MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch chuyển bất ngờ trên “bản đồ” tỷ phú USD Việt Nam

Trước đây, những người giàu nhất Việt Nam thường được gắn với lĩnh vực bất động sản thì nay đã khác. Sự dịch chuyển sang lĩnh vực sản xuất của ông Phạm Nhật Vượng, cùng sự góp mặt của “Vua ô tô” và “Vua thép” Việt Nam đã cho thấy một câu chuyện mới.

Tạp chí Forbes đã công bố danh sách những tỷ phú USD giàu nhất thế giới năm 2018. Bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng (từ 2013) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (từ 2017), Việt Nam đã có thêm 2 đại diện mới là tỷ phú Trần Đình Long (HPG) và tỷ phú Trần Bá Dương (Thaco). Đây là thông tin mới, nhưng không quá bất ngờ, bởi trong nước đã có nhiều dự đoán trước đó về 2 vị tỷ phú này trước sự khởi sắc của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua.

Từ nỗi ám ảnh mang tên "Bất động sản" …

Trước đây, không ít người có thành kiến khi nói đến những doanh nhân giàu có nổi tiếng về "bất động sản". Trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam thì thường quá nửa trong đó sẽ hoạt động trong hoặc liên quan mật thiết đến lĩnh vực bất động sản. Ông Phạm Nhật Vượng, mặc dù khởi nghiệp từ sản xuất mỳ ăn liền ở Ucraina, nhưng khi trở về Việt Nam lại đi lên từ bất động sản với những dự án nổi tiếng như Vinpearl, Vincom, Royal City, Times City … Chính lĩnh vực này đã giúp ghi tên ông Vượng – người Việt Nam đầu tiên – lọt vào danh sách những tỷ phú đô la giàu nhất thế giới của Forbes 2013 với lời chú giải ngắn gọn "real estate" (bất động sản).

Dịch chuyển bất ngờ trên “bản đồ” tỷ phú USD Việt Nam - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng

Nữ tỷ phú đô la duy nhất của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo mặc dù hoạt động chủ yếu ở Vietjet Air và HDBank, những bà vẫn được biết đến với vai trò là cổ đông chính của Sovico Holdings, công ty hiện đang sở hữu nhiều tài sản bất động sản giá trị lớn như Khách sạn năm sao Furama Resort Đà Nẵng, Dự án khu đô thị cao cấp 65 ha Phú Long, Dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp tại Phú Quốc, Dự án dự án Furama villas quy mô 27ha tại Đà Nẵng …

Ông Trần Bá Dương và ông Trần Đình Long vừa lọt vào danh sách của Forbes được ghi nhận là hai tỷ phú đi lên từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tuy vẫn có lấn sân sang bất động sản với tỷ trọng doanh thu còn khá nhỏ.

… đến "bản đồ" tỷ phú chuyển dịch

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bất động sản "vừa là điểm xuất phát của nhiều người giàu và vẫn được xác định là cốt lõi của không ít người giàu". Tuy nhiên, xu hướng đó đã thay đổi trong thời gian gần đây, "bản đồ" tỷ phú Việt đã chuyển dịch.

Điểm sáng đầu tiên cần nói tới là sự kiện Forbes đổi góc nhìn về khối tài sản khổng lồ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Nếu như trước kia, nguồn tài sản của ông Vượng được Forbes đánh giá đơn thuần đến từ lĩnh vực bất động sản (real estate), thì trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2018 vừa qua, họ đã chính thức ghi nhận tỷ phú Phạm Nhật Vượng, cùng với VinGroup của ông, làm giàu từ đa lĩnh vực (diversified). Đây chính là sự công nhận đối với thành quả hệ sinh thái Vingroup mà ông Vượng đã và đang nỗ lực xây dựng.

Nhiều người vẫn nói rằng: "Ở căn hộ Vinhomes, mua hàng Vinmart, cho con đi học ở Vinschool, khám bệnh tại Vinmec, đi du lịch ở Vinpearl, đi làm và đi chơi bằng Vinfast …". Đó là nói vui nhưng cũng phần nào phản ánh sự đa dạng của hệ sinh thái VinGroup với người dân Việt Nam. Mới đây nhất là dự án công nghiệp ô tô Vinfast và dự án Đại học quốc tế Vin University. Sự chuyển hướng này của ông Phạm Nhật Vượng đã được minh chứng thuyết phục bởi mức tăng trưởng mạnh trong tài sản của ông trong năm vừa qua.

"Tôi rất mừng là Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam và người giàu nhất Việt Nam cũng là người có tầm nhìn xa, thấy được và quyết định đúng lúc trong việc chuyển đổi và đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là quyết định mở rộng sang lĩnh vực công nghiệp. Việc đa dạng hóa như vậy sẽ lại khiến người giàu nhất trở nên giàu có hơn", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ. Bà Lan cũng hy vọng ông Vượng và VinGroup sẽ là người "tiên phong" để những người giàu, doanh nghiệp khác nhìn vào, học tập.

Dịch chuyển bất ngờ trên “bản đồ” tỷ phú USD Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Trần Bá Dương

Điều đáng chú ý hơn chính là 2 tân tỷ phú Forbes, ông Trần Bá Dương và ông Trần Đình Long. Cả hai ông đều có xuất phát điểm và đi lên từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Ông Trần Bá Dương được mệnh danh là "ông vua" của thị trường ô tô Việt, đang sở hữu tập đoàn ô tô lớn nhất Việt Nam (Trường Hải) với giá cổ phiếu dao động từ 150.000-180.000 đồng/cổ phiếu trên thị trường OTC.

Trong khi đó, ông Trần Đình Long - người sáng lập và hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát – nhà sản xuất ống thép số 1 Việt Nam. Năm 2017, tổng doanh thu của Hoà Phát đạt 46.800 tỷ đồng, tăng 38% so với 2016 và lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng, vượt 33% so với kế hoạch. HPG cũng đang có triển vọng rất lớn khi dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động.

Dịch chuyển bất ngờ trên “bản đồ” tỷ phú USD Việt Nam - Ảnh 3.

ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát

Hay một cái tên sáng giá khác tuy chưa được Forbes gọi tên nhưng đã được Bloomberg xếp hạng là tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam (trước cả ông Long và ông Dương), là ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group, một tên tuổi lớn trong ngành sản xuất thực phẩm và thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam. Theo ước tính của Kantar Worldpanel Vietnam, 95% các hộ gia đình Việt Nam đang sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan. Điều này đã cho thấy ông Nguyễn Đăng Quang và thương hiệu Masan đã thành công như thế nào trong việc chiếm lĩnh thị hiếu tiêu dùng của người Việt.

Sự chuyển dịch ngành nghề theo hướng sản xuất của các tỷ phú Việt Nam cho thấy dấu hiệu hết sức tích cực. Bởi lịch sử phát triển của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, … thoát khỏi nghèo khó và đi lên cường thịnh đều nhờ sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp.

Nhìn sang bản đồ tỷ phú Forbes của Thái Lan, hiện có khoảng 28 tỷ phú đô la được Forbes công nhận trong top những người giàu nhất thế giới. Họ có lĩnh vực kinh doanh rất đa dạng, phần nhiều là lĩnh vực sản xuất thực phẩm, đồ uống, bán lẻ và một số ngành tài chính ngân hàng, chỉ khoảng 1/5 số tỷ phú trong đó có liên quan đến bất động sản.

Cái tên quen thuộc nhất đối với Việt Nam có lẽ là ông Charoen Sirivadhanabhakdi, người đã chi mạnh tay mua cổ phần trong nhiều thương vụ nổi tiếng tại Việt Nam, gần đây nhất là 5 tỷ USD mua Sabeco và 135 triệu USD mua Vinamilk.

Trên bảng xếp hạng của Forbes 2018, ông Charoen Sirivadhanabhakdi đứng thứ 65 với tổng tài sản 17,9 tỷ USD, nguồn thu nhập chính đến từ bất động sản và đồ uống. Rõ ràng, Việt Nam sẽ phải cần nhiều hơn nữa những tỷ phú định hướng sản xuất như vậy, nhằm đưa đất nước thoát khỏi vùng trũng của phát triển.

Cao Cường

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên