Thanh khoản thị trường chứng khoán sụt giảm, có phải nhà đầu tư đã chán?
Có thể thấy nhà đầu tư đang "dễ tổn thương" sau mạch giảm liên tục vừa qua, bên bán thì cũng rất tiết cung vì nhiều cổ phiếu đã rơi quá nhiều từ đỉnh, bên mua thận trọng không đuổi theo giá cao.
Phiên giao dịch 27/4 hôm qua, thị trường chứng khoán có phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp với sắc xanh bao phủ toàn bộ các chỉ số khi đóng cửa. Tuy nhiên, niềm hân hoan vì "cơn mưa rào" sau chuỗi ngày "nắng hạn" tỏ ra không quá mãnh liệt, kể cả với nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu hay những người cầm tiền. Với bên đang nắm giữ cổ phiếu, nhà đầu tư chưa thực sự tự tin với đà tăng của VN-Index trong hai phiên vừa qua, khi mà chỉ số thường xuyên giảm mạnh hàng chục điểm vào đầu phiên, ngay cả khi hồi phục cũng lập tức gặp áp lực bán mạnh khiến chỉ số nhiều lần phải quay đầu hạ nhiệt. Với bên cầm tiền, nhà đầu tư cũng tỏ ra không thực sự sẵn sàng nhập cuộc, khi mà nhịp tăng có thể biến thành bẫy "bull-trap" và đẩy họ vào trạng thái "đu đỉnh".
Trong phiên 28/4, VN-Index giảm nhẹ gần 3 điểm, tuy nhiên áp lực mua bán ngày càng "mất hút" khi mà lực mua vẫn chưa trở lại thị trường. Cả bên mua và bên bán tỏ ra tiếp tục hoài nghi lẫn nhau, qua đó diễn biến của thị trường ngày càng ảm đạm, minh chứng rõ ràng nhất là việc thanh khoản thị trường "tụt áp", thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE đã giảm về mức thấp nhất kể từ phiên 28/7/2021 (11.413 tỷ đồng), giá trị trong phiên 28/4 chỉ đạt mức 12.261 tỷ đồng.
Nhìn lại trước đây vài tháng, khoảng thời gian thăng hoa nhất của thị trường chứng khoán chứng kiến thường xuyên các phiên giao dịch thanh khoản tỷ đô. Thậm chí, kỷ lục thanh khoản được thiết lập trong phiên 19/11/2021, khi giá trị giao dịch trên tổng ba sàn ghi nhận 56.337 tỷ đồng (2,45 tỷ USD), trong đó giá trị khớp lệnh trên HoSE lên tới 43.142 tỷ đồng, gấp gần 3,5 lần giá trị giao dịch phiên hôm nay.
Giá trị giao dịch sàn HoSE trong những phiên trở lại đây giảm mạnh
Việc thanh khoản liên tục giảm mạnh có thể xem là diễn biến bình thường sau một chuỗi giảm điểm sâu, sau đó xuất hiện một nhịp hồi kỹ thuật. Theo đó, nhà đầu tư đang "dễ tổn thương" sau mạch giảm liên tục vừa qua, bên bán thì cũng rất tiết cung vì nhiều cổ phiếu đã rơi quá nhiều từ đỉnh, bên mua thận trọng không đuổi theo giá cao. Mặt khác, dòng tiền từ hoạt động cho vay ký quỹ (margin) có thể đã giảm mạnh sau giai đoạn vừa khi nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái bị bán giải chấp, càng khiến động lực bên mua trở nên "hụt hơi".
Trong khi đó, tình hình thế giới đang rất biến động và nhiều rủi ro, thị trường chứng khoán Mỹ vừa có mức giảm nghìn điểm, xung đột địa chính trị leo tháng và những động thái xung quanh kỳ họp của FED vào đầu tháng Năm. Còn bối cảnh trong nước, kỳ nghỉ Lễ kéo dài 4 ngày tới đây, sau đó sẽ trùng dịp FED họp, khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý "nghỉ ngơi", không muốn đánh cược khi mua cổ phiếu sẽ không kịp về tài khoản trước kỳ nghỉ.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco, một nguyên nhân nữa của việc thanh khoản "mất hút" có thể đến từ việc dòng tiền sẵn sàng bắt đáy không dồi dào như trước. Bởi lẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh đang hồi phục trở lại sau làn sóng dịch bệnh, dòng tiền có thể rút ra để chảy ngược lại vào nền kinh tế. Hơn nữa áp lực thanh toán các khoản nợ đáo hạn, đặc biệt đối với nhóm trái phiếu bất động sản có thể gia tăng trong nửa cuối năm, buộc các doanh nghiệp phải cân đối nguồn tiền để đáp ứng nhu cầu thanh toán.
Vậy nhà đầu tư nên nhìn nhận và hành động như thế nào trong tình cảnh hiện tại, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng thị trường đã có những phiên hồi phục đầu tiên, đây là dấu hiệu rất đáng mừng và giải tỏa áp lực cho số đông. Tuy nhiên, thực tế cũng chưa đủ bằng chứng thuyết phục là thị trường đã tạo đáy hay chưa, đặc biệt trong diễn biến thanh khoản suy yếu.
"Hiện có nhiều tín hiệu cho thấy xu hướng dài hạn của thị trường đang chuyển sang trạng thái xấu, do đó việc giao dịch của nhà đầu tư cũng cần hết sức thận trọng. Kháng cự mạnh hiện tại quanh vùng 1.380 điểm", ông Huy đánh giá.
Vị chuyên gia đến từ HSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể hành động tùy thuộc vào vị thế của mỗi người, nhưng cũng cần dựa trên nguyên tắc thận trọng:
(1) Đối với nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao hoặc sử dụng margin, danh mục đang có nhiều mã cổ phiếu lỗ: Tranh thủ các nhịp hồi để cơ cấu lại danh mục, đặc biệt là các cổ phiếu có cơ bản kém và còn dư địa rơi theo kỹ thuật.
(2) Đối với nhà đầu tư cầm tiền chờ mua bắt đáy: Áp dụng nguyên tắc bắt đáy từng phần, hạn chế tâm lý ăn – thua với thị trường.
"Các diễn biến trên thị trường thế giới cần được theo dõi kỹ, nhiều chỉ số chứng khoán lớn đang ở vùng rất nhạy cảm", ông Huy cho biết thêm.