MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thập kỷ bùng nổ của chứng khoán Việt Nam: Thu hút hàng tỷ đô vốn ngoại, VN-Index lập đỉnh cao mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng

Thập kỷ bùng nổ của chứng khoán Việt Nam: Thu hút hàng tỷ đô vốn ngoại, VN-Index lập đỉnh cao mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng

Chứng khoán Việt Nam vừa khép lại thập kỷ 2011 – 2020 đầy biến động. Dù gặp không ít khó khăn từ chủ quan cũng như khách quan nhưng TTCK Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều thành tích nổi bật trong thập kỷ qua, có thể kể tới như xác lập đỉnh cao mới 1.204 điểm, thu hút hàng tỷ USD vốn ngoại hay gia tăng vị thế trên các bảng phân loại quốc tế…

Thập kỷ bùng nổ của chứng khoán Việt Nam: Thu hút hàng tỷ đô vốn ngoại, VN-Index lập đỉnh cao mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng - Ảnh 1.

Thập kỷ qua chứng kiến nhiều thăng trầm của kinh tế cũng như TTCK Việt Nam. Năm 2011 khởi đầu với nhiều bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng "phi mã" lên gần 20%, lãi suất nhiều ngân hàng huy động trên 20%, hoạt động sản xuất doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, TTCK đã sụt giảm mạnh và đến cuối năm 2011, chỉ số VN-Index chỉ còn quanh ngưỡng 350 điểm.

Với những khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ đã quyết tâm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và kết quả, tình hình vĩ mô trong nước dần ổn định khi lạm phát, lãi suất đã giảm mạnh trong những năm tiếp theo, tăng trưởng kinh tế tăng trưởng tích cực quanh mức 6%.

Sự ổn định của vĩ mô đã giúp TTCK Việt Nam hồi phục trong những năm tiếp theo. Dù vậy, quá trình đi lên của VN-Index cũng gặp không ít thử thách với những sự kiện "thiên nga đen", có thể kể đến như việc bắt giữ "bầu" Kiên vào tháng 8/2012, sự kiện Biển Đông hè 2014, bắt giữ Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm vào tháng 10/2014…Tuy nhiên, với sự ổn định vĩ mô, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, trở thành điểm sáng trong khu vực và điều này đã giúp TTCK Việt Nam bứt phá mạnh.

Thập kỷ bùng nổ của chứng khoán Việt Nam: Thu hút hàng tỷ đô vốn ngoại, VN-Index lập đỉnh cao mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng - Ảnh 2.

Năm 2017 và quý 1/2018 chứng kiến sự bùng nổ của TTCK Việt Nam và chỉ số VN-Index xác lập đỉnh cao 1.204,33 vào ngày 9/4/2018. Đầu năm 2020, TTCK Thế giới cũng như Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và chỉ số VN-Index có lúc về sát 650 điểm. Tuy vậy, với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm sáng trên Thế giới, qua đó giúp TTCK hồi phục mạnh mẽ.

Kết thúc năm 2020, chỉ số VN-Index dừng tại 1.103,87 điểm, tăng 128% so với đầu thập kỷ, tương ứng mức tăng trưởng bình quân 8,54% mỗi năm.

Thập kỷ bùng nổ của chứng khoán Việt Nam: Thu hút hàng tỷ đô vốn ngoại, VN-Index lập đỉnh cao mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng - Ảnh 3.

Thập kỷ 2011 - 2020 cũng đánh dấu sự bùng nổ về quy mô của TTCK Việt Nam. Nếu như năm 2011, toàn thị trường chỉ có 825 công ty niêm yết, đăng ký giao dịch thì đến năm 2020, số lượng công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên 3 sàn đã lên tới con số 1.660.

Sự gia tăng về số lượng thành viên cùng với đà bứt phá ngoạn mục của thị trường đã giúp vốn hóa toàn TTCK Việt Nam tính tới cuối năm 2020 đạt 5,27 triệu tỷ đồng (khoảng 225 tỷ USD), tương đương 83,3% GDP. Trong khi đó vào năm 2011, quy mô vốn hóa toàn thị trường chỉ đạt hơn 540 nghìn tỷ đồng (26,7 tỷ USD), tương đương 19,7% GDP khi đó.

Thập kỷ bùng nổ của chứng khoán Việt Nam: Thu hút hàng tỷ đô vốn ngoại, VN-Index lập đỉnh cao mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng - Ảnh 4.

