MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thay lời cựu HS Chu 3 gửi đến thầy: "Cây hoa Đại trồng trước nhà Hiệu bộ, một bông hoa nay đã rụng trước thềm"

04-01-2018 - 15:31 PM | Sống

Chúng con, rất nhiều thế hệ học sinh sẽ nhớ mãi ký ức về một người thầy, một tượng đài của trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đã nhuốm màu trăm năm.

Chiều cuối năm, một người thầy đã lặng lẽ ra đi mãi mãi.

Con vẫn nhớ khi ấy mình chỉ là một cô bé học trường Chu Văn An cấp 2, nhưng danh tiếng về thầy đã trở thành một huyền thoại với tất cả những ai đã, đang và từng mơ ước là học sinh trường Bưởi.

Thầy nổi tiếng với cái uy của mình, sự nghiêm khắc đến "bá đạo" và những câu chuyện về thầy được "lũ quỷ học trò" truyền tai nhau từ nhà Hiệu bộ ra đến sân bóng, vòng qua những dãy nhà A, nhà C rồi đến căng tin… Chúng con, rất nhiều thế hệ học sinh Chu Văn An đã kể cho nhau nghe, nghe đi nghe lại, về một thầy Hiệu trưởng khiến ai nấy cũng phải khiếp sợ, về một người thầy có thể quát đến rung cửa kính các lớp nhà E nhưng mỗi chiều đi ngang qua sân trường vắng, thì sau lớp cửa treo bảng phòng Hiệu trưởng kia lại phát ra tiếng đàn piano trong trẻo được chơi bởi chính người thầy nghiêm nghị ấy.

Chúng con sẽ nhớ mãi, "có những hôm buổi chiều ở lại trực văn phòng Đoàn, con kê mấy chiếc ghế vào liền nhau rồi năm lăn ra ngủ trưa thì nghe tiếng thầy quát từ giữa sân vọng lại, chẳng biết thầy đuổi theo đứa nào hay đang giận chuyện gì, chỉ vừa nghe thầy nói to "cái H. đâu rồi" là hồn vía con tuốt lên mây, bật dậy chạy ra lon ton đi theo thầy kiểm tra đột xuất mấy lớp. Đến giờ nghĩ lại vẫn thót tim những lần thầy bắt từng lớp đứng phạt, nói đồng thanh một lời nhận lỗi nào đó quanh tượng đài cụ Chu Văn An dưới cái nắng chiều oi ả nơi sân trường." (Minh H. Lê – cựu học sinh THPT Chu Văn An)

Chúng con sẽ nhớ mãi, khi còn là những học sinh "trẻ trâu" chơi đốt pháo trong trường và phải "trình diện" trước thầy Hiệu trưởng, sau những lời dạy dỗ quen thuộc thì câu chuyện về hàng phi lao đã đi vào huyền thoại trong trí nhớ của biết bao thế hệ cựu học sinh chúng con.

"Có biết vì sao tự dưng rào sắt ven hồ đằng kia có hàng phi lao không? Chắc chắn là không biết rồi, ngày tôi đi học, đúng chỗ đấy là hàng cây phi lao. Sau này làm Hiệu trưởng trường này, tôi cho trồng lại mấy cây đấy giống hệt hồi xưa. Tôi cất công xây trường không phải để cho anh chị phá." (chia sẻ bởi V.Anh – cựu học sinh)

Thầy là như vậy đấy, bao nhiêu tình cảm và tâm huyết dành cho Chu Văn An, thì dù là bất kì ai, bất kì tổn hại nào có thể ảnh hưởng đến ngôi trường này, thầy sẽ dốc lòng "xù lông" ra để bảo vệ. Đừng hỏi vì sao sau nhiều năm ra trường, các cựu học sinh vẫn luôn tự hào và nhớ về Chu 3 như ngôi nhà của một thời thanh xuân. Hay những lứa học sinh mới, và rất nhiều các em học sinh cấp 2 ngoài kia đều có một tình cảm sâu sắc và niềm mơ ước lớn dành cho ngôi trường này đến vậy. Bởi Chu Văn An đã từng có một thầy Đại dẫn dắt và "truyền lửa" cho rất nhiều thế hệ giáo viên và học sinh nơi đây, là người thầy đã tạo nên những nét truyền thống và những cá tính riêng cho ngôi trường có tuổi đời hơn trăm năm này.

Chúng con thường nói với nhau, thầy giống như một vị vua chúa, rất thích đi "vi hành" kiểm tra khắp các dãy nhà, công việc này vốn là của các thầy cô giám thị. Nhưng với thầy Đại, sẽ thật "khó sống" cho những học sinh nào hết giờ học không về nhà mà còn "lang thang" trong trường hay lớp nào ra về mà không đóng kĩ cửa sổ. Bởi sự khó tính của thầy xuất phát từ tình yêu dành cho ngôi trường mình dày công xây dựng và vun đắp, ngay cả khi sau này thầy không còn là Hiệu trưởng của trường THPT Chu Văn An nữa.

Đa số cựu học sinh Chu 3 nhớ nhiều về sự nghiêm khắc của thầy Đại, nhưng ngẫm lại, chẳng phải sự nghiêm khắc đến "quân phiệt" đó đã giúp chúng ta cùng nhau lớn lên đó sao. Thầy "hung dữ" đến thế, nhưng đằng sau những câu nói "thét ra lửa" ấy là một giọng nói trầm ấm, ẩn sâu bên trong ánh mắt "bùng cháy" khi bắt phạt học sinh có lỗi ấy, là ánh mắt của một người cha, một nhà giáo đáng kính luôn âm thầm ủng hộ những ý tưởng "điên rồ" của "tụi con nít" chúng con. Cho chúng con vừa phải học đến "thừa sống thiếu chết" nhưng vẫn có cơ hội được sống hết mình với tuổi học trò, phải nghe theo trăm ngàn kỉ luật thép nhưng lại được "vẫy vùng" thoả sức thực hiện những đam mê nhen nhóm từ khi còn ở trong Ban chấp hành Đoàn.

"Con vô tình ở lại rất muộn ngày hè hôm ấy, bắt gặp bóng thầy đi chậm rãi khắp các hành lang lớp học, chạm tay vào từng gốc cây cổ thụ già. Thầy tâm sự gì với hàng cây ấy? Mấy tán lá xanh có rưng rưng khi tiễn ông giáo tóc bạc phơ ngày ông nói lời chia tay với tâm huyết cả đời mình? Con chưa từng thấy dáng hình nào liêu xiêu đến thế khi bước chân qua cổng, chỉ biết thương thầy và nhìn hàng cây trăm tuổi trên sân trường tự nhẩm bài thơ:

"Ngày ấy nắm rưng rưng trên lá

Đổ bóng xuống thầy thương lắm thầy ơi

Cả lũ cười toe nghiêng đầu chụp ảnh

Bóng lớn nào che hết bóng Thầy tôi" ... (Buổi cuối - Chu Minh Vũ)

"Cây hoa Đại trồng trước nhà Hiệu bộ năm nào cũng ra nhiều hoa trắng, chiều cuối năm nay, một bông hoa đã rụng trước thềm" - Mượn câu nói của một cựu học sinh như thay lời nhiều thế hệ học sinh chúng con sẽ nhớ mãi ký ức về nhà giáo, Tiến Sỹ Đinh Sỹ Đại, một tượng đài của trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đã nhuốm màu trăm năm.

Theo Phương Anh - Thiết kế BI

Trí thức trẻ

Trở lên trên