Thành phố miền Trung sắp tăng diện tích lên 4 lần, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam sẽ phát triển ra sao trong tương lai?
Sau khi sáp nhập huyện Lạc Dương, TP Đà Lạt sẽ tăng diện tích gấp 4 lần, lên 1.700 km2, diện tích lớn hơn một số thành phố trực thuộc trung ương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
- 27-09-2023Kinh tế Việt Nam có tiếp tục duy trì được vị thế "điểm sáng" trong khu vực?
- 27-09-2023Đấu giá biển số được 133 tỷ nhưng mới thu gần 11 tỷ đồng: Cần phải xử phạt các 'đại gia' bỏ cọc?
- 27-09-2023Tăng trưởng kinh tế 2023 của Việt Nam được dự báo cao hay thấp so với Thái Lan, Singapore và các nước láng giềng?
Tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, đến năm 2024, hoàn thành việc nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt để mở rộng không gian đô thị Đà Lạt.
Hiện Đà Lạt có diện tích gần 400km2, dân số tính đến năm 2022 là hơn 237.000 người. Huyện Lạc Dương (nằm ở phía Bắc TP) có diện tích lớn hơn, gấp 3 lần Đà Lạt hiện hữu khoảng 1.314km2, dân số hiện nay khoảng 36.000 người, nhưng gần 90% diện tích tự nhiên là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tỷ lệ đô thị hoá thấp.
Việc sáp nhập huyện Lạc Dương, diện tích TP Đà Lạt sẽ mở rộng gấp 4,3 lần hiện hữu, lên khoảng 1.707 km2 và dân số khoảng 280.000 người. Thành phố mới có địa giới hành chính tiếp giáp với hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Với quy mô này, Đà Lạt sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, lớn hơn một số thành phố trực thuộc Trung ương như Hải Phòng (1.508 km2); Đà Nẵng (1.285 km2) hay Cần Thơ (1.439 km2).
Trước đó, theo nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 3/2023, Đà Lạt trong tương lai được mở rộng, sẽ gồm 6 đô thị vệ tinh , lấy thành phố hiện hữu làm trung tâm hành chính, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, bảo tồn các di sản kiến trúc. Quy mô dân số Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm đến năm 2035 khoảng 1.100.000 - 1.150.000 người; đến năm 2045 khoảng 1.900.000 - 1.950.000 người.
Văn bản điều chỉnh cũng lưu ý địa phương cần đón đầu những dự án sắp tới mà Lâm Đồng đang triển khai để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của thành phố như đường cao tốc, hàng không. Đáng chú ý như mối quan hệ giữa Đà Lạt và vùng phụ cận với TP Bảo Lộc; giữa sân bay Liên Khương, tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt và hệ thống đường cao tốc, quốc lộ,…
Điều này nhằm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, không gian đô thị đang bị phá vỡ, đặc biệt là vùng lõi của Đà Lạt; giữ cho vùng lõi Đà Lạt không bị “biến dạng” trước làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ từ bất động sản du lịch và nhập cư.
Trong tương lai, khu vực đô thị Đà Lạt theo mô hình định hướng giao thông công cộng , gồm: khu vực trung tâm thành phố (ga Đà Lạt, sân bay Cam Ly và ga Trại Mát), khu vực phía Bắc (đô thị Lạc Dương, bến xe Đa Thiện và bãi đậu xe Đarahoa), khu vực phía Nam (đô thị Đức Trọng, chân đèo Prenn và đô thị Finom), phía Đông (đô thị D’ran) và khu vực phía Tây (đô thị Nam Ban và khu đô thị Cam Ly).
Về hạ tầng giao thông, bên cạnh mạng lưới các tuyến vành đai, quốc lộ hiện có, thời gian tới, địa phương tập trung hoàn thiện khép kín hệ thống đường vành đai TP Đà Lạt 800 tỷ đồng; đường tránh Prenn - Xuân Thọ; đường nối Liên Nghĩa - Thạnh Mỹ, giúp giảm lưu lượng giao thông trên đèo Prenn, đèo Mimosa và giảm phương tiện đi qua trung tâm TP Đà Lạt. Đồng thời hoàn thiện kết nối hệ thống các tuyến đường vành đai, liên kết đô thị của TP Đà Lạt các vùng phụ cận. Với tuyến vành đai, hồi tháng 10/2022, thành phố đề xuất khai thác quỹ đất hàng trăm ha làm công viên chuyên đề, chung cư, khu nghỉ dưỡng dọc 7,5 km dọc hai bên tuyến đường.
Ngoài ra, tại đường trục chính đô thị TP Đà Lạt, sẽ nâng cấp mở rộng đèo Prenn, đường nối chân đèo Prenn - Trúc Lâm Yên Tử quy mô 4 làn xe, cải tạo đèo Mimosa; cải tạo, chỉnh trang các tuyến trục chính của thành phố; một số bãi đậu xe, nhà ga và tuyến buýt, tuyến xe điện quanh trung tâm sẽ được đầu tư xây dựng và nâng cấp.
Hồi đầu năm, UBND TP Đà Lạt đã công bố loạt dự án đầu tư quy mô lớn đủ điều kiện khởi công, thời gian hoàn thành dự kiến chậm nhất vào năm 2026. Cụ thể là dự án Nâng cấp đường Phù Đổng Thiên Vương (phường 8) gần 278,5 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Văn Thụ gần 140 tỷ đồng; đường Trần Lê 22,5 tỷ đồng; đường Bùi Thị Xuân (phường 2 và 8) trị giá 110 tỷ đồng;...
Về phát triển thương mại du lịch, theo Nghị quyết số 18-NQ-/TU của Tỉnh uỷ Lâm Đồng ban hành năm 2022 về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn, dự kiến giai đoạn 2025 - 2030, lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú tăng bình quân 11 - 12%/năm; trong đó khách quốc tế chiếm 15% tổng lượng khách. Đồng thời địa phương hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác các công trình du lịch trọng điểm: Khu du lịch Đankia - Suối Vàng, Khu du lịch hồ Prenn, Khu du lịch núi Sa Pung, Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Khu du lịch Đankia - Suối Vàng, Khu du lịch hồ Đại Ninh,…
Bên cạnh đó, UBND TP đang có định hướng phát triển mô hình kinh tế đêm trên địa bàn đến năm 2030. Trước mắt là mô hình công viên nhạc nước tại Vườn hoa thành phố; tuyến phố đêm tại khu vực Khu Hòa Bình, đường Ba Tháng Hai, Trương Công Định, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Chí Thanh (Phường 1) và tuyến phố ẩm thực tại khu vực hồ Hoàng Văn Thụ, đường Trần Lê (Phường 4).
Trong giai đoạn phát triển nóng của bất động sản hồi cuối năm 2021, đầu năm 2022, hàng loạt “ông lớn” địa ốc đã đổ về để đón sóng xu hướng bất động sản du lịch sinh thái. Vì vậy, trong tương lai, khi các tuyến đường giao thông được hoàn thiện, các dự án địa ốc được xây dựng, du lịch đẩy mạnh, Đà Lạt được kì vọng là cực tăng trưởng khu vực Tây Nguyên, tập trung vào phát triển xanh, bền vững.
Nhịp sống thị trường