Tham vọng điện mặt trời của Europlast
CTCP Nhựa Châu Âu (Europlast) đứng sau nhiều dự án điện mặt trời tại Phú Yên, Long An. Song "cuộc chơi" mới của ông lớn ngành nhựa này vẫn đem đến băn khoăn khi một vài dự án trong số đó đã được sang tay cho chủ mới.
Ở kỳ trước, VietTimes đã đề cập tới một số thành viên trong "hệ sinh thái" của đại gia Hoàng Quốc Huy, nổi bật là CTCP Nhựa Châu Âu (Europlast). Sau hơn 1 thập kỷ xây dựng "đế chế" trong ngành nhựa, vị doanh nhân kín tiếng này đã mở rộng "cuộc chơi" sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, với hàng loạt dự án mặt trời quy mô lớn.
Đánh dấu cho "cuộc chơi" mới của ông chủ Europlast là việc thành lập CTCP Đầu tư Năng lượng Europlast (Europlast Energy) vào ngày 27/11/2017, với quy mô vốn điều lệ 600 tỉ đồng.
Trong đó, Europlast góp 480 tỉ đồng, nắm chi phối tại Europlast Energy với tỉ lệ sở hữu 80% vốn điều lệ. Tiếp đến là ông Huỳnh Song Trà (SN 1973), góp 60 tỉ đồng, sở hữu 10% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại được chia đều cho 2 cổ đông cá nhân khác là ông Bùi Quốc Hương và bà Nguyễn Khánh Vân.
Ông Bùi Quốc Hương (SN 1977) – cổ đông nắm giữ 5% vốn của Europlast – nắm giữ cương vị Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Danh mục dự án điện mặt trời đáng nể của Europlast
Một trong những dự án điện đầu tay của Europlast phải kể tới Nhà máy điện Europlast Long An, công suất 50MW, tổng mức đầu tư 1.157 tỉ đồng, tại xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Dự án này được khởi công từ tháng 9/2018, đi vào hoạt động từ tháng 5/2019, do CTCP Điện mặt trời Europlast Long An (Europlast Long An) làm chủ đầu tư.
Pháp nhân này được thành lập ngày 16/3/2018, trong đó Europlast Energy và Europlast là các cổ đông sáng lập, sở hữu tỉ lệ chi phối.
Một số dự án năng lượng tái tạo mà Europlast tham gia góp vốn
Tuy nhiên, tìm hiểu của VietTimes cho thấy, Phú Yên – một địa phương giàu tiềm năng trong lĩnh vực tái tạo - mới là "cứ điểm" có nhiều dự án điện mặt trời liên quan đến Europlast.
Ông Bùi Quốc Hương – CEO Europlast Energy, nhân sự chủ chốt trong mảng năng lượng tái tạo của Europlast - hiện đang đứng tên tại CTCP Điện mặt trời Europlast Phú Yên và CTCP Điện mặt trời Thành Long Phú Yên.
Thành lập sau Europlast Long An ít ngày, CTCP Điện mặt trời Europlast Phú Yên (Europlast Phú Yên) là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Europlast Phú Yên, công suất 50MW, tổng vốn đầu tư 1.150 tỉ đồng, tại xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hoà. Dự án này đã đi vào vận hành phát điện từ tháng 6/2019.
CTCP Điện mặt trời Thành Long Phú Yên (Thành Long Phú Yên) là chủ đầu tư dư án nhà máy điện Thành Long Phú Yên, công suất 50MW, tổng vốn đầu tư 1.045 tỉ đồng, tại xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hoà. Lưu ý rằng, Thành Long Phú Yên là công ty con của CTCP Sản xuất điện tử Thành Long – một pháp nhân có liên quan mật thiết tới giới chủ Europlast.
Cũng tại địa phương này, Europlast cùng CTCP Đầu tư Thương mại Thịnh Long (Thịnh Long Group) và ông Lý Quốc Huy là những cổ đông sáng lập của CTCP Điện mặt trời Thịnh Long Phú Yên (Thịnh Long Phú Yên). Công ty này là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Thịnh Long – AAA Phú Yên, công suất 50MW, tổng vốn đầu tư 1.173 tỉ đồng. Dự án này vận hành phát điện từ tháng 6/2019.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới dự án Nhà máy điện mặt trời YBM-HII Phú Yên, công suất 50MW, toạ lạc tại xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên. Dự án này đã được Sở Công thương Phú Yên trình Bộ Công thương bổ sung quy hoạch, do Liên danh CTCP Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái (Mã CK: YBM) và CTCP nhựa và khoáng sản An Phát – Yên Bái (Mã CK: HII) làm chủ đầu tư. Trong đó, YBM cũng là một thành viên trong hệ sinh thái của đại gia Hoàng Quốc Huy.
