MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháo nút thắt “điểm mờ” giải ngân vốn đầu tư công

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tỷ lệ kế hoạch vốn được giao sẵn sàng để giải ngân là khá cao, bằng 85,5% dự toán nên nguyên nhân chủ yếu là do công tác kế hoạch hóa đầu tư công còn nhiều bất cập cả ở các cơ quan tổng hợp và ở các bộ, ngành, địa phương.

Chưa kiên quyết, còn nể nang

Bộ KH&ĐT vừa có báo cáo về tình hình phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công 9 tháng đầu năm 2019, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2019.

Theo Bộ KH&ĐT, tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) kế hoạch năm 2019 đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 70/2018/QH14 là 429.300 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước 369.300 tỷ đồng (vốn trái phiếu Chính phủ 40.000 tỷ đồng), vốn nước ngoài 60.000 tỷ đồng.

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, trước ngày 31/12/2018, trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành và địa phương, Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 cho các bộ, ngành và địa phương với tổng số vốn đạt trên 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán.

Như vậy, số vốn chưa giao được ngay kế hoạch chi tiết còn khoảng 14,5%, nên cơ quan này cho rằng đây không phải là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, ngay cả đối với số vốn đã được giao kế hoạch nhưng tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Báo cáo cũng nêu rõ, tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) và ODA thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, chủ yếu là do năm 2019 phải thực hiện đồng thời với thủ tục điều chỉnh kế hoạch trung hạn, điều chỉnh hiệp định, nhiều dự án chưa kịp điều chỉnh để đi vào thực hiện, nhiều dự án TPCP vào chu kỳ cuối, kết thúc thực hiện và giải ngân.

Các dự án TPCP quy mô lớn như Dự án đường Cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án hạ tầng giao thông... chiếm tới gần 50% tổng số vốn TPCP của kế hoạch năm 2019 nhưng tiến độ giải ngân rất chậm, nên đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Cụ thể, Dự án Cao tốc Bắc - Nam kế hoạch năm 2019 đã bố trí 7.062,096 tỷ đồng, đến hết tháng 8/2019, mới giải ngân được 401,5 tỷ đồng; Dự án hỗ trợ đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành Kế hoạch năm 2018, 2019 đã bố trí 11.490 tỷ đồng, giải ngân đến nay mới đạt khoảng 300 tỷ đồng.

Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do công tác kế hoạch hóa đầu tư công còn nhiều bất cập cả ở các cơ quan tổng hợp và ở các bộ, ngành, địa phương, lập kế hoạch chưa sát với thực tế, chưa tính toán kỹ khả năng giải ngân, có tâm lý xây dựng nhu cầu vốn cao nhưng phân bổ cho các dự án chưa hợp lý, chưa phù hợp với nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, thậm chí còn dự kiến bố trí cho những dự án chưa đủ thủ tục nên dẫn tới không thể giao được kế hoạch theo quy định pháp luật.

"Bộ KH&ĐT chưa chủ động tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong công tác giao kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2019; chưa kiên quyết, còn nể nang, chờ đợi thủ tục dự án của các bộ, ngành, địa phương nên dẫn tới mất nhiều thời gian tổng hợp", báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu rõ.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Do vậy, trong năm 2019, Bộ KH&ĐT đã tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ giao tiếp kế hoạch chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương. Lũy kế đến nay, số vốn được giao kế hoạch đạt trên 391.000 tỷ đồng, bằng 92,16% dự toán.

Đối với số vốn nêu trên, Bộ KH&ĐT đang khẩn trương tổng hợp, rà soát để trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trước 30/9/2019 đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ KH&ĐT, số vốn còn lại chưa giao kế hoạch khoảng 33.684 tỷ đồng, chủ yếu là do chưa có danh mục dự án, dự án chưa đủ thủ tục, một số bộ, ngành, địa phương xin giảm kế hoạch và trả lại vốn, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền, lúng túng trong công tác điều chỉnh...

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, được tổ chức ngày 26/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một "điểm mờ" trong bức tranh sáng của tổng thể của nền kinh tế.

Vì thế, để hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2019 trong những tháng cuối năm, báo cáo của Bộ KH&ĐT đưa ra đề xuất, cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần đẩy mạnh công tác phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công.

Trong đó, trình Chính phủ xem xét, cho phép không áp dụng quy định dự án phải có quyết định đầu tư trước 31/10 năm trước, bao gồm cả nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; không áp dụng quy định tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn TPCP; nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền cho phép giao kế hoạch năm 2020 theo hướng đổi mới, phù hợp với Luật Đầu tư công năm 2019, rút kinh nghiệm triệt để tình trạng giao chậm, giao nhiều lần như trước đây.

Bên cạnh đó, cần xác định các nhiệm vụ cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành trung ương và địa phương trong toàn bộ các hoạt động liên quan đến phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công của kế hoạch năm 2019. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.

Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân không chỉ cho năm 2019 và còn có trách nhiệm đối với dự kiến kế hoạch năm 2020 của đơn vị mình; trong đó, kiến nghị kiên quyết không bố trí vốn kế hoạch năm 2020 đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (vốn trong nước) đến ngày 30/11/2019 giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch vốn năm 2019 được giao đầu năm, trừ những dự án mua sắm trang thiết bị.

Theo Hương Dịu

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên