MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh khoản thị trường phái sinh cao kỷ lục trong phiên giao dịch 10/3

Thống kê cho thấy thanh khoản thị trường phái sinh thường tăng vọt mỗi khi thị trường tạo đáy ngắn hạn, trong khi khá ảm đạm trong giai đoạn thị trường đi ngang.

Sau phiên giảm kỷ lục hôm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục trở lại trong phiên giao dịch 10/3. Theo đó, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng nhẹ 2,01 điểm (0,24%) lên 837,5 điểm với giá trị giao dịch gần 5.200 tỷ đồng. Số mã tăng điểm trên HoSE tăng lên 204 mã, vượt trội so với 164 mã giảm.

Cùng với sự hồi phục của thị trường cơ sở, một điểm đáng chú ý khác trong phiên còn đến từ thị trường phái sinh khi thiết lập kỷ lục mới về khối lượng giao dịch.

Trong phiên 10/7, khối lượng khớp lệnh trên thị trường phái sinh đạt 209.061 hợp đồng, tương ứng giá trị danh nghĩa 16.273 tỷ đồng. Đây cũng là khối lượng, giá trị giao dịch cao nhất kể từ khi thị trường phái sinh đi vào hoạt động vào tháng 8/2017.

Thống kê cho thấy thanh khoản thị trường phái sinh thường tăng vọt mỗi khi thị trường tạo đáy ngắn hạn, trong khi khá ảm đạm trong giai đoạn thị trường đi ngang. Những nhịp tạo đáy ngắn hạn vào tháng 7/2018, tháng 1/2019 hay cuối tháng 1/2020 đều gắn liền với sự tăng mạnh về thanh khoản phái sinh.

Thanh khoản thị trường phái sinh cao kỷ lục trong phiên giao dịch 10/3 - Ảnh 1.

Thanh khoản thị trường phái sinh tăng mạnh vào mỗi "đáy" ngắn hạn

Sự tăng mạnh về thanh khoản phái sinh trong giai đoạn tạo đáy phần nào thể hiện tâm lý giằng co, nghi ngờ của giới đầu tư. Điều này cũng đúng trong phiên 10/3 khi HĐTL F2003 và F2006 đóng cửa với basis âm lần lượt 8,01 điểm và 7,81 điểm, trong khi HĐTL F2004 và F2006 đóng cửa với basis dương lần lượt 17,49 điểm và 1,29 điểm.

Ra đời từ tháng 8/2017, chứng khoán phái sinh với sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đang ngày càng thu hút sự quan tâm từ giới đầu tư, đặc biệt trong giai đoạn thị trường điều chỉnh bởi lợi thế được giao dịch T+0, cũng như được phép bán khống.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên