'Thần cây' thế 9 rồng khách Nhật trả 460 tỷ, ông chủ Thanh Hóa không bán: Vì sao siêu đắt?
Hãy cùng tìm hiểu về loài cây 'đắt kinh hoàng' ở Việt Nam này nhé!
Tuyệt phẩm cây sanh thế 9 rồng
Cách đây hơn 2 năm, Festival cây cảnh tỉnh Thanh Hóa 2019 đã diễn ra tại Quảng trường Lam Sơn do Hội Sinh vật cảnh Thanh Hóa cùng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh phối hợp tổ chức.
Tại festival được tổ chức lần thứ 3 này, ông Cao Tiến Đoan (TP. Thanh Hóa) – một doanh nhân có tiếng ở Thanh Hóa đã mang đến triển lãm một cây cảnh đã gắn bó với gia đình mình mấy chục năm nay, đó là cây sanh cổ cỡ đại "Nham thạch bách niên", được ví như "thần cây".
Vị chủ nhân của "thần cây" này cho biết có một người khách người Nhật Bản có định giá tác phẩm này khoảng 20 triệu USD (460 tỷ đồng) và ngỏ ý muốn mua lại nhưng ông vẫn quyết không bán cho dù vị khách này có trả giá cao cỡ nào.
Lý do được ông tiết lộ là do cây sanh này như một “thành viên trong gia đình” nên không bao giờ có ý định bán. Về nguồn gốc, ông Đoan cho biết mình đã mua được nó cách đây 24 năm mà ông đã phải đổi 1 ngôi nhà ở mặt phố Lê Hoàn (TP. Thanh Hóa).
Ông Đoan cho biết rằng về tuổi thọ của cây thì ông cũng không thực sự nắm chính xác, chỉ ước chừng nó đã hàng trăm năm tuổi dựa trên việc khi tưới nước vào cây, màu da cây nổi màu đồng.
Cây sanh này có tên “Nham thạch bách niên” vì: Gốc phần thân và gốc cây có địa y bám lên khiến toàn thân trắng xóa đã chuyển sang màu đồng như màu của nham thạch, còn bách niên nghĩa là trăm tuổi. Cây có 9 thân phụ tựa như 9 con rồng hội tụ từ một gốc liền, có tới 81 bông tán tựa tản vân có tỉ lệ rất hợp lý.
Đặc điểm của cây 'Nham thạch bách niên'. Ảnh biên tập: Thành Luân
Cây sanh cổ này có chiều cao khoảng hơn 5m (tính từ mặt chậu), tán khoảng 6m, bệ rễ gốc khoảng 4m. Toàn bộ cây được mọc trên một khối đá voi - loại đá rất khó tìm và được ưa chuộng phối với cây cảnh; ngoài ra bên dưới gốc còn có một pho tượng Lê Lợi cưỡi ngựa.
Lý do khiến cây sanh thường là những cây có giá rất cao trong các loài cây cảnh
Cây sanh, còn gọi là cây si (Tên khoa học: Ficus benjamina), là một loại cây cảnh Bonsai thuộc họ Dâu tằm, được trồng khá phổ biến trên thế giới, trong đó đặc biệt là các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Lào do có khí hậu nhiệt đới ẩm.
Cây sanh là cây thân gỗ có chiều cao có thể từ 15 đến 20m, phát triển rất mạnh nên trên thân hoặc cành thường là hình các u bướu và các sống gờ; cây có khả năng phân cành cao, ít bệnh tật. Cây có nhiều rễ được mọc từ thân chính hoặc cành to.
Người ta ưa chuộng trồng sanh làm cây cảnh vì thân rất dẻo, dễ uốn và tạo dáng. Hơn nữa sanh khá dễ trồng, có thể mọc trên nhiều loại đất và có thể bám trên đá để sống, miễn là được cung cấp nước đầy đủ.
Tuy dễ tạo dáng là thế nhưng để tạo nên một cây sanh đầy tính nghệ thuật lại không phải là điều đơn giản vì người nghệ nhân sẽ phải nắm vững các kỹ thuật như kỹ thuật tạo rễ sanh ôm lấy đá, kỹ thuật làm cho cây già đi so với tuổi thực, kỹ thuật tạo gân guốc, xù xì cho cây...
Hình ảnh một số cây sanh từng được rao giá cao nhất Việt Nam từ trước đến nay
Siêu cây “mâm xôi con gà” là cây sanh cổ thụ có tuổi đời hơn 150 tuổi được định giá hơn 120 tỷ đồng.
Cây sanh "Phúc lộc thọ trường" giá chục tỷ. Ảnh: Dân Việt
Sanh cổ 'Nhất tọa kinh thiên' 200 tuổi giá 11 tỷ đồng.
Sanh cổ “Nghinh phong” giá hơn 9 tỷ đồng
'Song sanh' giá 15 tỷ đồng
Cây sanh 'Độc long kim cương' được trả hàng chục tỷ đồng vẫn không bán!
Sanh cổ 'lực sĩ' giá hơn 10 tỷ đồng
Cây sanh 'Long chúa', đổi ngang 20 lô đất chưa bán
Cây sanh 'Nỏ thần' 300 năm tuổi từng được vua Bảo Đại chơi, giá hơn 30 tỷ đồng
Cây sanh 'Bách niên giai lão' được trả giá triệu đô dù chưa hoàn thiện
Cây sanh 'Ngũ phúc lâm môn' được trả trả 100 cây vàng vẫn không bán
Theo ông Lê Quang Chức, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Nam Định thì cây sanh chính là cây cảnh chủ lực của Nam Định từ năm 2008 khi mang lại nguồn lợi nhuận siêu khổng lồ. Cụ thể từ năm 2008 doanh thu từ cây cảnh của các hộ dân là khoảng 300 tỷ đồng (chủ yếu là từ cây sanh).
Đến năm 2009 thì con số này đã là 547 tỷ đồng, năm 2010 đạt tới 1.020 tỷ đồng. Chính vì thế cây sanh được trồng phổ biến rộng khắp Nam Định (vùng đất phù hợp với sự phát triển của cây), lợi nhuận bình quân khi trồng sanh là 222 triệu đồng/ha. Chỉ tính riêng Nam Định đã có 4.583 ha trồng cây cảnh.
Về mặt sinh học, cây sanh không có gì đặc biệt và cũng không phải là loài cây quý hiếm, thậm chí cây sanh còn có chất độc trong lá, không phù hợp trồng trong những gia đình có người bị dị ứng nhựa mủ hay người bị hen suyễn.
Điều tạo nên giá trị của một cây cảnh chính là các yếu tố nằm trong tiêu chí "Cổ Kỳ Mỹ Văn" (cổ là lâu năm, kỳ là kỳ lạ, mỹ là đẹp và văn là nhân văn). Và quả thực cây sanh có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này.
Theo kết quả khảo nghiệm, phân tích của Viện Khoa học Bảo vệ môi trường Thiên nhiên Việt Nam thì ở nước ta có một cây sanh với 54 nhánh (ở tỉnh Hòa Bình) có tuổi thọ lên đến 800 năm!
Như vậy có thể thấy cây sanh là một loài cây có tuổi thọ rất cao, cây có thể mọc với nhiều hình dáng kỳ lạ do đặc tính phát triển cực mạnh trong khí hậu nhiệt đới. Những người chơi cây cảnh cũng dựa vào các hình dạng này để đặt tên cho cây như:
Cây sanh 'mâm xôi con gà' (giá 120 tỷ đồng) hơn 150 năm tuổi được các nhà chuyên môn xếp vào “tứ kỳ mộc” của đất ngàn năm văn vật, hay cây 'phúc lộc thọ trường' ở Hà Nội giá chục tỷ đồng, cây "Nhất tọa kinh thiên" 200 tuổi giá 11 tỷ đồng...
Một số cây sanh có giá 'khủng' khác ở Việt Nam như cây sanh “Ngũ phúc lâm môn” có tuổi đời khoảng 500 năm tuổi của ông Phạm Lân (Thanh Trì, Hà Nội), cây sanh “Nỏ thần” trên 300 tuổi mà vua Bảo Đại từng chơi.
Có thể thấy những cây sanh có thể hội tụ đủ cả 4 yếu tố "Cổ Kỳ Mỹ Văn" nên giá trị của chúng thường rất cao, được những người yêu cây cảnh ưa chuộng. Hơn nữa, theo quan niệm của người Việt Nam, cây sinh trưởng càng nhanh thì chồi lộc càng nhiều.
Về ý nghĩa này, cây sanh dễ dàng đáp ứng kỳ vọng của người chơi cây vì đặc tính phát triển mạnh mẽ của mình. Người chơi cây cảnh cho rằng cây càng nhiều lá xum xuê, nhiều tán thì càng phát tài, phát lộc bấy nhiều.
Khi trồng cây sanh trong nhà, người chủ cũng mong muốn cây sanh sẽ giúp giữ nhà cửa luôn yên ấm, mang lại tài lộc, phúc khí cho gia đình. Ngoài ra một số người chơi cây cảnh còn muốn bày tỏ cái chí khí hoặc bản tính của mình.
Do đó mới có khái niệm cây thế, với những thế như quân tử, mẫu tử, huynh đệ, tung hoành, bạt phong hồi đầu... và nhiều quái thế khác cũng khiến giá trị của cây được đẩy lên rất nhiều.
Một số ý kiến trái chiều
Trên trang Soi.com.vn, có bài viết 'Thú chơi cây sanh hay sự lệch lạc trong thẩm mỹ của giới nhà giàu Việt?' bày tỏ quan điểm trái chiều về việc chơi cây cảnh ở Việt Nam. Theo đó, tác giả bài viết là KTS Phó Đức Tùng cho rằng ngày nay nhiều đại gia Việt Nam chơi cây cốt ở cái 'khủng'!
Cụ thể hơn là họ ưa chuộng những cây càng to, càng kỳ hình dị dạng, quái thai, quái thế, quái gở càng tốt, mà trong các loài cây cảnh thì có lẽ cây sanh thuộc loại thích hợp nhất cho nhu cầu này vì chúng sinh trưởng rất mạnh mẽ khi được cung cấp đủ nước.
Những cây này có thể mọc lại rất nhanh sau khi bị chặt hay có thể dính liền khi bó lại để làm tăng kích thước, khi rạch vỏ cây thì cũng nhanh chóng lành lại hoặc gặp gì quấn nấy, kỳ hình dị dạng nên rất dễ tạo nên quái thế cho cây.
'Có cung ắt có cầu' - với nhu cầu thị hiếu của người chơi thì cũng có những vùng đất chuyển đổi từ đất nông nghiệp trồng lúa để trở thành một đồn điền trồng thứ cây "vô bổ" này. Đồng thời những người nông dân chân lấm tay bùn nay lại được phong làm nghệ nhân!
Điều này dẫn đến hệ lụy là phá vỡ quy hoạch chung về sản xuất nông nghiệp.
Tác giả bài viết còn cho rằng việc các đại gia đổ tiền tỷ vào thú chơi "vô bổ" này còn là một chỉ số rõ ràng của khủng hoảng kinh tế khi bị bế tắc trong môi trường đầu tư, khiến cho người có tiền không biết bỏ tiền vào đâu cho có ý nghĩa.
Trên báo Công An Nhân Dân còn cảnh báo về nạn "chảy máu" tài nguyên rừng khi những cây sanh được người buôn cây cảnh tìm mọi cách để vượt biên trái phép ra nước ngoài (chủ yếu là sang Trung Quốc).
Để rồi đến một lúc nào đó, khi tư duy của con người thay đổi thì người ta sẽ lại tìm đến những thú vui mới và rồi những cây sanh lúc này sẽ trở thành những cây cảnh vô giá trị khiến nhiều người tán gia bại sản vì đầu tư vào nó.
Tạm kết: Yêu cây cảnh là một thú vui tao nhã, là món ăn tinh thần nghệ thuật tinh tế và cũng là nét văn hóa hào hoa của dân tộc. Tuy nhiên đừng vì chạy theo những giá trị trước mắt mà khiến thu vui này trở nên lệch lạc và tạo thành những 'bong bóng kinh tế' có thể nổ bất cứ lúc nào.
Pháp luật và bạn đọc