Thấy gì đằng sau cú bắt tay nồng ấm giữa Apple và Samsung tại CES 2019
Người được hưởng lợi lớn nhất chính là người dùng và kéo theo đó không ai khác, vẫn là Samsung và Apple.
Năm 2001, CEO Microsoft khi đó là Steve Ballmer gọi Linux là “ung thư” và công khai chống lại hệ điều hành này. Đến cuối năm 2014, CEO đương nhiệm của Microsoft, ông Satya Nadella bất ngờ tuyên bố: “Chúng tôi yêu Linux” và đồng thời với câu nói ấy là hàng loạt thỏa thuận hỗ trợ hệ điều hành này. Người được lợi nhất? Chính là các lập trình viên - người dùng Linux và cả chính Microsoft nữa.
Tại sao câu chuyện này lại được nhắc đến? Bởi chỉ mới hôm qua thôi, tại CES 2019, Hội chợ điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới tổ chức tại Las Vegas cũng vừa chứng kiến cú bắt tay giữa 2 đối thủ sừng sỏ. Samsung vừa công bố thỏa thuận chưa từng có trong lịch sử: Apple sẽ đưa kho ứng dụng iTunes lên những chiếc Smart TV của Samsung, chấm dứt tình cảnh người dùng buộc phải mua Apple TV nếu muốn xem những nội dung mình đã sở hữu trên iTunes. Không chỉ có vậy, TV Samsung còn hỗ trợ cả AirPlay 2, phương thức phản chiếu hình ảnh trên thiết bị di động lên màn hình TV mới của Apple. Ứng dụng iTunes sẽ là độc quyền trên TV Samsung.
Cần phải nhớ rằng Apple nổi tiếng với sự hà khắc và đóng kín với hệ điều hành cũng như phần mềm của mình. Vậy mà thật bất ngờ, giờ đây Apple lại đồng ý mở phần mềm của mình cho đối thủ số 1 trong lĩnh vực smartphone - Samsung. Chắc chắn nhiều người sẽ đặt câu hỏi điều này có ý nghĩa gì?
Điều đầu tiên phải khẳng định, người được lợi lớn nhất chính là người dùng chúng ta. Người mua TV Samsung sẽ có thêm kho nội dung phong phú sẵn có trên iTunes, bao gồm cả Apple Music và có thể là dịch vụ streaming phim đang được Apple ấp ủ làm đối thủ của Netflix. Người dùng iPhone và iPad có thể stream video, ảnh, nhạc và những nội dung khác lên TV Samsung mà không gặp phải trở ngại gì cả. Dưới góc nhìn người dùng, chính chiếc TV sẽ trở thành trung tâm trong gia đình, không còn ranh giới ngăn cách giữa Tizen, Android và iOS, điều này còn đồng nghĩa với sự thoải mái trong quá trình sử dụng.
Thứ hai, hợp tác giữa Apple và Samsung mang tới ích lợi cho cả 2 ông lớn làng công nghệ. Apple cần nền tảng TV đủ tốt và số lượng đủ để phổ biến như Tizen và Smart TV Samsung, nhằm tăng thêm doanh thu mảng dịch vụ, giữa bối cảnh doanh số iPhone đang chững lại. Trong khi đó, Samsung luôn không ngừng tìm kiếm thêm các đối tác chất lượng về nội dung để phục vụ người xem, nhằm giữ vững vị thế hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất TV. Trên thực tế, hợp tác này có thể ảnh hưởng tới doanh số Apple TV 4K nhưng xét về lâu dài, điều này là có thể hiểu được. Apple đang cố gắng đẩy mạnh doanh thu từ mảng dịch vụ (báo cáo quý trước cho thấy Apple đang thu về từ mảng dịch vụ tới 10 tỷ USD/năm) và iTunes trên thương hiệu TV phổ biến hàng đầu thế giới - Samsung có thể thúc đẩy con số này xa hơn nữa.
Thứ ba, điều này đồng nghĩa với việc Apple ngầm thừa nhận vị thế của Samsung trong lĩnh vực sản xuất TV. Như đã đề cập ở trên, Apple rất khó khăn trong việc mở rộng phần mềm của mình ra bên ngoài hệ sinh thái iOS/Mac, việc đưa iTunes lên Tizen có thể coi là động thái cho thấy sự tôn trọng của Apple dành cho Samsung. Điều này càng được khẳng định rõ khi chúng ta tìm hiểu kỹ hơn về thị trường TV. Tính đến Quý III năm 2018 vừa qua, Samsung vẫn là “ông vua thị phần” thế giới TV theo thống kê của IHS Market, với 28,4% thị phần, gần gấp đôi vị trí thứ 2. Nếu không có phép lạ nào xảy ra thì Quý IV năm 2018 cũng vẫn sẽ ghi dấu Samsung ở vị trí thị phần số 1 - quý thứ 50 liên tiếp. Lựa chọn Samsung là giải pháp an toàn nhất của Apple vào thời điểm này, thay vì đặt niềm tin vào những nhà sản xuất có thị phần thấp hơn.
Thế giới công nghệ luôn cần sự cạnh tranh, từ những sự cạnh tranh mạnh mẽ chúng ta mới có thể nhìn thấy nhiều sản phẩm đột phá. Nhưng những cú bắt tay nồng ấm cũng luôn cần thiết để từ đó, những đối thủ cạnh tranh có thể cùng nhau mang đến điều tốt nhất cho người dùng.