MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thật khó tin đột quỵ ở trẻ em: Dấu hiệu cha mẹ cần nhớ

15-03-2021 - 08:32 AM | Sống

Thật khó tin đột quỵ ở trẻ em: Dấu hiệu cha mẹ cần nhớ

Đột quỵ không chỉ xảy ra ở người lớn mà nhiều trường hợp trẻ nhỏ cũng mắc thậm chí có trẻ mới 3 tuổi đã bị đột quỵ nhồi máu não.

Vì sao trẻ nhỏ cũng đột quỵ ?

Tại BV Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh, các bác sĩ đã từng cấp cứu các bệnh nhi bị đột quỵ. Ví dụ như một trường hợp bé trai 3 tuổi ở Vĩnh Long bị đột quỵ não được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cứu sống đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng.

Theo gia đình của bé, thấy con có dấu hiệu lơ mơ rồi dần liệt nửa người, không biết gì cả gia đình đưa bé tới bệnh viện tỉnh nhưng sau khi chụp chiếu chỉ nghi là viêm màng não. Sau đó, bé đã được chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh để chữa trị.

Được biết, bé nhập viện trong tình trạng đau đầu, lơ mơ, liệt nửa người. Các bác sĩ đã phải chụp MRI và phát hiện bé bị đột quỵ thể nhồi máu não do huyết khối. Đây có lẽ là một kết quả không thể ngờ tới của gia đình vì chẳng ai nghĩ tới việc trẻ nhỏ như vậy lại có thể bị đột quỵ. Bé may mắn được điều trị thành công.

Trước đó, bệnh viện này cũng tiếp nhận bé gái 6 tuổi trong tình trạng hôn mê, yếu nửa người bên trái. Các bác sĩ kiểm tra, xét nghiệm, chụp CT-scan, kết quả cho thấy bé bị xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não, phải phẫu thuật mở sọ để giải áp. Rất may bé được cứu sống kịp thời nhưng phải mất 6 tháng tập vật lý trị liệu.

Nhiều người ngỡ ngàng và không khỏi lo lắng khi một bệnh thường gặp ở người cao tuổi nhưng ngày càng ghi nhận nhiều ở trẻ nhỏ.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thụy Minh Thư, Phòng khám Nhi – Tiêm ngừa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng khi lượng máu nuôi não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể, khiến cho não bị thiếu oxy và thiếu dinh dưỡng. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ oxy và dinh dưỡng các tế bào não sẽ bắt đầu chết.

Trước đây, người ta vẫn cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi. Tuy nhiên, thực ra đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ.

Theo bác sĩ Thư đột quỵ ở trẻ nhỏ được chia làm 2 dạng, đột quỵ nhồi máu và đột quỵ xuất huyết. Trong đó, đột quỵ xuất huyết sẽ gặp nhiều hơn là đột quỵ nhồi máu.

Nguyên nhân thường gặp gây ra đột quỵ xuất huyết ở trẻ em là dị dạng mạch máu não (dị dạng động mạch não, túi phình mạch máu não). Khi bệnh nhi có túi phình mạch máu não hoặc dị dạng động tĩnh mạch não, thường bé không có bất kỳ biểu hiện gì, đôi khi có thể có đau đầu, co giật, ...

Thật khó tin đột quỵ ở trẻ em: Dấu hiệu cha mẹ cần nhớ - Ảnh 1.

Các bác sĩ can thiệp cho bệnh nhi 3 tuổi bị đột quỵ.

Nhưng khi những tổn thương này vỡ ra, gây xuất huyết não, sẽ ảnh hưởng nguy kịch đến tính mạng bệnh nhi. Chính vì vậy cần nhận biết sớm những trường hợp này.

Ngoài dị dạng mạch máu não, bệnh tim bẩm sinh (còn ống động mạch, thông liên thất), rối loạn đông cầm máu (bệnh Hemophillia, xuất huyết giảm tiểu cầu,) và các bệnh lý tự miễn (hội chứng Anti phospholipid…) cũng có thể gây đột quỵ não.

Dấu hiệu đột quỵ

Những biểu hiện của đột quỵ ở trẻ em:

Đối với những trẻ lớn, thì dấu hiệu đột quỵ tương tự người lớn, như: méo miệng, nói đớ, liệt nửa người đột ngột.

Còn ở trẻ nhỏ hơn, những dấu hiệu này rất khó có thể nhận ra. Có nhiều trường hợp đột quỵ không có biểu hiện rõ ràng mà trẻ chỉ đột ngột lơ mơ, lừ đừ hoặc bứt rứt, quấy khóc, nôn ói... Những triệu chứng này rất chung chung và có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Thật khó tin đột quỵ ở trẻ em: Dấu hiệu cha mẹ cần nhớ - Ảnh 2.

Không được lơ là với dấu hiệu đau đầu ở trẻ.

Ngày nay, đột quỵ ở trẻ em thường được điều trị theo phương pháp can thiệp nội mạch DSA, ít xâm lấn, đặc biệt là điều trị được những vùng não sâu mà phẫu thuật không mổ tới.

Ngoài ra, sau can thiệp trẻ nhỏ bảo tồn được phần lớn chức năng, không để lại bất kỳ vết sẹo nào. Khác với phẫu thuật mổ hở ngày trước, việc phẫu thuật có thể để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, thậm chí là tổn thương tâm lý đến các bé còn nhỏ tuổi.

Đột quỵ ở trẻ em cũng giống hệt người lớn điều trị thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn "thời gian vàng" trong cấp cứu. Bệnh nhân đến trong giờ vàng thì hiệu quả điều trị càng cao, giảm thiểu di chứng về sau. Mỗi phút chậm trễ là cả triệu tế bào não mất đi.

Bác sĩ khuyến cáo tốt nhất cha mẹ nên chú ý, có thể sàng lọc sớm dấu hiệu của đột quỵ ở trẻ. Khi trẻ có triệu chứng đau đầu, co giật, động kinh thì phải sớm cho trẻ đi khám và để tầm soát tốt mạch máu não cho trẻ thì MRI 3 tesla sử dụng từ trường là thiết bị tầm soát an toàn nhất, đưa ra hình ảnh rõ nét, sớm phát hiện các dị dạng mạch máu để kịp thời điều trị ngăn ngừa đột quỵ.

Theo N.Anh

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên