MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ việc Việt Nam tăng chỉ số phục hồi COVID-19?

Thấy gì từ việc Việt Nam tăng chỉ số phục hồi COVID-19?

Việt Nam tăng chỉ số phục hồi COVID-19. Vui thì có, nhưng chúng ta đừng vội chìm lấp thỏa mãn trong những lời khen.

Tạp chí kinh tế uy tín nhất châu Á, Nikkei Asia tờ báo được xem là tờ thời báo kinh tế dành cho các doanh nhân và lãnh đạo vừa công bố chỉ số phục hồi COVID-19 ( COVID-19 Recovery Index) Việt Nam tăng từ 48 bậc lên vị trí thứ 14.

Nhật Bản cùng một số nước không còn xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia khuyến cáo nên hạn chế đi lại. Những người bạn của người viết từ Nhật sang rất hồ hởi, phấn khởi khoe rằng: Qua sân bay ở Việt Nam không hề phải khai báo y tế gì chứ chưa nói đến phải cách ly.

Việt Nam là nước tiên phong ở Đông Nam Á thay đổi chiến lược từ "Zero COVID" sang "With COVID", có nghĩa là sống chung với COVID-19, coi đó là bệnh đặc hữu như một dạng cúm mùa.

Thực tế tại Việt Nam, đến thời điểm này, mọi người đã không còn hoảng sợ vì COVID-19 nữa. Nếu bỏ khẩu trang, khử khuẩn thì cuộc sống về lại trạng thái bình thường như trước khi có dịch. Kinh tế hồi phục rất nhanh chóng, ngành du lịch, dịch vụ hết sức bận rộn với lượng khách bị nén lại các nhu cầu trong hơn hai năm dịch vụ, nay bung ra xóa bỏ cảm giác bị "buộc cẳng, bó chân" trong thời gian dịch bệnh.

Thực trạng này phản ánh thực lực kinh tế trong dân của Việt Nam rất dồi dào, bất động sản vẫn tăng giá đều đều, chỉ số tiêu dùng, lạm phát tăng sau dịch khá cao nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Việt Nam có nhiều tín hiệu đáng mừng, khởi sắc hồi phục sau thời kỳ "đóng băng" bởi COVID-19 , được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Vui đấy nhưng chúng ta đừng vội chìm lấp thỏa mãn trong những lời khen. Bởi nền kinh tế Việt Nam chưa là nền kinh tế độc lập, tự chủ. Phần lớn chúng ta vẫn phụ thuộc vào tài nguyên xuất khẩu dạng khô, hàng lắp ráp… công nghệ kỹ thuật còn kém, phụ thuộc rất nhiều vào FDI (Foreign Direct Investment), với phần lớn là lao động phổ thông làm công việc chân tay đơn thuần, đồng lương đủ sống kiểu “ráo mồ hôi là hết tiền”. Công nghiệp phụ trợ, phần mềm, cơ khí chính xác, điện tử, luyện kim… của Việt Nam chưa có thành tựu nổi bật.

Thấy gì từ việc Việt Nam tăng chỉ số phục hồi COVID-19? - Ảnh 1.

Việt Nam tiêm phủ vaccine với hơn 80% dân số.

Việt Nam đạt thành tích rất cao trong việc nhanh chóng tiêm phủ vaccine với hơn 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ và 60% được tiêm liều nhắc lại. Nikkei đánh giá Việt Nam đạt 27/30 điểm về tiêm chủng, một điểm số rất cao. Tốc độ tiêm phủ vaccine ở Việt Nam phải nói đạt tốc độ đáng kinh ngạc cùng sự hợp tác rất cao từ người dân, nên việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cũng như việc tiêm cho trẻ em chắc chắn sẽ tiến hành rất thuận lợi.

Thế nhưng, nỗi buồn là Việt Nam chưa tự chủ nghiên cứu chế tạo được vaccine. Nguồn vaccine ở nước ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài với đủ chủng loại khác nhau. Các lãnh đạo của Việt Nam phải vất vả xuôi ngược với chiến lược "ngoại giao vaccine", thực tế là đi xin, đi mặc cả, đàm phán để có đủ nguồn cung vaccine cho người dân.

Hiện tại số ca lây nhiễm và tử vong  tại Việt Nam giảm rất nhanh, mạnh, phần lớn nhờ cách cư xử đúng đắn với dịch bệnh. Đỉnh dịch đã qua, không còn tình trạng xét nghiệm tràn lan, người nhiễm coi COVID-19 như bệnh cảm cúm thông thường, nhiều trường hợp không xét nghiệm, khai báo như trước.

Để đẩy lùi được COVID-19, có cả yếu tố địa lý khi Việt Nam thuộc khí hậu cận nhiệt đới gió mùa nóng ẩm ở phía Bắc, khí hậu nhiệt đới ở phía Nam. Bên cạnh đó, cơ địa cùng dòng gen của người Việt có sức đề kháng cao với virus các vùng khác. Hầu như ai cũng từng trải qua việc bị cảm cúm, cơ thể luôn có sức đề kháng cao với các bệnh nhiệt đới nhất là các bệnh có nguồn gốc từ virus.

Đặc biệt, cách ứng phó thực hiện "giãn cách xã hội" chuẩn bị đủ thời gian cho việc tiêm phủ vaccine, nâng cấp thiết bị y tế, năng lực xử lý của bệnh viện chứng minh được hiệu quả tích cực, góp phần làm dịch bệnh qua đi, nhịp sống trở lại bình thường.

Thế nhưng, vĩ thanh từ nỗi buồn vẫn còn đó. Các giám đốc CDC cứ lần lượt vào tù. Nỗi đau của gần ba vạn người chết tại TP HCM và các tỉnh phía Nam vẫn còn hiện hữu. Hình ảnh đau xót của dòng người chạy nạn "vạn lý hồi hương" năm ngoái xin đừng vội quên đi... Chúng ta còn nhiều việc phải làm hơn là mãn nguyện với các lời khen.

Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách "Zero COVID", việc đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu về nguyên vật liệu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến không ít doanh nghiệp.

Cuộc chiến Nga - Ukaraine chưa có dấu hiệu dừng lại, khủng hoảng năng lượng, lương thực sẽ tiếp tục đánh thẳng vào cuộc sống của người dân.

Dịch bệnh đã bóc trần những mảng khuất góc tối của ngành Y tế, bộc lộ những điểm yếu chết người trong công tác điều hành quản lý trật tự xã hội. Thật đúng là "chúng ta test COVID còn COVID test chúng ta".

Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ và lúc này khi nhận được đánh giá cao từ Nikkei Asia rất cần các nhà hoạch định chiến lược nhanh chóng tận dụng cơ hội, thu hút thêm đầu tư, phát triển thêm nội lực để nền kinh tế của Việt Nam thật sự "khoẻ", có khả năng chống chịu với những biến cố tương tự nếu xảy ra trong tương lai.

Theo Minh Tuấn

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên