng 15 – 20%. Thị phần của xơ sợi polyester trong tổng nhu cầu toàn cầu cũng tăng từ 25% lên 60%.
Đầu tư vào PVTex, một trong 12 dự án yếu kém của Bộ Công thương, Tập đoàn An Phát khẳng định quyết định này không hề mạo hiểm. Đấy là kết quả của hơn 1 năm tìm hiểu, nghiên cứu và tìm kiếm nguyên nhân dự án lên đến 7.000 tỷ lại không hoạt động được. Bên cạnh đó, An Phát đã mời thêm 2 đối tác hàng đầu đến từ Ấn Độ và Singapore cùng tham gia quá trình đánh giá, hỗ trợ công nghệ, nguyên liệu và tiêu thụ để đi đến đàm phán hợp tác lâu dài.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với phía An Phát để làm rõ cơ hội của đầu tư của tập đoàn trong thương vụ này.
Tập đoàn An Phát đã nhìn thấy tiềm năng gì khi bắt tay hợp tác với PVTex?
Trước hết, PVTex là một dự án được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư lớn, hiện đại, nhưng thua lỗ ngay từ năm đầu hoạt động, cho đến nay chỉ tồn tại dạng cầm chừng. Do vậy, chúng tôi cùng với 2 đối tác nước ngoài là Tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực lọc hóa dầu và xơ sợi của Ấn Độ và Singapore đã được lựa chọn để đi đến đàm phán hợp tác. Chúng tôi hiểu rằng, được trao nhiệm vụ này vừa là vinh dự, vừa là thách thức rất lớn và chỉ những người có năng lực thực sự và quyết tâm cao mới có thể hoàn thành được.
An Phát nhận thấy lĩnh vực hóa dầu và xơ sợi còn rất nhiều tiềm năng với biên lợi nhuận ổn định vào khoảng 15-20%. Ngoài ra, với mức giá cạnh tranh, nguồn cung ổn định và khả năng không ngừng nâng cao các tính năng mới cho sản phẩm xơ sợi polyester đã, đang và sẽ tiếp tục chiếm thị phần của các loại xơ sợi có nguồn gốc tự nhiên. Thị phần của xơ sợi polyester trong tổng nhu cầu toàn cầu đã tăng từ 25% (1980) lên hơn 60% hiện nay.
Dù có thể có tiềm năng lớn, nhưng liệu đây có phải là một cuộc chơi mạo hiểm của An Phát?
Không, chúng tôi không thấy mình đang mạo hiểm khi đầu tư vào dự án này. Để đi đến quyết định này, chúng tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu từ hơn 1 năm trước, đánh giá được nguyên nhân vì sao dự án này được đầu tư lớn, máy móc hiện đại lại không hoạt động được. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có sự tham gia của các đối tác hàng đầu thế giới như đã kể trên.
Là một doanh nghiệp tư nhân lần đầu tiên tham gia vào quá trình tái cấu trúc DNNN, An Phát gặp những khó khó khăn, thách thức gì?
Thách thức lớn nhất của An Phát khi tham gia tái khởi động dự án đó chính là làm sao để dự án với quy mô 7.000 tỷ đồng đang đắp chiếu có thể hoạt động mạnh mẽ trở lại. Trong tương lai, PVTex sẽ sản xuất 500 tấn sản phẩm/ngày, đạt tới 175.000 tấn sản phẩm/năm, chiếm 30% thị phần xơ sợi tại Việt Nam. Trước mắt, trong năm đầu tiên (2018-2019), dự kiến PVTex sẽ sản xuất trên 8.500 tấn sản phẩm, tiêu thụ dự kiến đạt khoảng 7.500 tấn sản phẩm.
Do vậy, điều kiện tiên quyết là Chính phủ bảo đảm về pháp lý và bảo đảm trên thực tế quyền hợp tác, quản lý, vận hành nhà máy ổn định, không bị trì hoãn, gián đoạn hoặc ảnh hưởng khác gây ra bởi bất cứ bên nào, bao gồm: các chủ nợ, các bên cho vay, nhà thầu, người lao động của PVTex… Đây là điều kiện tiên quyết, bởi bất cứ một doanh nghiệp nào khi bỏ ra hàng trăm tỉ đồng đầu tư cũng yêu cầu sự bảo đảm và lo ngại sẽ bị mất vốn bởi các yếu tố ngoài kiểm soát, "thay đổi cơ chế".
Vậy tính đến nay, PVTex đã nhận được những hỗ trợ gì từ An Phát?
Hiện tại, PVTex chỉ có 170 người làm việc. Công việc đầu tiên An Phát thực hiện là hỗ trợ PVTex đào tạo và tuyển dụng thêm 100 đến 340 nhân sự mới, để khởi động các máy móc hiện tại đang dừng hoạt động.
Để khôi phục PVTex, trước mắt, Tập đoàn sẽ rót 144 tỷ đồng phát triển mảng sợi, sau đó sẽ rót 800 tỷ đồng khôi phục mảng xơ. Các khoản đầu tư này thể hiện dưới dạng tài sản lưu động, chứ không phải là vốn góp vào PVTex.
Lượng sản phẩm của PVTex đến nay đạt sản lượng bao nhiêu với các dây chuyền được tái khởi động?
Hợp đồng gia công sợi DTY là bước đi đầu tiên trong tiến trình đi đến hợp tác sản xuất kinh doanh, vận hành toàn bộ Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ giữa Công ty PVTex với An Phát Holdings/An Sơn.
Theo đó, An Sơn sẽ giúp PVTex nâng công suất từ 3 dây chuyền DTY đang vận hành hiện tại lên 10 dây chuyền vào cuối năm 2018 rồi 25 dây chuyền DTY sau khi chất lượng ổn định với công suất khoảng 1.800 tấn sợi/tháng.
Trong tương lai khi hợp tác vận hành lại toàn bộ Nhà máy, dự kiến sẽ sản xuất 500 tấn sản phẩm xơ sợi/ngày, đạt tới 175.000 tấn sản phẩm/năm, cung cấp khoảng 30% nhu cầu xơ sợi của thị trường Việt Nam.
Vậy còn phương án tiêu thụ sản phẩm sẽ như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh xơ sợi đang có xu hướng nhập khẩu tăng mạnh?
Tập đoàn An Phát cùng với các đối tác nước ngoài sẽ làm việc trực tiếp tại nhà máy để tối ưu hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá thành.
Với lợi thế là nhà sản xuất nội địa, An Phát sẽ cung cấp ra thị trường các chủng loại sản phẩm với chất lượng tương đương và tiến tới tốt hơn sản phẩm nhập khẩu, với giá thành cạnh tranh nhất. Bên cạnh đó là khâu dịch vụ kỹ thuật sau bán hàng, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo tối đa quyền lợi của khách.
An Phát cũng tiếp tục sẽ đa dạng hóa sản phẩm đầu ra, sản xuất những sản phẩm có chất lượng ở phân khúc cao hơn, có khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phân khúc sản phẩm cao cấp của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Chúng tôi cũng sẽ xây dựng hệ thống phân phối đảm bảo đưa sản phẩm tới khách hàng trong vòng 24h đối với khách hàng miền Bắc và 48h đối với khách hàng miền Trung và miền Nam cũng sẽ là một lợi thế rất lớn cho khách hàng để giảm lượng tồn kho, phát sinh chi phí tài chính và luôn có mức giá tiệm cận tốt nhất của thị trường khi thay đổi.