Thay đổi cách nâng lương trước thời hạn với cán bộ, công chức
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký ban hành Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung một số điều về chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
- 30-06-2021Lương của công nhân sản xuất Việt Nam chưa bằng nửa Trung Quốc, Thâm Quyến phải thay đổi chính sách lương để níu chân các công ty
- 21-06-2021Lĩnh vực lương cao nhất Việt Nam hiện nay là gì?
- 16-06-2021Lương kỹ sư công nghệ bao nhiêu mà CEO "siêu" doanh nghiệp 500.000 tỷ đòi vận hành 10.000 người chỉ với... 200 triệu đồng ?
Không nâng lương trước hạn hai lần liên tiếp
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký ban hành Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung một số điều về chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại Thông tư số 08.
Có hiệu lực từ ngày 15/8, Thông tư bổ sung thêm trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên là "thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự".
Thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên cũng được bổ sung thêm một số trường hợp, như: thời gian tập sự, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ; thời gian thử thách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu.
Về thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên, thông tư mới quy định: Trong thời gian giữ bậc lương hiện hưởng, nếu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên.
Cụ thể, kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên 12 tháng đối với các trường hợp: Cán bộ bị kỷ luật cách chức; công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức; viên chức và người lao động bị kỷ luật cách chức.
Kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên 6 tháng đối với các trường hợp: Cán bộ, công chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo; viên chức bị kỷ luật cảnh cáo; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 2 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 6 tháng.
Kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên 3 tháng đối với viên chức bị kỷ luật khiển trách, bỏ đối tượng là người lao động như thông tư cũ.
Trường hợp vừa bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là 21 tháng.
Nếu bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ do bị kỷ luật, thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo hình thức kỷ luật tương ứng.
Thông tư cũng quy định không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
Việc quyết định nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý thực hiện theo phân cấp hiện hành.
Áp dụng bảng lương mới từ 1/7/2022
Cũng theo lộ trình, từ 1/7/2022, lương của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ được áp dụng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Bảng lương mới được thiết kế theo cơ cấu: Lương cơ bản chiếm khoảng 70%; các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30%; quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Mức lương cơ sở trước đây đã được quyết định tăng lên 1,6 triệu đồng từ 1/7/2020, nhưng do tác động của dịch COVID nên Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Chính phủ hoãn tăng lương cơ sở và giữ nguyên mức lương 1,49 triệu đồng từ ngày 1/7/2019 cho đến nay.
Với mức lương này áp vào bảng lương chức vụ theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XI, lương của các chức danh lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cấp cao không vượt quá 20 triệu đồng.
Trong đó, lương của Chủ tịch nước cao nhất với hệ số 13,00 có mức 19,37 triệu đồng/tháng; lương của Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội cùng hệ số 12,50, tương ứng hơn 18,6 triệu đồng/tháng; lương của Phó Chủ tịch nước bậc 1 với hệ số 11,10 hơn 16,5 triệu đồng/tháng; bậc 2 có hệ số 11,70 thì hơn 17,4 triệu đồng/tháng…
Ngoài mức lương này, các lãnh đạo còn được hưởng một số phụ cấp kèm theo tùy mỗi chức danh, lĩnh vực cụ thể, như phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp khu vực…
Theo Tiền Phong