MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh Hóa, một năm nhìn lại

Là một tỉnh còn chịu ảnh hưởng nhiều từ thiên tai, nhưng 3 năm qua, Thanh Hóa đã phát triển tương đối mạnh mẽ, toàn diện, đặc biệt trong năm 2018 lần đầu tiên địa phương này thu ngân sách lên tới hơn 23.000 tỉ đồng, đứng thứ 3 cả nước về tăng trưởng GRDP.

Thanh Hóa, hay còn được gọi là xứ Thanh - là tỉnh thuộc Bắc miền Trung Việt Nam, đứng thứ 5 cả nước về diện tích và thứ 3 về dân số. Thanh Hóa là tỉnh có nhiều huyện nhất nước với 25 huyện, thị xã, 2 TP, trong đó trung tâm hành chính là TP Thanh Hóa. Trong những năm trở lại đây, nhờ có sự tập trung lãnh chỉ đạo của cả hệ thống chính trị mà Thanh Hóa đang dần chuyển mình, để tiến tới trở thành một trung tâm kinh tế của khu vực Bắc miền Trung.

 Thanh Hóa, một năm nhìn lại  - Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Chiến, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ những thành quả mà Thanh Hóa đạt được trong những năm qua (đặc biệt là trong năm 2018) tại cuộc gặp gỡ các cơ quan thông tấn, báo chí dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019

Ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, tự hào khi nói về những thành quả đạt được rất ấn tượng của địa phương trong những năm qua. Theo ông Chiến, để Thanh Hóa có được sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện trong năm qua từ tư duy, cách nghĩ, cách làm được kế thừa, nâng lên một bước mới và những gì đã đạt được là rất quan trọng, to lớn và toàn diện hơn rất nhiều so với Thanh Hóa cách đây 8 năm.

Sự phát triển của Thanh Hóa có thể nhìn thấy rõ nhất qua sự phát triển mạnh mẽ của "tứ Sơn", đó là một Bỉm Sơn với trọng tâm là công nghiệp xi măng, từ sản lượng 2,5 triệu tấn/năm đến nay đạt gần 9 triệu tấn/năm và đang tiếp tục đi lên, góp phần quan trọng đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh sản xuất xi măng hàng đầu cả nước.

Đó là một Sầm Sơn đã hoàn toàn "thay da đổi thịt" từ cơ sở hạ tầng du lịch với sự góp mặt của nhiều tập đoàn kinh tế lớn, trong đó lớn nhất là Tập đoàn FLC, sắp tới là Tập đoàn SunGroup,... đến văn hoá du lịch và cách làm du lịch, tạo nên một Sầm Sơn nổi tiếng trong lòng du khách thập phương thay thế cho Sầm Sơn với nhiều điều tiếng không tốt trong quá khứ.

 Thanh Hóa, một năm nhìn lại  - Ảnh 2.

Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn - một dự án lớn trọng điểm của Thanh Hóa và cả nước, góp phần không nhỏ giúp Thanh Hóa vươn lên phát triển mạnh mẽ

Đó là một Nghi Sơn với sự phát triển đột phá được thúc đẩy bởi nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, mà hạt nhân là dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư trên 9 tỉ USD. Đó là một Lam Sơn - Sao Vàng đã và đang từng ngày hình thành trung tâm công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao, gắn với Cảng hàng không Thọ Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch là Cảng hàng không quốc tế và sắp tới tiếp tục đầu tư trở thành "thành phố sân bay".

"Nếu ai đó chưa có dịp thăm Thanh Hóa hay chưa gặp lại Thanh Hoá trong 8 năm trở lại đây, thì chắc chắn sẽ ngỡ ngàng khi về với Thanh Hóa chúng tôi, vùng đất được ví như một "nước Việt Nam thu nhỏ", quê hương của tam Vương, nhị Chúa, của những làn điều dân ca, dân vũ say đắm lòng người"- ông Chiến chia sẻ.

Nhờ đó mà năm 2018 là năm đánh dấu sự bứt phá ngoạn mục của địa phương với hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt qua con số 20 ngàn tỉ đồng (đạt 23.464 tỉ đồng). Nếu so với năm 2017, thu được trên 13.300 tỉ đồng, thì gấp 1,76 lần; nếu so với năm 2015, thu gần 11.000 tỉ đồng gấp 2,13 lần và nếu so với 8 năm trước đây, năm 2010 thu được trên 4.200 tỉ đồng, gấp 5,58 lần. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 15,16%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay và thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước.

Ngoài phát triển ấn tượng về kinh tế, năm 2018, giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao của Thanh Hóa đứng thứ 4 cả nước, trong đó thi học sinh giỏi châu Á-Thái Bình Dương và Olympic quốc tế đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với 2 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Đồng môn Vật lý, 1 Huy chương Vàng môn Sinh học, 2 Huy chương Bạc các môn Hóa học và Tin học.

 Thanh Hóa, một năm nhìn lại  - Ảnh 3.

Một góc trung tâm TP Thanh Hóa hôm nay

Bên cạnh đó, trong năm 2018, Thanh Hóa đi đầu cả nước về sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố . Cụ thể, địa phương này đã tiến hành sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố. Từ đó, toàn tỉnh giảm từ 5.971 thôn, tổ dân phố xuống còn 4.393 thôn, tổ dân phố; giảm 1.578 thôn, tổ dân phố. Giảm tương ứng 9.468 cán bộ không chuyên trách thôn, bản, tổ dân phố. Mỗi năm toàn tỉnh tiết kiệm được khoảng 360 tỉ đồng từ việc giảm cán bộ không chuyên trách thôn, bản, tổ dân phố.

Với những kết quả đã đạt được, trong năm 2019, Thanh Hoá phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 20% trở lên; GRDP bình quân đầu người 2.520 USD trở lên. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 125.000 tỉ đồng trở lên. Thu ngân sách Nhà nước năm 2019 đạt 26.642 tỉ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt 3.000 doanh nghiệp trở lên.

Bí thư Trịnh Văn Chiến khẳng định, Thanh Hóa luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư trong và nước ngoài; cam kết luôn đồng hành, sát cánh và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Thanh Hóa; sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trên các lĩnh vực, tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư , hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách theo hướng thông thoáng hơn; cam kết bảo đảm an ninh trật tự; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Clip 10 dấu ấn nổi bật của Thanh Hóa trong năm 2018 - Nguồn Đài TTV Thanh Hoá

Theo Thanh Tuấn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên