"Thánh nữ dọn nhà Mari Kondo": Ngôi sao kiếm triệu đô chỉ nhờ đem đồ đi vứt
Trong khi chúng ta, những cô gái và chàng trai luôn coi dọn dẹp là việc của các thím, các mẹ, các thể loại người rảnh rỗi hoặc mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế, ở Nhật Bản, có một cô gái sở hữu niềm đam mê dọn dẹp từ nhỏ và kiếm bội tiền từ việc dọn nhà, đó là Marie Kondo.
- 28-12-2018Quang Hải bị nhắc nhở vì mải viết bài quảng cáo kiếm tiền mà lơ là giao lưu với người hâm mộ
- 25-12-2018Còn trẻ thì lo học lo kiếm tiền đi. Khi sự nghiệp vững vàng và xinh đẹp thì không lo ế, buồn quá có thể bỏ hết tất cả lại đằng sau, đi ra nước ngoài du lịch!
- 08-12-20186 điều bất kỳ ai cũng cần nhớ để không bao giờ trở thành “nô lệ của đồng tiền”: Người khôn ngoan hiểu rằng tiền chỉ là công cụ, cuộc sống có nhiều thứ cần làm hơn chỉ kiếm tiền
Trong khi chúng ta, những cô gái và chàng trai luôn coi dọn dẹp là việc của các thím, các mẹ, các thể loại người rảnh rỗi hoặc mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế, ở Nhật Bản, có một cô gái sở hữu niềm đam mê dọn dẹp từ nhỏ và kiếm bội tiền từ việc dọn nhà, đó là Marie Kondo.
Marie Kondo sinh ngày 9 tháng 10 năm 1984. Được biết đến với tư cách “phù thủy dọn nhà” nhưng để tìm được một từ khóa miêu tả nghề nghiệp và thành công của cô trong lĩnh vực đó, người ta dùng từ “chuyên gia tư vấn về sắp xếp” và tác giả cuốn sách cháy kệ “Ma thuật thay đổi cuộc sống nhờ dọn dẹp”. Cô cũng là ngôi sao truyền hình thực tế với show riêng của mình trên Netflix: “Dọn nhà cùng Marie Kondo”.
Người Nhật vốn nổi danh “đi trước nhân loại” rất nhiều với những phát minh kì quái, những nghề nghiệp kì quái nhằm nâng tầm, tôn vinh, sửa chữa những góc kì quái của cuộc sống mà chẳng ai để tâm. Thế nào là chuyện nhỏ, thế nào là điều vặt vãnh? Hãy google một chiếc bồn cầu Nhật Bản để hiểu rằng người Nhật ám ảnh với chuyện… đi vệ sinh tới mức nào. Với họ, chẳng có gì là nhỏ nhặt, không có gì là không có ý nghĩa; và một cô gái hoàn toàn có thể trở thành chuyên gia dọn dẹp (việc tưởng chừng như đơn giản, ai cũng làm được, ai cũng phải làm) nếu cô ấy thật sự đam mê và có tài trong lĩnh vực đó.
Marie chỉ đơn giản là nhặt quần áo bẩn của bạn lên, gấp đồ, sắp xếp lại giá sách của bạn, dùng những hành động đơn giản để giúp bạn thấy được rằng cuộc sống có thể được “reset” từ chính những hành động rất nhỏ nhặt mà bạn “cho next” mỗi ngày - vì nghĩ nó là nhỏ nhặt; vì tưởng rằng bạn cần dành thời gian cho những điều lớn lao hơn.
Hồi nhỏ bạn có thích dọn dẹp nhà cửa không? Nếu câu trả lời là “không”, bạn được xếp vào team “những đứa trẻ bình thường”, còn nếu có, bạn cùng nhóm với Mari Kondo. Trong khi những đứa trẻ khác mặt xưng mày xỉa khi bị mẹ bắt đi dọn phòng thì Marie đam mê công việc đó và cô biến nó thành công cụ kiếm tiền. 19 tuổi, đúng như lời Joker nói: “Giỏi cái gì thì đừng làm nó miễn phí”, Mari thật sự trở thành một “business woman” với công việc dọn dẹp cho các bạn học của mình tại đại học Tokyo.
Ngày nay, ở tuổi 35, Marie đã trở thành một chuyên gia dọn dẹp có khả năng tư vấn và giúp đỡ mọi người trên thế giới, biến căn hộ của họ trở thành một tổ ấm tràn ngập sự bình yên và đầy nguồn cảm hứng sống.
Mari Kondo, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất New York Times mang tên “Ma thuật thay đổi cuộc sống từ dọn dẹp”, cô phù thủy dọn nhà đã đưa những công việc đơn giản như gấp chăn màn, gấp đồ, dọn bàn học lên một tầm cao mới và đưa ra những triết lý tưởng chừng như ai cũng biết: “Nếu biết cách sắp xếp đồ đạc, bạn sẽ không bao giờ phải dọn nhà lần 2”.
Marie đã từng tham gia hơn 50 show truyền hình lớn ở Nhật Bản và có cả những buổi phát sóng Radio riêng. Mọi tạp chí lớn trên thế giới đều muốn có sự xuất hiện của cô: Time Magazine, The New York Times, The Wall Street Journal, The London Times, tạp chí Vogue, show Ellen, Rachael Ray và rất nhiều chương trình khác. Cô cũng được liệt kê vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Time.
Trong các show truyền hình thực tế mà Mari tham gia, hình ảnh người ta thấy nhiều nhất - hẳn là rác. Những túi nilon bóng lộn căng phồng đầy rác. Có những căn hộ hai vợ chồng ở với nhau thôi mà gói đủ 150 túi đầy rác.
Việc những túi rác được xếp ngăn nắp lên xe và chở đi, trả lại sự ngăn nắp và sạch sẽ trong nhà là điều đương nhiên. Đó là lí do mà Mari Kondo xuất hiện ở đây. Nhưng nó không phản ánh hết vấn đề chúng ta đang mắc phải - sự lãng phí. Mà lãng phí trong sinh hoạt là vấn đề về thói quen của mỗi người, Kondo chỉ có thể giúp bạn dọn dẹp nhà cửa, còn sắp xếp lại sự bừa bộn trong quan điểm về tiêu dùng của bạn thì không phải trách nhiệm của cô ấy.
Tâm sự của một bạn đọc cuốn sách “Ma thuật thay đổi cuộc sống từ dọn dẹp” của Mari Kondo được đăng tải trên tờ Guardians.
“Tôi đã làm theo phương pháp KonMari, từng bước, từng bước đúng như theo những gì cuốn sách đã bán được hàng triệu bả của bà đã hướng dẫn. Không có gì khó khăn cả: chia đồ đạc của bạn thành từng nhóm, giữ lấy những thứ còn “spark joys” (lan tỏa niềm vui) và bỏ đi những thứ mà con tim chẳng còn rung động khi nhìn thấy nữa”.
“Việc tưởng chừng như xong khi bạn gói ghém đồ đạc gọn gàng vào trong những túi rác và sẵn sàng hô biến chúng khỏi cuộc sống. Nhưng rồi sao nữa, những chiếc túi đó sẽ đi đâu?”. Phương pháp Konmari nhấn mạnh vào việc bỏ đi những đồ đạc không cần thiết, nhưng không đồng nghĩa với việc vứt hết.
Hầu hết các túi rác sẽ lại được chôn xuống lòng đất, hoặc đổ ra biển và tiêu tốn hàng triệu đô chỉ để dồn chúng vào những nơi khuất tầm mắt con người. Ngày nay, lòng đất, đáy biển tràn ngập những thứ đồ không còn làm con người vui nữa, và sự ô nhiễm sắp sửa làm chúng ta phải đau đầu.
Cái suy nghĩ “không thích thì vứt” đi đang vô hình trung cổ vũ văn hóa phí phạm. Như Eiko Maruko, tác giả cuốn “Cuộc chiến phí phạm trong tiêu dùng của Nhật Bản” đã từng nói: “Phương pháp dọn dẹp của Mari Kondo chỉ áp dụng được trong ngắn hạn”.
Nếu bạn đi shopping và mua một chiếc áo chắc chắn chỉ thỏa mãn bạn trong một thời gian ngắn, bạn có thể vứt nó đi. Tuy nhiên, đối với những người theo chủ nghĩa linh vật (cho rằng đồ vật cũng có tâm hồn), đây là hành động sẽ khiến họ cảm thấy lấn cấn trước cả khi quyết định trả tiền để đem chiếc áo đó về.
Người Nhật đang bị ám ảnh bởi lối sống tối giản. Không chỉ bởi họ thích nền nếp ngăn nắp, gọn gàng, thoáng đãng với mọi thứ được sắp sếp chỉn chu, mà là vì họ luôn nhìn thấy những thứ lẩn sâu bên trong bề nổi.
Một chiếc áo T-Shirt sẽ tốn của bạn giá, thuế, ngoài ra còn là vô hạn những tài nguyên đổ vào để làm ra một chiếc áo hoàn chỉnh: chất ;iệt, nước, điện, nhân công, vận chuyển, đóng gói, nếu bị vứt đi, tất cả những thứ được liệt kê trên đều gọi là lãng phí.
Chúng ta không thể biểu tình để gây sức ép cho các doanh nghiệp hàng tiêu dùng rằng đừng sản xuất nữa. Chúng ta không thể lấy cớ rằng một cái cây trồng 20 năm bị đốn hạ để làm chiếc ghế có hạn sử dụng chưa đến 10 năm. Chúng ta không thể. Điều duy nhất ta có thể, đó là tập cho mình một lối sống tối giản.
Bí quyết hạnh phúc của người Nhật từ lối sống tối giản đã được trích lược từ cuốn sách nổi tiếng “Tạm biệt đồ đạc” của tác giả Fumio Sasaki, xuất bản năm 2015 và nhanh chóng cháy kệ trên các giá sách nước Mỹ.
“Trước đây, tôi thường tự hỏi hạnh phúc là gì. Chúng ta thường nghĩ rằng mình càng có nhiều thứ trong tay, mình sẽ càng hạnh phúc. Chúng ta không bao giờ biết ngày mai rồi sẽ ra sao, vì vậy chúng ta cố gắng tích cóp nhiều nhất có thể. Điều này có nghĩa chúng ta cần nhiều tiền, và chúng ta bắt đầu nhận định về người khác dựa trên tiềm lực kinh tế của họ.
Chúng ta tin rằng phải kiếm được nhiều tiền để cảm thấy mình thành công. Thế rồi, tôi quyết định chia tay với rất nhiều đồ đạc mà tôi từng mua sắm, tích lũy qua nhiều năm. Giờ đây, tôi sống mỗi ngày đều cảm thấy tinh thần vui vẻ, hạnh phúc. Tôi cảm thấy hài lòng hơn trước rất nhiều.
Trước đây, tôi không theo lối sống tối giản. Tôi cũng mua sắm nhiều, tin rằng những món đồ mình sở hữu sẽ giúp gia tăng giá trị bản thân và giúp tôi cảm thấy hạnh phúc hơn. Tôi mua nhiều và không nỡ vứt đi bất cứ thứ gì. Đồ đạc chất đống trong căn hộ nhỏ.
Cùng lúc đó, tôi cũng thường so sánh bản thân với người khác, nếu thấy họ có nhiều món đồ tốt hoặc xịn hơn, tôi lại cảm thấy thất vọng. Tôi không tập trung, thường lãng phí thời gian”.
Trong tủ chất đầy quần áo, mỗi bộ chỉ mặc vài lần. Trong phòng chất đầy đồ đạc, những món đồ mà tôi cho là thuộc sở thích cá nhân như đàn ghita, máy ảnh, bộ loa, những chồng sách… Thực tế, tất cả đều phủ bụi bởi tôi hiếm khi có thời gian động đến.
Nhiều người cho rằng tôi phóng đại khi nói mình đã trở thành một con người mới kể từ khi theo đuổi lối sống tối giản, họ cho rằng tất cả những gì tôi làm chỉ đơn giản là loại bỏ bớt đồ đạc đi mà thôi. Nhưng quả thực, khi chỉ còn ít đồ đạc trong nhà, tôi bắt đầu cảm thấy hạnh phúc hơn.