Cùng với sự bùng nổ về quy mô vốn hóa, thanh khoản thị trường cũng có sự tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2011, thanh khoản bình quân ba sàn chỉ đạt 1.045 tỷ đồng/phiên, đến năm 2020, thanh khoản thị trường đã lên tới 7.331 tỷ đồng/phiên. Thậm chí trong những phiên giao dịch cuối tháng 12/2020, thanh khoản thị trường liên tục ở mức 15.000 tỷ đồng/phiên, con số kỷ lục từ trước tới nay và việc thanh khoản tăng quá mạnh đã dẫn tới hiện tượng "nghẽn" lệnh trên sàn HoSE.

Thập kỷ bùng nổ của chứng khoán Việt Nam: Thu hút hàng tỷ đô vốn ngoại, VN-Index lập đỉnh cao mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng - Ảnh 5.

Thập kỷ qua cũng chứng kiến sự "trỗi dậy" của sàn UPCom. Từng là một sàn giao dịch không được nhà đầu tư chú ý nhưng đến nay, quy mô sàn UPCom đã lên tới 1 triệu tỷ đồng, gấp gần 5 lần sàn HNX và là nơi hiện diện của nhiều tên tuổi lớn. Sự bứt phá mạnh của sàn UPCom đến từ việc Thông tư 180 yêu cầu các công ty đại chúng phải lên sàn chứng khoán và nhiều doanh nghiệp lớn đã "đổ bộ" lên sàn UPCom, kéo theo quy mô sàn giao dịch này tăng mạnh.

Thập kỷ bùng nổ của chứng khoán Việt Nam: Thu hút hàng tỷ đô vốn ngoại, VN-Index lập đỉnh cao mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng - Ảnh 6.

Trong 10 năm qua, số lượng nhà đầu tư tham gia vào TTCK cũng có những bước nhảy vọt. Năm 2011, số lượng tài khoản chứng khoán trên toàn thị trường chỉ có chưa đến 800 nghìn thì đến cuối năm 2020 đã có hơn 2,7 triệu tài khoản, tương ứng 2,8% quy mô dân số. Sự gia tăng mạnh số lượng tài khoản cho thấy chứng khoán sau 20 năm hình thành ở Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Bên cạnh đó, việc lãi suất ngân hàng ngày càng giảm cũng là yếu tố khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang kênh đầu tư này.

Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường cũng giúp gia tăng số lượng doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô trên sàn chứng khoán. Thống kê năm 2011 trên toàn TTCK Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 6 doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô. Tuy vậy, đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp tỷ đô trên toàn TTCK Việt Nam đã tăng vọt lên con số 38. Trong đó, VCB là doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam với 15,6 tỷ USD, xếp tiếp theo lần lượt là VIC (15,4 tỷ USD), VHM (12,4 tỷ USD), VNM (9,8 tỷ USD)…

Trong số 38 doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD hiện có tới 30 doanh nghiệp đến từ sàn HoSE, 6 doanh nghiệp từ sàn UPCom (ACV, VGI, VEA, MCH, BSR, MSR) và 2 doanh nghiệp từ HNX (SHB và THD). 38 doanh nghiệp "tỷ đô" này có tổng vốn hóa 160 tỷ USD, tương đương 71% vốn hóa TTCK Việt Nam.

Thập kỷ bùng nổ của chứng khoán Việt Nam: Thu hút hàng tỷ đô vốn ngoại, VN-Index lập đỉnh cao mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng - Ảnh 7.
Thập kỷ bùng nổ của chứng khoán Việt Nam: Thu hút hàng tỷ đô vốn ngoại, VN-Index lập đỉnh cao mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng - Ảnh 8.

Trái với sự tăng trưởng vượt bậc của quy mô thị trường, số lượng CTCK trong 10 năm qua có sự sụt giảm từ mức 102 CTCK (năm 2011) xuống còn 73 CTCK (năm 2020). Mặc dù giảm về số lượng do quá trình đào thải, M&A, nhưng quy mô, chất lượng các CTCK đã tăng trưởng vượt bậc so với cách đây 10 năm. Hiện đã xuất hiện nhiều CTCK vốn điều lệ hàng nghìn tỷ, như SSI (6.029 tỷ đồng), Mirae Asset (5.456 tỷ đồng), VPS (3.500 tỷ đồng), HSC (3.059 tỷ đồng)…

Thập kỷ bùng nổ của chứng khoán Việt Nam: Thu hút hàng tỷ đô vốn ngoại, VN-Index lập đỉnh cao mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng - Ảnh 9.

Các CTCK không chỉ cung cấp thuần dịch vụ môi giới mà đã có nhiều nghiệp vụ khác như Ngân hàng đầu tư (IB), tư vấn niêm yết, bảo lãnh phát hành trái phiếu, cung cấp các sản phẩm phái sinh (HĐTL chỉ số VN30, HĐTL trái phiếu chính phủ), Covered Warrant,…Không những vậy, nhiều CTCK cũng đã áp dụng công nghệ vào hoạt động môi giới cũng như tư vấn đầu tư.

Thời gian gần đây, nhiều CTCK đẩy mạnh hoạt động quản lý tài sản cho nhà đầu tư và đây được dự báo là xu hướng tương lai của nhiều CTCK trong bối cảnh lãi suất ngày càng giảm, nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư của người dân ngày càng tăng.

Một điểm đáng chú ý trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều CTCK ngoại, đặc biệt các CTCK có vốn Hàn Quốc hiện diện trên TTCK Việt Nam. Với lợi thế về quy mô, vốn rẻ, các CTCK ngoại đang gây ra sức ép không nhỏ tới các CTCK trong nước. Tuy vậy, sự cạnh tranh này cũng mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư khi chất lượng dịch vụ gia tăng và phí giao dịch ngày càng rẻ, thậm chí về 0.

Thập kỷ bùng nổ của chứng khoán Việt Nam: Thu hút hàng tỷ đô vốn ngoại, VN-Index lập đỉnh cao mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng - Ảnh 10.

Năm 2011 đánh dấu lần đầu tiên nhà đầu tư được thực hiện giao dịch ký quỹ (margin) trên TTCK Việt Nam. Thời điểm ban đầu, tỷ lệ ký quỹ áp dụng không được thấp hơn mức 60%. Đến đầu năm 2013, UBCKNN đã cho phép nâng tỷ lệ ký quỹ từ 40/60 lên 50/50. Việc triển khai giao dịch ký quỹ là bước ngoặt quan trọng trên TTCK, góp phần gia tăng thanh khoản, đa dạng hóa nghiệp vụ của CTCK và tạo thêm nhiều cơ hội cho nhà đầu tư giao dịch trên thị trường.

Cùng với việc cho phép giao dịch ký quỹ, thập kỷ qua cũng chứng kiến việc tăng thời gian giao dịch chứng khoán. Ngày 6/6/2012, TTCK Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh thời gian giao dịch sang buổi chiều đến 14h15’. Sau đó đến tháng 7/2013, chính thức kéo dài thời gian giao dịch thêm 45 phút, đến 15h như hiện nay. Việc kéo dài thời gian giao dịch giúp nhà đầu tư có thêm thời gian để ra quyết định, đáp ứng tốt hơn nhu cầu giao dịch, tạo sự sôi động và thanh khoản trên TTCK và đưa TTCK Việt Nam tiến gần hơn đến chuẩn mực tổ chức thị trường quốc tế.

Cũng trong năm 2013, sàn HoSE đã chính thức nới rộng biên độ giá từ mức +/-5% lên +/-7% cho cổ phiếu và chứng chỉ quỹ.

Trong năm 2012, chỉ số VN30 được ra đời và sau đó đến năm 2014, quỹ ETF nội đầu tiên mô phỏng chỉ số VN30 là VFMVN30 ETF đã xuất hiện với quy mô 202 tỷ đồng. Sau 8 năm hoạt động, VFMVN30 ETF đã vươn lên trở thành quỹ nội lớn nhất TTCK Việt Nam với quy mô hơn 7.000 tỷ đồng.

Sau sự ra mắt thành công của VN30 Index, HoSE cũng tung ra nhiều bộ chỉ số mới nhằm đáp ứng nhu cầu của giới đầu tư như Vietnam Diamond Index, Vietnam Financial Select Sector Index, Vietnam Leading Financial Index…Trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều quỹ ETF mô phỏng các bộ chỉ số của HoSE như VFMVN Diamond ETF, SSIAM VNX50 ETF, SSIAM VN30 ETF, SSIAM VNFinlead ETF,…

Thập kỷ bùng nổ của chứng khoán Việt Nam: Thu hút hàng tỷ đô vốn ngoại, VN-Index lập đỉnh cao mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng - Ảnh 11.

Một điểm đáng chú ý trong thập kỷ qua là việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2015/ NĐ-CP ngày 26/06/2015, chính thức cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào các danh nghiệp đại chúng không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán, dệt may…thực hiện nới room ngoại lên tối đa 100%.

Trong năm 2016, chứng khoán Việt Nam cũng rút ngắn chu kỳ thanh toán từ 9h ngày T+3 về 16h30’ ngày T+2. Đây là thông tin được thị trường chờ đợi khá lâu và cũng là một trong những biện pháp nhằm triển khai các giải pháp phát triển TTCK và từng bước áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế đối với các hoạt động giao dịch, thanh toán chứng khoán, tăng thanh khoản cho thị trường.

Ngoài ra, trong thập kỷ qua, TTCK Việt Nam cũng ra mắt nhiều sản phẩm mới như TTCK Phái sinh với HĐTL chỉ số VN30, HĐTL trái phiếu chính phủ (năm 2017) hay chứng quyền bảo đảm – Covered Warrant (2019) giúp hoàn thiện cấu trúc sản phẩm trên TTCK Việt Nam, đa dạng hóa các lựa chọn đầu tư trên thị trường, góp phần tăng thanh khoản, hỗ trợ TTCK phát triển ổn định, bền vững.

Thập kỷ bùng nổ của chứng khoán Việt Nam: Thu hút hàng tỷ đô vốn ngoại, VN-Index lập đỉnh cao mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng - Ảnh 12.

Trong thập kỷ qua, TTCK Việt Nam đã thu hút được hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng trên HoSE, khối ngoại đã mua ròng khoảng 68.000 tỷ đồng thông qua phương thức khớp lệnh, thỏa thuận (chưa tính giao dịch qua VSD, IPO).

Trong đó, đỉnh cao hút vốn là năm 2018 khi nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 43.000 tỷ đồng trên HoSE. Ở chiều ngược lại, năm 2020 ghi nhận áp lực rút vốn kỷ lục của khối ngoại khi họ bán ròng gần 16.000 tỷ đồng trên HoSE do ảnh hưởng của Covid-19. Dù vậy, so với các quốc gia trong khu vực, áp lực rút vốn của khối ngoại tại Việt Nam vẫn khá thấp. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng duy trì đà tăng trưởng tích cực được kỳ vọng sẽ giúp dòng vốn ngoại sớm trở lại Việt Nam.

Thập kỷ bùng nổ của chứng khoán Việt Nam: Thu hút hàng tỷ đô vốn ngoại, VN-Index lập đỉnh cao mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng - Ảnh 13.

Thập kỷ qua cũng ghi nhận những bước tiến của TTCK Việt Nam trên các bảng phân loại quốc tế. Từ một thị trường nhỏ trong nhóm cận biên (Frontier Markets), Việt Nam đã vươn lên trở thành thị trường lớn nhất trong nhóm này vào cuối năm 2020.

Không chỉ trở thành thị trường lớn nhất trong nhóm cận biên, Việt Nam còn đang hướng tới việc nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Markets). Vào tháng 9/2018, FTSE Russell đã công bố Việt Nam được lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng (Watch List) lên thị trường mới nổi loại hai (Secondary Emerging).

Với việc Luật chứng khoán sửa đổi chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2021, TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong kỳ đánh giá tháng 9/2021 cũng như đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi trong năm 2022 của MSCI. Việc nâng hạng thị trường được dự báo sẽ giúp TTCK thu hút thêm hàng tỷ USD từ các quỹ đầu tư.

Thập kỷ bùng nổ của chứng khoán Việt Nam: Thu hút hàng tỷ đô vốn ngoại, VN-Index lập đỉnh cao mới, vốn hóa thị trường đạt hơn 5 triệu tỷ đồng - Ảnh 14.

Vào cuối tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định số 37/2020/QĐ-TTg thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (Vietnam Exchange) theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Theo đó, Vietnam Exchange với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Vietnam Exchange có tên viết tắt là VNX, trụ sở chính đặt tại Hà Nội, nắm giữ 100% vốn điều lệ 2 sở HNX và HoSE. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2021.

VNX có mục tiêu xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm và hàng năm; Xây dựng và ban hành các quy chế niêm yết, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin; Quảnh lý, giám sát 2 Sở giao dịch theo quy định của pháp luật; Báo cáo, kiến nghị UBCKNN các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính vẹn toàn của TTCK Việt Nam, Hợp tác quốc tế về chứng khoán và TTCK với các Sở GDCK trên thế giới.

Trong khi đó, HoSE sẽ có nhiệm vụ tổ chức, vận hành thị trường giao dịch cổ phiếu và HNX sẽ có nhiệm vụ tổ chức, vận hành TTCK Phái sinh, thị trường giao dịch trái phiếu.

Minh Anh
Hoài Linh

Minh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên