Thế giới đánh giá cao thành công số hóa truyền hình của VN
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, các tổ chức trong khu vực và thế giới đánh giá rất cao thành công của Việt Nam trong việc triển khai số hóa truyền hình.
- 02-03-2017Thị trường truyền hình theo yêu cầu tại Việt Nam dậy sóng
- 06-01-2017Truyền hình internet – công nghệ không chỉ dành cho những người trẻ
- 04-09-2016Thị trường anten, dây cáp ồ ạt “ăn theo” số hóa truyền hình
Việt Nam đi đầu về số hóa truyền hình trong khu vực
Trong khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tiến hành số hóa truyền hình mặt đất, với khoảng một nửa dân số cả nước hiện được xem các chương trình bằng loại hình truyền dẫn phát sóng (TDPS) này.
Các đại biểu tham gia tọa đàm tại hội thảo. Ảnh: T.B.
Thông tin trên được Thứ trưởng Phan Tâm công bố tại buổi Hội thảo - tọa đàm về kinh nghiệm và giải pháp triển khai số hóa truyền hình mặt đất, do Cục PTTH & TTĐT trực thuộc Bộ TT&TT tổ chức tại Hà Nội chiều nay, 21/3. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PTTH & TTĐT nhấn mạnh, sự kiện nhằm chia sẻ những khó khăn của các đài PTTH địa phương trong quá trình triển khai Đề án số hóa truyền hình VN đến năm 2020, làm rõ các mong muốn, cam kết của các doanh nghiệp TDPS khi tham gia thị trường cũng như xem xét điều chỉnh các định hướng, chính sách của Bộ TT&TT cho phù hợp với tình hình thực tế triển khai Đề án.
Báo cáo tại hội thảo, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ cho biết theo Quyết định 2451/QĐ-TTg, Đề án số hóa truyền hình được thực hiện theo 4 giai đoạn. Hiện nay, việc triển khai đã hoàn thành giai đoạn I và 8 tỉnh thuộc giai đoạn II. Các địa bàn đã thực hiện số hóa xong bao gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang. Theo ước tính, dân số thuộc địa bàn chuyển đổi theo giai đoạn I và một phần giai đoạn II chiếm gần 50% dân số cả nước.
Theo kế hoạch, 15 tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ sẽ thực hiện tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) từ ngày 1/7/2017. Dự kiến một số tỉnh thuộc nhóm III tại khu vực Nam Bộ gồm Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liệu, Cà Mau, Kiên Giang sẽ ngừng phát sóng analog từ ngày 31/12/2017.
Ông Đoàn Quang Hoan nói, hiện nay, trên cả nước có 3 đơn vị, doanh nghiệp TDPS phạm vi toàn quốc là VTV, VTC và AVG cùng 2 doanh nghiệp TDPS khu vực là RTB ở Bắc Bộ và SDTV ở Nam Nộ. Đối với các khu vực khác (Tây Bắc, Miền Trung, Tây Nguyên), tính tới thời điểm hiện tại chưa có DN triển khai dịch vụ TDPS truyền hình số mặt đất trên phạm vi khu vực. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ thực hiện số hóa truyền hình tại các khu vực này, Cục Tần số đề xuất 4 phương án phủ sóng truyền hình số mặt đất các kênh chương trình truyền hình thiết yếu của Trung ương và các kênh truyền hình thiết yếu của địa phương để các địa phương và doanh nghiệp TDPS có thể lựa chọn và phối hợp thực hiện.
Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để tháo gỡ vướng mắc
Hội thảo thu hút nhiều đại biểu trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình tham dự. Ảnh:T.B.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các đài PTTH địa phương đã thẳng thắn nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án, đặc biệt trong bối cảnh nguồn thu - chi ngân sách hạn hẹp. Đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT, tổ chức, doanh nghiệp TDPS cũng cố gắng giải đáp những vấn đề về kỹ thuật, tài chính ... trong thực hiện số hóa truyền hình mặt đất.
Đặc biệt, ông Cao Anh Minh, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM đã chia sẻ kinh nghiệm của đài trong triển khai số hóa truyền hình. Theo ông, một thách thức lớn bất kỳ đài nào khi mới tắt sóng analog cũng có thể gặp phải là phạm vi phủ sóng TH số ban đầu có thể bị thu hẹp, dẫn đến nguy cơ suy giảm doanh thu quảng cáo, giảm giá trị thương hiệu. Song, giải pháp của Đài Truyền hình TP HCM là đẩy nhanh phủ sóng số mặt đất trên toàn bộ địa bàn và mở rộng ra các tỉnh lân cận, đồng thời kết hợp quảng bá mạnh để người dân hiểu được truyền hình số mặt đất là gì và các lợi ích của nó thông qua các clip hài, tiểu phẩm tuyên truyền. Đài cũng kết hợp với các doanh nghiệp thực hiện các chương trình đổi TV thường sang TV số, tặng TV số cho người nghèo và xây dựng nhiều phương án để bù đắp lại vùng phủ sóng, đa dạng hóa phương thức truyền dẫn các kênh trên nhiều hạ tầng như số mặt đất, cáp, vệ tinh, Internet băng thông rộng, ...
Các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: T.B.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá: "Đề án số hóa truyền hình VN cho đến thời điểm này đã đi được một nửa chặng đường. Với nỗ lực, quyết tâm của tất cả chúng ta, đặc biệt là các địa phương, chúng ta đã đạt được các bước đầu rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, trước mắt, các địa phương vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cả về mặt kinh tế".
Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, để hoàn thành Đề án đúng tiến độ, chúng ta phải giải quyết đuợc 3 nhóm vấn đề chính liên quan đến việc lựa chọn hạ tầng TDPS (mặt đất, vệ tinh hay kết hợp), kinh phí cho cho TDPS và việc lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nào thực hiện TDPS. Trong đó, việc lựa chọn giải pháp TDPS phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, kỹ thuật của từng địa phương và hiện rất khó để có giải pháp chung cho tất cả. Thứ trưởng giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ gồm Cục Tần số, Cục PTTH & TTĐT và Vụ Kế hoạch - Tài chính cần phải có hướng dẫn phương pháp luận, để các đài địa phương căn cứ vào đó đánh giá và lựa chọn mô hình phù hợp.
Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình VN đã xác định nguyên tắc kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất (DTT) và truyền hình số qua vệ tinh (DTH) để đảm bảo tiến độ và hiệu quả phủ sóng, phù hợp với điều kiện thực tế đối với các địa bàn thuộc miền núi và hải đảo. Mỗi phương thức truyền hình (DTT và DTH) đều có những ưu, nhược điểm riêng, phù hợp với việc triển khai ở các điều kiện địa hình riêng. Việc kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất tại các địa bàn nằm trong vùng phủ của trạm phát chính và sử dụng truyền hình qua vệ tinh tại các địa bàn phủ sóng bằng các trạm phát lại để thực hiện số hóa là rất phù hợp với điều kiện địa hình của một số tỉnh nhóm II và phần lớn các tỉnh thuộc nhóm III, IV có địa bàn trung du, đồi núi. Các đài địa phương cần sớm khảo sát, đánh giá hiện trạng TDPS trên địa bàn của mình để có được lựa chọn cuối cùng.
Về kinh phí TDPS các kênh thiết yếu, Thứ trưởng nêu rõ, trách nhiệm chính vẫn thuộc về các địa phương. Do kinh phí hỗ trợ từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích có hạn nên các đài PTTH địa phương cần chủ động tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác.
Về vấn đề lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp thực hiện TDPS, Bộ đã tổng hợp, phân tích để các địa phương nắm rõ ưu, nhược điểm của họ. Sắp tới, Bộ sẽ có nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chính sách, cơ chế điều hành để các DN, tổ chức TDPS có thể cung cấp dịch vụ TDPS với chi phí thấp hơn nữa. Đối với các DN, tổ chức TDPS, Thứ trưởng yêu cầu cần phải tính toán lại đơn giá, căn cứ theo yêu cầu cụ thể của từng địa phương để đưa ra đơn giá phù hợp hơn, nhằm cung cấp dịch vụ lâu dài cho các địa phương. Lãnh đạo Bộ cũng đề nghị các địa phương khi xe xét lựa chọn DN, tổ chức TDPS cần cân nhắc đến lợi ích tổng thể, dài hạn để tối ưu hóa đầu tư xã hội.
"Kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng chỉ khi nào chúng ta có khả năng chuyển sang truyền hình số mặt đất phát quảng bá, chúng ta mới có thể cạnh tranh với truyền hình trả tiền, bổ sung, cung cấp nhiều kênh có các tính năng tương tác. Như đã nói, thị phần free-to-air của DTT vẫn chiếm tới 30 - 40% thị trường VN. Khi chúng ta chuyển sang số hóa TH, cơ sở hạ tầng, năng lượng, chi phí khai thác, bảo hành chắc chắn sẽ thấp hơn analog. Vì lợi ích của xã hội, chúng ta quyết tâm đẩy nhanh lộ trình số hóa TH. Để thể hiện quyết tâm này, đề nghị các đài qua nhận thức rõ hơn về lợi ích tổng thể, cần bắt tay với Ban chỉ đạo đầu tư suy nghĩ về các giải pháp. Các đơn vị của Bộ cũng cần lắng nghe các góp ý, tích cực đi thực tế hơn nữa và có các buổi làm việc chuyên sâu với các đài để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, hoàn thành Đề án theo đúng tiến độ", Thứ trưởng Phan Tâm kết luận.
Vietnamnet