Nếu bạn cũng có cảm nhận rằng cuộc sống của mình đang bế tắc và trong thâm tâm, bạn cảm thấy mình bất ổn, bắt đầu từ hôm nay, hãy thử loại bỏ bớt đồ đạc trong nhà và sống với những gì thiết yếu nhất.
“Dậy, cầm cái chổi lên, quét từ trên xuống dưới sau đó đi lau nhà” là câu ca “mở bát” của mẹ cho chuỗi ngày dọn nhà trước Tết mà bất kỳ người trẻ nào nghĩ đến cũng phải thấy ngán ngẩm. Đến với phương pháp dọn dẹp của Marie Kondo, bạn sẽ phải ngả mũ thán phục khi biết rằng những thứ đơn giản mà hàng ngày gia đình bạn luôn luôn tranh cãi - hóa ra cũng là khoa học.
Marie không phải người đầu tiên trở thành chuyên gia trong lĩnh vực dọn dẹp. Ngoài kia có đầy những tác giả viết sách về lifestyle, làm đẹp, trang trí nhà cửa cho các bà nội trợ. Cũng không thiếu những blogger, những Youtuber chia sẻ các bí kíp dọn dẹp cũng như việc dọn nhà luôn là đề tài ăn khách của các show truyền hình.
Tuy nhiên, hầu hết các phương pháp dọn nhà đều bám sát quy tắc “từng phòng một”, “từng chỗ một”, “đồ gì giữ”, “đồ gì vứt”. Trong khi đó, Marie Kondo khuyến khích mọi người dọn theo nhóm đồ, không phải theo địa điểm
Bắt đầu từ quần áo, báo chí, đồ đạc linh tinh và cuối cùng là những đồ dễ vỡ. Giữ lại những đồ có ý nghĩa và bỏ đi những thứ không còn mang lại niềm vui. Nhớ cảm ơn chúng, và rồi để chúng đi.
Mọi người trên thế giới đã và đang học theo phương pháp này, không chỉ bởi nó hiệu quả, mà còn bởi nó lan tỏa một bầu không khí chánh niệm, vừa hướng nội mà còn vừa hướng về tương lai.
Chân lý dọn dẹp của Mari Kondo có thể được gói gọn lại trong 6 nguyên tắc cơ bản:
1. Hãy nghiêm túc với việc dọn dẹp
Bạn có thể ngồi cày hết show của Mari trên Netflix trong 2 ngày, hoặc đắm chìm vào những video dọn nhà trên Youtube mãn nhãn thật sự. Nhưng khi nào bạn mới có thể bắt tay vào xử lý căn phòng của mình? “Ồ dọn nhà hay quá, đơn giản quá, mai mình sẽ bắt đầu”.
Cái ngày mai ấy có tồn tại không? Là ngày hôm sau, hay là ngày hôm sau, của ngày hôm nay, của nhiều năm nữa? Chẳng ai có thể dọn dẹp hiệu quả nếu bạn không thật sự thích và quyết tâm với nó. Hãy đặt điện thoại xuống và cầm chiếc chổi lên, đừng trì hoãn nữa.
2. Hình dung ra cuộc sống lý tưởng của mình
Không phải là sao chép, ai cũng cần một hình mẫu để bắt chước khi bản thân bị choáng ngợp bởi thông tin, bởi hình ảnh, bởi sự hoàn hảo từ cuộc sống của người khác. Bạn ơi, những căn phòng đẹp lung linh trên Instagram, hãy nhớ rằng chủ nhân của chúng cũng đã từng lười y hệt bạn, đã từng bối rối chẳng biết bắt đầu từ đâu, hệt như tình trạng của bạn bây giờ đây.
Bạn thích lối sống tối giản, hãy dọn dẹp theo phong cách tối giản. Bạn lại muốn một căn phòng tràn ngập đồ đạc vì đó đều là kỉ niệm của bạn, hãy biến nó thành một nơi chật chội nhưng không bừa bộn, hoặc bày biện một cách khoa học.
3. Bỏ đồ trước, dọn đồ sau
Đừng tiếc những thứ không còn mang lại niềm vui. Một trong những nguyên nhân gây bất hòa gia đình ngày Tết đó là việc cha mẹ chúng ta luôn muốn giữ lại những món đồ mà họ nghĩ sau này sẽ dùng, hoặc sau này chưa chắc đã dùng nhưng với họ, chúng là kỉ niệm. Diện tích sống của bạn là có hạn, nó sẽ không bao giờ ngăn nắp được nếu bạn cứ tha lôi đồ đạc về và giữ chúng ở nguyên đó chỉ vì chúng gợi nhớ một thứ gì đó chính bạn còn muốn quên.
