MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thành công của Nguyễn Hà Đông hay những triệu phú đô la ẩn danh cần được sẻ chia vì cộng đồng

Thành công của Nguyễn Hà Đông với “hiện tượng Flappy Bird”, cũng như nhiều bạn trẻ khác cần được chia sẻ để nhiều người cùng có sự tự tin, có cơ hội khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Đây là một phần nội dung trong bài phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi tham dự khai trương Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Tập đoàn công nghệ CMC hôm 26/2.

Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải hành động thực sự, hiểu đúng để nắm bắt những cơ hội từ sự phát triển mạnh mẽ của Công nghệ thông tin như khởi nghiệp sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phó Thủ tướng cho biết nhiều bạn trẻ Việt Nam đã thành công với những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo (Start-up) độc đáo. Tuy nhiên để cộng đồng Start-up phát triển mạnh mẽ hơn nữa rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp, nhà tư vấn, các quỹ đầu tư… từ việc kêu gọi vốn, tạo thuận lợi đăng ký, bảo hộ sở hữu trí tuệ; ưu đãi về thuế đến thị trường; xây dựng, kết nối các không gian sáng tạo, tạo lập các “hệ sinh thái khởi nghiệp”.

“Những trung tâm sáng tạo cần được lập nên ở rất nhiều nơi, đặc biệt là tại các trường đại học lớn, ở các tập đoàn, doanh nghiệp và phải có sự kết nối mạnh mẽ hơn hiện nay. Mỗi tập đoàn, mỗi doanh nghiệp có thế mạnh, cơ hội của riêng mình, nhưng ngày hôm nay chúng ta càng kết nối, càng chia sẻ thì sẽ có thêm những cơ hội mới”, Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, ông cũng cho rằng thành công của Nguyễn Hà Đông với “hiện tượng Flappy Bird”, cũng như nhiều bạn trẻ khác cần được chia sẻ để nhiều người cùng có sự tự tin, có cơ hội khởi nghiệp.

Để làm được như vậy, theo Phó Thủ tướng, cần nhận thức, ý thức và hành động thực sự nhằm giải quyết những vấn đề, của cả chính quyền lẫn cộng đồng, đang khiến những bạn trẻ, những doanh nghiệp Start-up còn e dè khi chia sẻ kinh nghiệm, thành công của mình.

Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn Việt Nam cần có thêm hàng chục quỹ đầu tư mạo hiểm so với vài ba quỹ như hiện tại. Còn đối với số quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, con số này trong tương lai cần phải lên đến hàng trăm.

“Trên thế giới có khoảng vài nghìn trung tâm sáng tạo được biết đến còn chúng ta mới có vài trung tâm. Vậy làm sao trước mắt lên hàng chục tiến tới con số hàng trăm trung tâm. Số lượng các bạn trẻ, các doanh nghiệp Start-up sẽ không dừng lại ở con số hàng trăm, hàng nghìn”, ông nói.

“Để làm được điều này không chỉ là trách nhiệm, kỳ vọng vào cộng đồng doanh nghiệp mà còn đòi hỏi sự sáng tạo và quyết liệt thay đổi của các bộ ngành”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nói về những cơ hội cũng như thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ dù có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng cuộc cách mạng này cơ bản dựa trên nền tảng phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin với những khái niệm như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data)…

“Nếu xác định cuộc cách mạng này thực sự dựa trên công nghệ thông tin thì ngay bây giờ chúng ta phải làm gì để công nghệ thông tin ở Việt Nam có bước phát triển mới”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và cho rằng cần phải có các chính sách rất mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa tin học vào mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội; tạo điều kiện cho một số ngành, sản phẩm trọng điểm phát triển dựa trên thế mạnh này.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng khẳng định để tận dụng được cơ hội từ bất kỳ cuộc cách mạng công nghiệp nào luôn rất cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình sáng tạo quốc gia, tăng cường phổ cập kiến thức khoa học, công nghệ đến mọi người dân… Và muốn làm được điều này thì tất cả các bộ ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và cả xã hội phải vào cuộc.

Min Min

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên