Thất bại ở Thung lũng Silicon, vị CEO này tìm thấy thành công ở quê nhà Nhật Bản, trở thành tỷ phú khi cổ phiếu tăng 4.500%
Nakamura rút khỏi Mỹ sau thất bại để tập trung vào thị trường Nhật Bản, vốn bị coi là già nua và chậm chạp. Tuy nhiên, đây là quyết định đúng đắn. Cổ phiếu Rakus tăng vọt nâng khối tài sản của anh lên 1,9 tỷ USD.
- 06-07-2021Cổ phiếu rớt thảm, Didi hứng trọn nỗi đau từ đòn trừng phạt của Trung Quốc, vốn hoá mất 22 tỷ USD
- 06-07-2021Nhà đầu tư lãi bao nhiêu nếu mua cổ phiếu Amazon lúc IPO?
- 06-07-2021Vốn đổ vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu đạt kỷ lục
- 05-07-2021Chứng khoán toàn cầu liên tiếp xác nhận kỷ lục, đây là lý do tại sao cổ phiếu vẫn có sức hút lớn bất chấp rủi ro sụt giảm sau đỉnh
- 03-07-2021Một cổ phiếu tăng 790% sau khi lên sàn
- 01-07-2021Có lúc tăng gần 30% nhưng chốt phiên chỉ tăng 1%, cổ phiếu Didi "xát muối vào lòng các nhà đầu tư"
Takanori Nakamura rút khỏi Thung lũng Silicon vào năm 2015 sau khi phần mềm mình phát triển thất bại. Cùng với đó, anh dồn toàn lực trở về xây dựng sự nghiệp ở quê hương, đất nước Nhật Bản. Vốn không được coi là thiên đường cho các startup như ở Mỹ nhưng quê nhà đã đền đáp cho niềm tin của Nakamura.
Cổ phiếu Rakus Co., công ty mà Nakamura xây dựng lên, đã tăng 4.800% kể từ khi niêm yết tại Tokyo vài năm trước. Đến nay, nó là một trong những cổ phiếu có đà tăng tốt nhất trên thị trường chứng khoán Nhật Bản. Nakamura, người sở hữu 34% cổ phần của công ty điện toán đám mây này đồng thời là CEO của nó, cũng sở hữu khối tài sản trị giá 1,9 tỷ USD.
Trong phiên giao dịch ngày 6/7, cổ phiếu Rakus tiếp tục tăng 6,3%. Nó đã trở thành công ty khởi nghiệp mới nhất của Nhật Bản đưa nhà sáng lập vào hàng ngũ các tỷ phú USD. Ngoài ra, nó cũng phản ánh trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây là những lĩnh vực tiềm năng nhất tại Nhật Bản.
Nói về khối tài sản của mình, Nakamura, 48 tuổi, cho rằng: "Trở thành tỷ phú USD không thực sự tạo ra cảm giác gì đó. Tôi chỉ muốn mình có thể ăn ở ngoài mà không cần lo lắng về chi phí. Tôi rất biết ơn vì tôi không còn phải lo lắng đến tiền ăn nữa".
Nói về mình, Nakamura kể anh thích đọc những câu chuyện về những người giàu có và cách để trở nên giàu có khi còn là một cậu bé. Khi học trung học, anh quyết tâm mình phải trở thành một doanh nhân. Tốt nghiệp Đại học Kobe, Nakamura gia nhập Tập đoàn viễn thông khổng lồ Nippon Telegraph & Telephone Corp vào năm 1996 và bỏ việc khoảng 1 năm sau đó.
Anh thành lập công ty tiền thân của Rakus vào năm 2000 với vai trò đào tạo các kỹ sư sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở Linux. Công ty sau đó đã phân nhánh sang các lĩnh vực khác nhau, bao gồm dịch vụ email và hệ thống giúp tự động hóa xử lý dữ liệu.
Năm 2009, công ty ra mắt hoạt động kinh doanh chính hiện tại - chương trình phần mềm có tên Raku Raku Seisan giúp các doanh nghiệp nhận báo cáo chi phí trực tuyến. Sau đó, công ty đã phát triển ứng dụng di động cho sản phẩm của mình.
Họ trải qua những khó khăn lớn trong giai đoạn đầu tiên. Nakamura đặt mục tiêu thành công ở Thung lũng Silicon nên phát triển phần mềm giúp các công ty đo đạc mức độ hiệu quả của các hoạt động marketing trên mạng xã hội để họ quyết định giữ hay bỏ các quảng cáo.
"Tôi nghĩ rằng mình cần phải bắt đầu ở thị trường nước ngoài vì dân số Nhật Bản có xu hướng giảm", Nakamura chia sẻ về lý do tại sao lại chọn Thung lũng Silicon là nơi chắp cách cho startup của mình.
Tuy nhiên, công việc kinh doanh của anh đã thất bại. Nakamura thừa nhận mình không thể cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp Mỹ, những startup được bơm lượng tiền khổng lồ từ các công ty đỡ đầu.
Đà tăng của cổ phiếu Rakus trong những năm qua.
"Nó hơi quá sức với chúng tôi. Tôi nhận ra rằng với nguồn lực mà mình có, chúng tôi sẽ có cơ hội chiến thắng lớn hơn nếu dốc toàn lực vào thị trường quê nhà", Nakamura chia sẻ. Tháng 12/2015, Rakus chào sàn ở Tokyo.
Khi điện thoại thông minh bắt đầu phổ biến hơn ở Nhật Bản, Raku Raku Seisan trở nên nổi tiếng. Ngày nay, dịch vụ này có hơn 8.000 khách hàng doanh nghiệp.
Nhà phân tích Takashi Miyazaki của Goldman Sachs Group Inc. đánh giá rất cao về tiềm năng của Rakus và đưa cổ phiếu này vào danh sách khuyến nghị với mức đánh giá trung lập vào tháng 10/2020. Tới tháng 3/2021, Miyazaki đã chính thức khuyến nghị mua.
"Rakus có nhóm khách hàng mục tiêu rõ ràng cho từng sản phẩm của mình. Chiến lược đó đang cực kỳ hiệu quả", Miyazaki nói.
Rakus ước tính rằng có khoảng 100.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản có thể sử dụng phần mềm tính phí mà họ cung cấp. Tuy nhiên, mục tiêu ngắn hạn của công ty là thu hút 20.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này.
Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 vừa qua, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh Rakus đạt 35,2 triệu USD, tăng gấp hơn 3 lần so với một năm trước đó. Dẫu vậy, các nhà phân tích dự đoán tăng trưởng lợi nhuận của họ sẽ giảm xuống trong năm nay khi công ty mạnh tay đầu tư cho các hoạt động tiếp thị để chiếm lĩnh thị phần.
Bài học đau đớn ở Thung lũng Silicon khiến nhà sáng lập Nakamura nhận ra tầm quan trọng của việc chiếm thị phần. "Nếu bạn không chi tiền cho quảng bá, bạn sẽ chẳng thế bán sản phẩm của mình. Chính số tiền bạn bỏ ra sẽ quyết định bạn nắm giữ được bao nhiêu thị phần", Nakamura chi sẻ.
Tuy nhiên, người đàn ông này cũng nhấn mạnh việc trở thành tỷ phú USD sẽ chẳng làm thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc đời mình. "Tôi vẫn ăn cơm cà ri bò của Matsuya trong bữa trưa", Nakamura nói và nhắc tới một quán ăn rẻ tiền với giá không quá 10 USD/suất ở Nhật Bản.
Thực tế, cổ phiếu của Rakus vẫn được đánh giá là tăng quá nóng khi mức P/E của nó lên tới 448.