MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thành phố Đài Loan nhỏ bé xoay chuyển ngành công nghiệp chip toàn cầu

20-06-2021 - 21:09 PM | Tài chính quốc tế

Công viên Khoa học Hsinchu nhìn từ trên cao.

Công viên Khoa học Hsinchu nhìn từ trên cao.

Trong vòng 40 năm, từ một nơi toàn rắn rết và ruồi nhặng, không ai muốn sinh sống, thành phố Hsinchu của Đài Loan đã trở thành địa danh quan trọng trên bản đồ bán dẫn toàn cầu.

Khi trở về từ Mỹ gần 40 năm trước để thành lập công ty linh kiện vệ tinh tại thành phố Hsinchu (Đài Loan), ông Hsieh Chi Chia băn khoăn không biết mình có phạm sai lầm hay không.

Khi ấy, Đài Loan vừa thành lập Công viên Khoa học Hsinchu như một đặc khu công nghệ, nhằm thu hút ngành công nghệ cao và tạo ra “Silicon Valley của Đài Loan”. Tuy nhiên, nó có rất nhiều vấn đề.

Ông Hsieh, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Microelectronics Technology, hồi tưởng: “Bạn tưởng tượng được không? Bạn có thể gặp rắn rết trong các ký túc xá và nếu muốn quay phim, tất cả những gì bạn thấy chỉ là ruồi. Trường học ở đây không tìm nổi học sinh. Thực sự, không ai muốn sống ở đây khi tôi đến”.

Một khởi đầu khó khăn với dự án trọng điểm như vậy, song ông Hsieh, cũng như những người khác, nay có thể tự hào khi nhìn lại bốn thập kỷ vừa qua.

“Đồng nghiệp và tôi lo lắng, nghi ngờ rằng quay về để khởi nghiệp có phải điều đúng đắn không và liệu nó có hoạt động không. Tuy nhiên, bây giờ, chúng tôi vô cùng tự hào vì là một phần của quá trình phát triển công nghệ đó”.

Công viên Khoa học Hsinchu vừa kỷ niệm 40 năm thành lập vào trung tuần tháng 12/2020.

Đặc khu công nghệ ra đời với hi vọng lôi kéo nhân tài đẳng cấp thế giới về hòn đảo nhiệt đới nghèo khó. Thời điểm đó, nhiều kỹ sư có quan hệ với Đài Loan đang sống và làm việc tại Mỹ và khi nhận được lời kêu gọi từ quê nhà, họ đã đáp lại.

Nổi bật nhất là ông Morris Chang, người có sự nghiệp thành công trong ngành công nghiệp chip Mỹ, cũng quyết định trở về Đài Loan năm 1985. Hai năm sau, ông thành lập Công ty Sản xuất Bán dẫn Đài Loan (TSMC), hiện là công ty chip giá trị nhất thế giới.

Phát biểu tại sự kiện 40 năm thành lập Công viên Khoa học Hsinchu, ông Chang gọi đây là “một trong những yếu tố và gia vị quan trọng nhất đối với ngành công nghiệp chip và công nghệ Đài Loan. Nếu không nhờ các công viên cung cấp tất cả hạ tầng và đất đai, nhiều doanh nghiệp công nghệ không thể có mặt ngày nay”.

Công viên Khoa học Hsinchu đồng nghĩa với ngành công nghiệp bán dẫn hàng đầu của Đài Loan, chỉ xếp sau Mỹ xét về doanh thu, phục vụ gần như tất cả các ông lớn công nghệ thế giới, bao gồm Apple, Google, Qualcomm và Nvidia. Ngành công nghiệp chip thậm chí còn được ghi nhận là chìa khóa để kinh tế Đài Loan đánh bại Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore trong dịch Covid-19.

Theo ông Wayne Wang, Tổng Giám đốc Cục Công viên Khoa học Hsinchu, đặc khu có thể tạo ra doanh thu khoảng 1,2 nghìn tỷ Đài tệ năm 2020, cao nhất trong lịch sử. Điều đó không có gì ngạc nhiên khi cân nhắc tới số lượng các hãng công nghệ lớn tại đây.

Ngoài TSMC, Hsinchu còn là quê hương của MediaTek, nhà sản xuất chip di động lớn thứ hai thế giới và United Microelectronics, nhà sản xuất chip đầu tiên của Đài Loan, kiêm nhà thầu chip lớn thứ ba thế giới. Hãng máy tính Acer cũng mở một nhà máy ở Hsinchu vào năm 1981.

Theo Chủ tịch TSMC Mark Liu, thế giới đang ngày càng nhận ra tầm quan trọng của Đài Loan khi họ chứng minh được các công ty Đài Loan là một phần không thể thay thế của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài việc thúc đẩy Đài Loan chuyển đổi thành trung tâm công nghệ mạnh mẽ, Hsinchu còn là động lực tăng trưởng kinh tế của hòn đảo. Các công ty đăng ký tại Công viên Khoa học Hsinchu tạo ra 1,09 nghìn tỷ Đài tệ năm 2019, tương đương 6% GDP Đài Loan. Khoảng 152.250 người đã làm việc tại đây.

GDP Đài Loan tăng gấp 13 lần lên 612,1 tỷ USD năm 2019 so với 42,29 tỷ USD năm 1980.

Hai công viên khoa học khác ở các thành phố miền Trung và miền Nam mong muốn lặp lại thành công của Hsinchu. Cùng nhau, ba công viên này mang về 2.622 nghìn tỷ Đài tệ cho Đài Loan năm 2019, đóng góp khoảng 14% GDP. Trong đó, 65% đến từ bán dẫn.

Bản thân thành phố Hsinchu cũng thay đổi nhờ công nghệ. Nhiều ngôi làng và khu dân cư giàu có nhất Đài Loan đều ở lân cận Công viên Khoa học Hsinchu. Trường trung học cạnh tranh nhất cũng nằm trong đặc khu, nơi mà bốn thập kỷ trước, không ai muốn sinh sống và kỳ vọng sẽ thành công.

Không tệ với một nơi từng nổi tiếng vì nhiều rắn hơn cả bán dẫn.


Theo Du Lam

ICT News

Trở lên trên