Ngoài ra, ngày 13/11/2018, Europlast cùng CTCP Dịch vụ - Thương mại – Đầu tư Phong Bang, CTCP Phát triển L.T.M Việt Nam thành lập CTCP Năng lượng Solar Việt Nam (Solar Việt Nam). Ông Bùi Thái Hoàng (SN 1970) - Tổng giám đốc Solar Việt Nam – hiện là Chủ tịch của Công ty TNHH Solar Phương Nam.
Ngày 22/6/2020, Solar Việt Nam đã khởi công dự án trang trại nấm và điện áp mái, công suất 3,6MW tại xã An Khương, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
Sở hữu danh mục dự án điện mặt trời đáng nể với tổng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỉ đồng, lĩnh vực tái tạo dường như là một trong những hướng phát triển mũi nhọn mới của Europlast.
Song, dư luận hẳn sẽ không khỏi băn khoăn nếu biết rằng một vài dự án trong số đó đã được sang tay cho chủ mới.
Cụ thể, sau khi Nhà máy điện Europlast Long An đi vào vận hành, ngày 28/6/2019, 23 triệu cổ phần (tương đương 76,67% vốn) của Europlast Long An đã được chuyển nhượng cho CTCP Tập đoàn Sao Mai (Mã CK: ASM). Giá trị chuyển nhượng của thương vụ không được tiết lộ.
Vào tháng 1/2020, đại gia năng lượng Thái Lan – Super Energy Corporation – cũng công bố thông tin về việc chi ra 51,15 triệu USD để mua lại toàn bộ vốn tại Thịnh Long Phú Yên.
Thân thiết như Thịnh Long Group và Europlast
Theo tìm hiểu của VietTimes, Thịnh Long Group được thành lập ngày 27/7/2010, hiện có vốn điều lệ đạt 428 tỉ đồng. Các cổ đông sáng lập bao gồm: bà Lý Thu Hằng (26% VĐL), bà Trần Thu Hương (26% VĐL), bà Nguyễn Thị Kim Hoa (26% VĐL), ông Nguyễn Mạnh Hùng (10% VĐL), ông Lý Quốc Huy (6% VĐL) và ông Hoàng Việt Phú (6% VĐL).
Trong đó, các nữ cổ đông cá nhân nắm lượng lớn vốn Thịnh Long Group đều đảm nhiệm các vai trò chủ chốt. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Kim Hoa nắm vai trò Chủ tịch HĐQT; các bà Trần Thị Thu Hương và Lý Thu Hằng lần lượt đảm nhận các chức vụ Tổng giám đốc và Kế toán trưởng.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, nhiều cổ đông sáng lập, đồng thời là lãnh đạo cấp cao của Thịnh Long đều có thời gian dài làm việc tại CTCP Xuất khẩu Lao động Thương mại và Du lịch (TTLC).
Trong đó, bà Nguyễn Thị Kim Hoa (SN 1979) có 15 năm công tác tại TTLC, từng làm chuyên viên, phó giám đốc chi nhánh, và hiện nay vẫn là lãnh đạo cấp trưởng phòng.
Ông Lý Quốc Huy (SN 1981) cũng là nhân sự lâu năm và hiện là Phó TGĐ TTLC. Ông Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1973) có nhiều năm làm lái xe khách tại TTLC, trong khi vợ ông - bà Bùi Thị Hồng (SN 1984), là nhân viên tại TTLC.
Điều đáng nói, Chủ tịch HĐQT TTLC chính là ông Hoàng Quốc Huy (SN 1968) – Chủ tịch HĐQT Europlast.
Nói cách khác, phần nhiều cổ đông kiêm lãnh đạo cấp cao của Thịnh Long Group từ trước đến nay vẫn là nhân viên của doanh nhân Hoàng Quốc Huy tại TTLC.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Kim Hoa hiện đang đứng tên tại nhiều doanh nghiệp khác như: CTCP Tập đoàn Khai thác Đầu tư năng lượng Thành Đạt, CTCP Đầu tư năng lượng điện xanh Gia Lai, CTCP Tân Tấn Nhật, CTCP Phát triển điện Năng lượng Oasis Số 1.
Trong đó, CTCP Đầu tư năng lượng điện xanh Gia Lai là chủ đầu tư các dự án Nhà máy điện gió Ia Pech (công suất 50MW, tổng vốn đầu tư 1.499,78 tỉ đồng) và Nhà máy điện gió Ia Pech 2 (công suất 50MW, tổng vốn đầu tư 1.546,7 tỉ đồng).
CTCP Tân Tấn Nhật là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật – Đăk Glei có công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư 1.890,2 tỉ đồng./.
Viettimes