Hãy mạnh dạn bỏ đi những thứ mà bạn không cảm nhận được niềm vui từ nó nữa. Chụp một tấm ảnh đăng lên mạng xã hội, coi như tri ân những phút giây hạnh phúc mà nó chứa đựng hoặc đã từng mang lại, sau đó, hãy để nó ra đi.
Mari Kondo là người theo chủ nghĩa linh vật, đối với cô đồ đạc cũng có cảm xúc và đương nhiên cô không muốn vứt chúng đi như rác rưởi. Nhưng bạn ơi, hãy nghĩ rộng ra, việc bỏ đi đồ không còn dùng được, theo một nghĩa tích cực, chính là công nhận chúng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và quá thành toàn với nghĩa vụ của mình. Bạn muốn tri ân một “người lao động” xuất sắc ư, hãy để chúng ra đi, hơn là giữ chúng ở lại, phủ đầy bụi và rầu rĩ nhìn những vật thay thế mới mẻ, hiện đại được mang về và được cưng chiều nhiều hơn.
Làm thế nào để biết một đồ vật còn giá trị với mình hay không? Điều tưởng chừng như đơn giản mà không hề đơn giản. Theo Mari, bạn cứ cầm nó lên và tự hỏi bản thân mình: “Thứ này còn đem lại niềm vui cho tôi không”. Nếu có, sẽ xảy ra một phản ứng thể chất nho nhỏ trong cơ thể bạn - hay nói cách khác, mối lương duyên kỳ lạ giữa bạn và đồ vật sẽ sống dậy để mách bảo con tim bạn rằng: giữ hay bỏ.
4. Hãy dọn dẹp theo nhóm đồ, đừng theo vị trí
Bắt đầu từ quần áo, báo chí, đồ đạc linh tinh, rồi đến đồ đạc nhạy cảm, dễ vỡ, bạn có thể phải di chuyển nhiều, bạn có thể cảm thấy phiền phức khi động chạm vào đồ đạc của nhiều người khác nhau, nhiều tính cách khác nhau và nhiều vấn đề khác nhau sẽ nảy sinh. Tuy nhiên, đây là một phương pháp dọn dẹp khoa học, và cứ nhìn vào thành công của Mari đi, bạn còn phải thắc mắc nữa sao?
5. Bám sát trật tự, chứ không phải thứ tự
Sai lầm cơ bản khi dọn nhà ngày Tết, đó là cả gia đình bạn, bằng những háo hức ban đầu, bằng khối lượng sức lực dồi dào cùng tinh thần Tết đang dâng cao, sẽ lao thẳng vào nơi bẩn hoặc bừa bộn nhất; bởi bố mẹ cho rằng đó là nơi cần dọn nhất và sẽ được xếp hạng số 1.
Một nhà kho cả tỉ năm chưa ai động đến, chiếc chuồng cho cún yêu đã bốc mùi cần tắm rửa. Chẳng sai khi dồn sức lực cho việc nặng nhọc nhất, tuy nhiên, làm thế không khoa học. Sau khi dọn xong phòng chứa đồ đầy bụi và gián, bạn sẽ muốn nằm dài ra chơi game hồi sức hoặc mũi bạn bắt đầu biểu tình vì dị ứng với bụi và mạng nhện, sau đó sẽ là chuỗi ngày viêm xoang dài đằng đẵng - mất Tết. Hãy bám sát trật tự theo nguyên tắc số 4 của Mari Kondo. Dọn dẹp theo từng nhóm đồ; thay vì cứ lao vào những nơi mà bạn nghĩ “Ồ chỗ này lâu quá không dọn rồi, dọn thôi!”.
6. Làm gì thì làm, quan trọng là phải vui
Với Mari Kondo, dọn dẹp phải làm người ta thấy vui, chứ không phải phát khóc vì sợ hãi hay cáu bẳn với nhau vì mệt mỏi và lộn xộn. “Tôi yêu sự lộn xộn”, Mari chia sẻ. Cô luôn bước vào một căn phòng bừa bộn, không phải với một gương mặt nhăn nhó như bao thiếu nữ ngại việc khác, mà bằng một tiếng thở dài đầy niềm vui.
Khi nhìn một đống lộn xộn trước mặt bạn, đừng ngồi sụp xuống nhà rồi oán trách các thành viên khác trong gia đình bằng những lời lẽ cay nghiệt như “các người để dành cả năm cho tôi về dọn đúng không?”. Hãy xắn tay áo lên, hít một hơi dài, bẻ khớp và tuyên bố với đời rằng: “Đất diễn của mình đây rồi!”.
Hãy làm mọi thứ với niềm vui. Bạn không phải sống cả năm trong nơm nớp sợ hãi, dọn nhà 3 ngày một lần chỉ vì sợ Tết đến chết ngập trong lộn xộn. Một núi đồ chồng trước mặt bạn cũng có thể được tháo gỡ từ từ bằng một phương pháp đúng và một tâm thế vui vẻ, hạnh phúc.
Dọn nhà là dọn đời, một môi trường sống ngăn nắp là nền tảng của một cuộc đời “ngăn nắp”
Bạn vẫn coi thường việc dọn dẹp, bạn nghĩ căn nhà của mình vẫn ổn vì nó không mùi, ít đồ, không chuột bọ và mọi thứ đều sạch sẽ. Còn nhớ câu nói của bác sĩ Kang Mo Yeon trong phim Hậu Duệ Mặt Trời không: “Anh vào nhà đi, nhà rất sạch vì không có thời gian làm bẩn”. “Sạch sẽ”, với một không gian sống, là điều kiện cần chứ không phải đủ. “Sạch sẽ” sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn làm việc quần quật 10 tiếng/ngày, về nhà chỉ để tắm rửa và lăn ra ngủ.
Một không gian sống không chỉ cần sạch, mà còn cần truyền cảm hứng. Nó là nơi thúc giục bạn về nhà, giúp bạn nở một nụ cười thật tươi khi mới vừa tra chìa khóa vào ổ và nghĩ tới chiếc giường với bộ ga gối xinh ơi là xinh mình mới mua, mình sẽ sà xuống thật mạnh, vùi mình vào sự êm ái đó và quên đi hết cuộc sống xô bồ ngoài kia. Nó phải là nơi đem lại niềm vui cho bạn, vì sống thôi đã đủ mệt rồi. Niềm vui giản dị lắm, đâu phải cứ mời bạn bè về ăn uống linh đình rồi chờ đợi người ta khen nhà đẹp thế, còn trẻ mà đã mua được nhà to thế, mới là vui?
Niềm vui đôi khi chỉ là tiếng ting ting từ điện thoại báo đã có người thả tim, bình luận khen bức ảnh chậu hoa ngoài ban công mà bạn chụp. Niềm vui có khi chẳng đến từ người khác, nó chính là niềm hạnh phúc bên trong khi bạn từ chối một cuộc nhậu nhẹt chỉ để về nhà, thắp nến thơm và đi ngủ, vì bạn yêu căn nhà của mình.
Một không gian ngăn nắp là nền tảng của một cuộc đời ngăn nắp. Bạn sẽ chẳng làm việc được khi trong nhà không có lấy một chỗ ngồi thoải mái không tra tấn cuộc sống của bạn. Bạn sẽ chẳng sáng tác được khi quần áo chưa giặt còn chất đống trong giỏ và bắt đầu bốc mùi. Bạn cũng sẽ chẳng thu hút được những người bạn đời có tính cách ngăn nắp, nếu bản thân mình còn cẩu thả và bao biện tính bừa bộn đó là biểu hiện của sự phóng khoáng, của “sống art”.
Cứ nằm đấy mà mơ sẽ có một người bạn gái “cô Tấm” bước ra từ quả thị, tới yêu bạn và đến dọn nhà cho bạn! Chẳng có đâu! Hãy xắn tay áo lên, dọn nhà đón Tết và sắp xếp lại cuộc đời mình cho một năm mới 2019 - bứt phá!
Trí thức trẻ