Thay vì áp dụng các bí kíp dạy con, cha mẹ nên duy trì sự gắn kết bằng cách hiểu cá tính, ưu khuyết điểm của trẻ: Hãy là động lực chứ đừng tạo áp lực cho tuổi thơ của con
Mối quan hệ của bạn và con được ví như chiếc bể nước chứa một điều kỳ diệu gọi là “tình yêu”. Nhưng bạn có biết cách để giữ cho bể nước luôn đầy? Mỗi đứa trẻ là một cá nhân với cá tính riêng biệt, cần được hiểu và dạy theo một cách thích hợp. Vậy ba mẹ cần phải làm gì?
- 26-12-2018Thất bại lớn nhất của cha mẹ: Chu cấp đầy đủ cho con cái nhưng lại không dạy lòng chúng biết ơn
- 25-12-2018"Làm giàu và có con nghèo": Triết lý đáng suy ngẫm của nền giáo dục Đức mà bất cứ cha mẹ nào cũng nên biết
Hiểu ưu-khuyết điểm của con để con phát triển tốt nhất
Theo lý thuyết DISC về bốn phạm trù thúc đẩy hành vi con người bao gồm: Dominant (thống trị); Influency (ảnh hưởng); Steady (điềm tĩnh); Compliant (nguyên tắc). Trong mỗi đứa trẻ thường sẽ tồn tại cả bốn đặc điểm trên nhưng phạm trù nào chiếm nhiều hơn sẽ ảnh hưởng tới tính cách của đứa trẻ như vậy. Và với mỗi phạm trù thì lại có ưu khuyết điểm riêng.
Gia đình chính là trường học đầu tiên của con trẻ vì vậy làm thế nào để có thể giúp con tận dụng điểm mạnh mà không phải lạm dụng chúng. Hay nói dễ hiểu là làm thế nào để quả quyết không thành vô cảm, nhiệt tình không biến thành lộn xộn hay tò mò không trở thành soi mói. Vì vậy cha mẹ hãy xem tính cách con có xu hướng gì để có các cách xử lý phù hợp.
Lắng nghe và thấu hiểu con
Cũng theo lý thuyết trên, trong mỗi con người sẽ luôn mang đủ bốn yếu tố, chỉ là yếu tố nào trội hơn sẽ quyết định tính cách đặc trưng của đứa trẻ. Ví dụ một đứa trẻ mang nét tính cách đặc trưng D sẽ thích được thử thách bản thân, thích trải nghiệm sự thay đổi mà mới mẻ, càng muốn được trò chuyện thẳng thắn về các vấn đề.
Còn trẻ mang tính cách I thì lại phóng khoáng, thích các hoạt động vui chơi và đôi khi bốc đồng nhưng cũng dễ dàng kết bạn với mọi người. Hay S thì thích sự thân thuộc, ổn định và đối xử chân thành với nhau còn C lại tỉ mỉ cận trọng, tuy có đôi khi ít nói nhưng trẻ mang tính cách này thiên về việc suy nghĩ và phân tích khi có tình huống xảy ra, trẻ thuộc nhóm này cũng thường ít khi bộc lộ cảm xúc ra ngoài và ít khi nói thẳng với mọi người.
Nhu cầu được lắng nghe luôn là một điều thiết yếu đối với trẻ và đối với từng trẻ mang tính cách khác nhau lại cần có cách trò chuyện phù hợp. Lắng nghe xem con muốn gì, con đang cần điều gì và khuyến khích con nói ra những suy nghĩ của mình. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng sẽ được hình thành nên thông qua chính những cuộc nói chuyện đó. Con sẽ thân thiết hơn với cha mẹ, sẽ có thể tin tưởng và chia sẻ thêm những câu chuyện của bản thân mình với cha mẹ.
Đây cũng là thói quen cần được nuôi dưỡng từ nhỏ bởi bạn không thể hy vọng một đứa trẻ không nói chuyện gì với ba mẹ suốt những năm tháng trẻ thơ đến tuổi dậy thì sẽ tìm tới ba mẹ tâm sự.
Nhưng cũng có những đứa trẻ độc lập, những đứa trẻ mang tính cách D theo lý thuyết DISC, những đứa trẻ ấy lại có xu hướng tự lập, giải quyết các vấn đề mà không cần nhờ tới sự trợ giúp của người khác, khi đó ba mẹ lại cần tạo cho con một khoảng không gian để tự mình đối mặt nhưng cũng đừng quên ở bên cạnh để hướng dẫn cho con.
Tạo cho con có một không gian tuổi thơ và tương tác cùng con
Cha mẹ thì muốn luôn muốn làm một cha mẹ tốt. Có những câu chuyện cha mẹ muốn con có một tương lai tốt đẹp hơn, đăng ký cho con học đủ các loại lớp năng khiếu, rồi học thêm… khiến không gian của con thu hẹp lại, tuổi thơ cũng chỉ còn là những kiến thức trên giấy. Con mệt mỏi và mất đi hứng thú với học hành, ngay cả mối quan hệ với ba mẹ cũng dần xa cách.
Đây cũng là một trong những hậu quả của việc chưa hiểu được mong muốn của con. Vì có đôi khi cha mẹ mang tính cách D muốn con có được thành công nhất định nhưng con trẻ lại chỉ muốn được vui chơi và xem trọng các mối quan hệ như nét tính cách I của mình.
Cho nên việc tạo ra một môi trường vừa có thể giúp con học tập được thêm nhiều điều mới nhưng cũng tạo được hứng thú cho con là vô cùng quan trọng. Cha mẹ cũng đừng quên tương tác cùng con để mối quan hệ càng thêm gắn bó.
Là động lực cho con
Làm cha mẹ có lẽ là công việc khó khăn nhất trong đời của mỗi người bởi đây là việc đòi hỏi sự chuyên tâm và dành cả đời mình. Nhưng làm cha mẹ, cũng chính là làm người lớn và người lớn thì thường có thói quen áp đặt kinh nghiệm của bản thân lên người khác, đặc biệt là con trẻ. Cho dù đôi khi điều đó hoàn toàn không phù hợp với đứa trẻ đó và đôi khi đem lại kết quả không mong muốn.
Bể nước đầy chỉ khi tình yêu vẹn tròn, đó là khi mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái được duy trì. Đó là khi bạn thấu hiểu con. Vì vậy hãy lắng nghe trẻ, hãy biết được ưu điểm và khuyết điểm của con để khuyến khích con phát triển, nhưng cũng đừng quên dành thời gian cho con và tạo cho con một không gian đuổi thơ đẹp đẽ. Hãy là những người luôn ở phía sau tiếp thêm động lực cho con trở thành chỗ dựa vững chắc để con có thể tin tưởng và tự tin tiến bước.
*Theo cuốn sách Bể nước tình yêu – Bốn loại tính cách trẻ em DISC, tác giả Yến Phụng