Thành lập Cục mới để “giải cứu” nông sản – Đừng để “bình mới rượu cũ”
Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường trong nước đã và đang tham gia giải cứu hàng chục đợt đối với nông sản trong nước. Từ chuối Đồng Nai, dưa hấu Quảng Ngãi tới thịt lợn, trứng gia cầm, bí đỏ…
- 22-06-2017Bộ Nông nghiệp lập cục mới mong “giải cứu” nông sản Việt
- 07-06-2017Chiến dịch 'giải cứu lợn': 1 triệu tấn lợn sẽ ‘lên đường’ sang Trung Quốc
- 05-06-2017Bấp bênh "nền nông nghiệp giải cứu"
Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn- NN&PTNT) vừa chính thức thay thế Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối với mong muốn gắn sản xuất với định hướng thị trường.
Thị trường nông sản liên tục cần “tiếp sức”
Sau gần 2 tháng giải cứu thịt lợn trên cả nước thì hiện giá thịt lợn hơi trong dân đã nhích lên nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Một số địa phương có lượng thịt lợn hơi tồn lớn hiện vẫn đang tiếp tục trong công cuộc giải cứu. Tuy nhiên, trong khi cả nước tập trung giải cứu thịt lợn thì giá gia cầm, đặc biệt là trứng gia cầm lại giảm mạnh. Nhiều nơi, giá trứng gà công nghiệp chỉ còn bán được 18.000 đồng/chục.
Và hiện tại, thị trường lại đang tiếp tục chung tay giải cứu bí đỏ cho nông dân Đắk Lắk. Với diện tích trồng lớn, sản lượng nhiều, giá bí đỏ tại đây nông dân chỉ còn bán được 2.000 đồng/kg, thậm chí nhiều vùng không tiêu thụ được phải thu hoạch xong chất đống bên vệ đồng.
Trước tình hình đó, các đoàn thể, người dân ở TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên- Huế đã vào cuộc giải cứu, thu mua giúp bí đỏ với giá 5.000 đồng/kg để bán cho nông dân.
Từ đầu năm tới nay, thị trường trong nước đã chứng kiến cả chục cuộc giải cứu nông sản. Đáng nói, điệp khúc “được mùa rớt giá” năm nào cũng diễn ra và lặp lại hàng chục năm nay nhưng cả ngành Nông nghiệp và ngành Công Thương cùng bó tay phó mặc nông dân tự bơi trong sự may rủi.
Việc giải cứu nông sản đã làm “nóng” nhiều hội nghị quan trọng, từ Thủ tướng Chính phủ đến diễn đàn Quốc hội vừa qua đều đặt vấn đề “sau lợn, gia cầm, cá sấu…” thị trường sẽ còn phải giải cứu nông sản gì nữa, và tình trạng giải cứu nông sản sẽ diễn ra đến bao giờ?.
Thị trường vẫn đang tiếp tục giải cứu bí đỏ cho nông dân Đắk Lắk.
Trước tình trạng nông sản được mùa rớt giá và được giá mất mùa diễn ra như cái vòng luẩn quẩn, Bộ NN&PTNT vừa quyết định thay thế Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối thành Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản.
Cục này có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản và muối; điều phối các hoạt động phát triển thị trường; đầu mối quản lý và chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.
Kỳ vọng lớn
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện nay, khâu chế biến, thị trường chúng ta còn yếu, chuỗi giá trị chế biến còn tách rời sản xuất với thị trường, đây cũng là nguyên nhân xảy ra việc giải cứu hết nông sản này đến nông sản khác. Hiện thị trường thế giới biến động khôn lường, nhất là thị trường hàng nông sản.
Vì thế, việc thành lập Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sau khi ra đời, cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và nông dân để tổ chức tốt hơn nữa khâu sản xuất và thị trường, đặc biệt thị trường là mệnh lệnh của sản xuất, không có thị trường thì không sản xuất. Mục tiêu sẽ khai thác triệt để thị trường xuất với 7 tỷ dân và thị trường nội địa với 92 triệu người.
Bộ NN&PTNT cho biết, trên cơ sở hình thành Cục này, Bộ sẽ tăng cường nhân sự, hình thành bộ máy chuyên định hướng vấn đề tiêu thụ nông sản, đặc biệt là xuất khẩu.
Tuy vậy, cũng không ít người đặt vấn đề, Bộ Công Thương với một đội ngũ hoành tráng về nhân sự trong và ngoài nước nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thể định hướng được thị trường cho nông dân, vậy Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT có làm tốt hơn?. Hay cũng chỉ là bình mới rượu cũ?.
Chia sẻ về vai trò nặng nề của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng cho biết: “Hiện chúng ta đang chuyển dịch cách làm trong nông nghiệp, đặc biệt của bà con nông dân. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cung cấp bản tin thị trường có tính chất định kỳ và dự báo cho bà con nông dân, kết hợp cơ quan quản lý của Bộ, các Cục chức năng đầu mối về thương mại nông sản để có thể đưa ra một định hướng sát nhất”.
Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, để sản xuất gắn với thị trường, theo mệnh lệnh của thị trường như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra thì mỗi ngành nông nghiệp không thể làm được. Những năm qua, ngành nông nghiệp đã đưa ra quy hoạch đối với nhiều loại cây trồng nhưng thực tế ở các địa phương vẫn xé quy hoạch, chạy theo thị trường trước mắt.
Như cuộc giải cứu thịt lợn hiện vẫn đang diễn ra, ngay từ cuối 2016, trước nguy cơ người dân thấy lợi tăng đàn ồ ạt, Cục Chăn nuôi đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trên cả nước, khuyến cáo tới nông dân không ồ ạt tăng đàn, không để nuôi lợn quá to để trông chờ xuất tiểu ngạch đi Trung Quốc nhưng rốt cuộc thị trường vẫn phải giải cứu thịt lợn.
Sâu xa hơn, theo các chuyên gia nông nghiệp, ngành nông nghiệp phải đẩy mạnh tái cơ cấu trong từng lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi tới nuôi trồng thủy hải sản. Xây dựng những vùng chuyên canh lớn, chăn nuôi hướng tới mô hình trang trại thì mới có thể kiểm soát được đầu vào- đầu ra, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.
Và đặc biệt, khâu chế biến cần được tập trung sâu và đẩy mạnh, còn nếu cứ tình trạng “ăn xổi ở thì” như hiện nay thì sự thay thế của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cũng như bình mới rượu cũ.