Tháng 4, WinMart/WinMart+ sẽ có thêm 100 điểm bán mới
Khi đại dịch được kiểm soát, dấu hiệu phục hồi tương đối rõ nét ở nhiều ngành. Các chuyên gia phân tích đặt kỳ vọng vào những công ty bán lẻ và phân phối quy mô lớn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022.
Duy trì tốc độ mở mới, tiến tới hơn 4.000 điểm bán trong năm 2022
Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid, nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải thu hẹp hệ thống, công bố tạm ngưng mở mới để củng cố nền tảng vận hành, tái cơ cấu năm 2022. Ở chiều ngược lại, WinCommerce (WCM – đơn vị sở hữu hệ thống WinMart/WinMart+) sau thời gian thích ứng linh hoạt với đại dịch, hậu Covid lại có kế hoạch tăng tốc ấn tượng. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hạn chế việc mở rộng hệ thống, WCM vẫn mở mới được 387 cửa hàng WinMart+ trong cả năm 2021. Trong đó, có 285 cửa hàng WinMart+ được khai trương chỉ trong quý 4/2021. Đây là tiền để giúp WCM tự tin tăng tốc nhân rộng số lượng cửa hàng trong năm 2022 và giai đoạn sau.
Khách hàng mua sắm tại cửa hàng WinMart+ nhượng quyền tại Bắc Giang
Lãnh đạo WCM cho biết, trong tháng 4/2022 dự kiến sẽ có thêm hơn 100 cửa hàng WinMart+ và 2 siêu thị WinMart chính thức đi vào hoạt động. Đà mở mới này sẽ được duy trì trong suốt cả năm 2022. Tiến tới mục tiêu, kết thúc năm 2022, WCM sẽ có hơn 4.000 cửa hàng và 170 siêu thị hoạt động hiệu quả.
Nối dài cánh tay của WCM trên toàn quốc, nhà bán lẻ này chính thức phát triển mô hình nhượng quyền WinMart+ từ cuối tháng 12/2021. Nhượng quyền thương hiệu WinMart+ sẽ giúp WCM nhanh chóng nhân rộng mạng lưới bán lẻ theo mô hình đa tiện ích (mini-mall) tại các vị trí đắc địa nhất. Sau giai đoạn thử nghiệm, mô hình này cho thấy sự tối ưu hóa mô hình kinh doanh và quản lý đối tác nhận nhượng quyền. WCM đặt kế hoạch triển khai khoảng 200 cửa hàng nhượng quyền trong năm 2022. Hiện nay, hệ thống WCM có gần 2.800 siêu thị/cửa hàng. Là doanh nghiệp bán lẻ mang thương hiệu Việt, của người Việt, sở hữu số lượng điểm bán lớn nhất cả nước.
Công thức giảm lỗ ngoạn mục, không ngừng tăng trưởng
Không chỉ chú trọng phát triển về chiều rộng, WCM còn có chiến lược bài bản phát triển chiều sâu. Tập đoàn Masan (Công ty mẹ của WCM) đã tìm ra chính xác công thức tăng trưởng trong tương lai là không ngừng mở rộng quy mô và gia tăng trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.
Song song với việc nhân rộng số lượng cửa hàng, WCM áp dụng cách bài trí mới, tập trung vào sản phẩm tươi sống và tăng tốc mô hình mini-mall. Đây được coi là động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Ngoài ra, WCM cũng đặt mục tiêu gia tăng lợi nhuận thông qua tăng cường đàm phán với các nhà cung cấp, cắt giảm chi phí hậu cần và cải thiện khả năng phân phối.
Mô hình bán lẻ mini-mall đa tiện ích đón đầu xu hướng tiêu dùng hiện đại
Với mong muốn mang đến cho khách hàng đa trải nghiệm, đa tiện ích chỉ trong một điểm đến, WCM đã tích hợp vào các cửa hàng WinMart+ các dịch vụ gồm: ngân hàng tự động Techcombank, trà&đồ uống Phúc Long, nhà thuốc Phano, nhà mạng mới Reddi. Các thương hiệu hàng tiêu dùng, nông sản Việt chiếm tới 90% hàng hóa của Winmart/WinMart+. Trong đó, nhiều mặt hàng nông sản Việt được địa phương hóa, là đặc sản nổi tiếng đến từ các vùng miền trên cả nước. WCM cũng chọn lọc, tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu riêng để nâng tầm hàng hóa nông sản Việt như: gạo Ngọc Nương, dưa lưới Đế Vương, trứng gà Olala…
Kể từ tháng 12/2019, chính thức tham gia thị trường bán lẻ bằng việc mua lại WinMart/WinMart+ từ Vingroup, Masan đã nỗ lực giảm lỗ từ 5.600 tỷ đồng năm 2019 xuống chỉ còn 1.400 tỷ đồng đến 2021. Đây là mức lỗ thấp nhất kể từ năm 2015 tới nay. Đặc biệt, WCM lần đầu tiên đạt lợi nhuận dương vào Quý 3/2021. Trong năm 2022, doanh thu thuần của WCM dự kiến trong khoảng từ 38.000 tỷ đồng đến 40.000, tăng 23% đến 29% so với năm 2021, nhờ vào tăng trưởng doanh thu của các cửa hàng hiện có và việc mở rộng hệ thống cửa hàng.