MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ triển vọng ngành ngân hàng những tháng cuối năm?

16-10-2017 - 16:49 PM | Tài chính - ngân hàng

Kết quả kinh doanh được kỳ vọng khả quan trong năm 2017, thêm nhiều ngân hàng niêm yết, tốc độ xử lý nợ xấu tăng lên... là những tín hiệu tích cực cho ngành ngân hàng tiếp tục phấn đấu trong những tháng cuối năm nay.

Liên tiếp những thông tin tích cực đối với hệ thống ngân hàng xuất hiện trong thời gian gần đây. Cụ thể, tín dụng tiếp tục tăng với tốc độ nhanh hơn năm ngoái.

Tín dụng đối với nền kinh tế liên tục tăng ngay từ những tháng đầu năm 2017 và tăng đều qua các tháng. Đến ngày 20/9/2017, tín dụng tăng 11,02% so với cuối năm 2016 - là mức tăng cao so với các năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,46% và cùng kỳ năm 2015 tăng 10,78%). Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực SXKD, trong đó, tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm và lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống.

Trong đó, chủ yếu là nhờ cho vay bằng USD phục hồi trong khi đó cho vay VND vẫn tăng ở tốc độ tương đương. Cho vay bổ sung vốn lưu động dường như là động lực tăng trưởng chính và phần lớn các khoản vay này có vẻ là cho các doanh nghiệp thương mại. Đây là tín hiệu tích cực từ quan điểm GDP và có thể cũng cho thấy sự tăng trưởng bền vững hơn so với sự tăng mạnh của cho vay bán lẻ như trong năm ngoái.

Chuyên gia phân tích của CTCK HSC nhận định trong bất kỳ trường hợp nào thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng chính thức 21% có vẻ rất khả thi ở tốc độ hiện tại. Bởi lẽ, chỉ riêng trong tháng 12, tăng trưởng tín dụng thường chiếm tới khoảng 20% tổng tín dụng cả năm. Tuy nhiên, với nợ xấu có xu hướng tăng trở lại và lạm phát tăng tốc, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn cũng kèm theo những rủi ro nhất định. Dù vậy, trong quan điểm ngắn hạn, điều này đảm bảo rằng các ngân hàng sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận trong năm nay.

Còn theo đánh giá của CTCK VCSC, NIM trong quý 3 và quý 4 nhiều khả năng sẽ tăng trong ngành ngân hàng, thúc đẩy lợi nhuận. Với hai động lực kép là tăng trưởng NIM và tăng trưởng cho vay (nhiều khả năng vượt ước tính 18% của VCSC trong giai đoạn 2016-2017), tăng trưởng lợi nhuận sẽ vẫn tiếp tục.

Về nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 9/2017 vào khoảng 2,9% (năm 2016 khoảng 2,6%). Tỷ lệ nợ xấu cao tập trung chủ yếu tại một số TCTD yếu kém, năng lực tài chính và khả năng quản trị điều hành yếu, trong diện tái cơ cấu. Trong 9 tháng đầu năm 2017, nợ xấu thực tế đã giảm so với cuối năm 2016 do các khoản mục TPDN phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ và TPDN phân loại từ nhóm 3-5 giảm và các khoản đầu tư, đặt cọc, ký quỹ, các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi đều giảm mạnh.

Về xử lý nợ xấu, trong 7 tháng đầu năm 2017, hệ thống TCTD ước tính xử lý khoảng 45 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó: nợ xấu thu hồi từ khách hàng chiếm khoảng 33,6%; sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu ước khoảng 26,3%; bán nợ cho VAMC khoảng 31,7%; bán tài sản đảm bảo khoảng 1,5%; còn lại là xử lý bằng các biện pháp khác. Hệ thống TCTD tăng trích lập dự phòng rủi ro, tạo nguồn xử lý nợ xấu. Ước tính đến cuối tháng 9/2017, số dư dự phòng rủi ro tín dụng khoảng 110 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 22% so với cuối năm 2016.

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng sẽ tiếp tục được cải thiện. Theo đó, VCSC cho rằng LienVietPostBank sẽ tiếp tục giữ ổn định chi phí tín dụng trong năm 2017 và 2018. Nợ xấu trong năm 2017 của ngân hàng sẽ được quản lý ở dưới mức 1,5% theo kế hoạch.

Trong khi đó, BVSC nhận định hoạt động tín dụng của VIB không bị ảnh hưởng lớn bởi các điều luật từ NHNN nhằm thúc đẩy tái cơ cấu ngành giai đoạn 2 như nâng hệ số rủi ro tín dụng bất động sản hay tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Bên cạnh đó, với tốc độ xử lý nợ xấu tốt của VIB, ước tính thời gian để VIB xử lý triệt để nợ xấu là 2-3 năm. Bên cạnh đó, với chất lượng tài sản đảm bảo tốt, tốc độ xử lý nợ của VIB sẽ còn nhanh hơn khi nghị định thu hồi nợ qua xử lý tài sản đảm bảo chính thức có hiệu lực.

Một tín hiệu tích cực khác là kể từ đầu năm nay, cổ phiếu ngân hàng tranh nhau lên sàn chứng khoán. Tính đến nay, đã có tổng cộng 13 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán, gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Eximbank, MBBank, Sacombank, VPBank niêm yết trên HOSE; ACB, SHB, NCB trên HNX và VIB, Kienlongbank, LienVietPostBank trên UPCoM.

Về giá cổ phiếu ngân hàng, chuyên gia phân tích của CTCK HSC chỉ ra chỉ số giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng 30,7% so với đầu năm.

Rất có thể cổ phiếu HDBank và Techcombank sẽ được niêm yết trong vòng 3-6 tháng tới và tạo thêm các cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng niêm yết cho các nhà đầu tư. Làn sóng các ngân hàng niêm yết năm 2017 sẽ góp phần minh bạch hóa hệ thống ngân hàng và tăng lựa chọn đầu tư cho thị trường cổ phiếu. Và triển vọng kinh doanh các ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục phân hóa trong năm 2017.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên