Thế giới "đảo điên", Mỹ chính là "hầm trú bão"
Trái với bức tranh u ám mà ông Donald Trump vẫn hay vẽ ra trong các chiến dịch tranh cử, Mỹ một lần nữa lại trở thành cảng trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong một thế giới đầy giông bão.
- 08-07-2016"Bình yên trước cơn bão"
- 07-04-2015Đi tìm cấu trúc lý tưởng cho chỉ số S&P 500
Thị trường chứng khoán Mỹ đang ở mức cao gần kỷ lục và chỉ số Dow Jones đã tăng thêm 3.100 điểm kể từ mức đáy vào giữa tháng hai năm nay. Có một lý do chính đằng sau diễn biến tích cực trên của thị trường chứng khoán Mỹ. Đó là vì Mỹ dường như là nơi duy nhất ổn định giữa một thế giới hỗn loạn. Và nhà đầu tư đang bỏ tiền đặt cược vào sự an toàn đó.
Hãy thử điểm qua danh sách những “cơn đau đầu” mà thế giới đang phải đối mặt: sự bất an gây ra bởi Brexit, nợ xấu của các ngân hàng Châu Âu, giá dầu lao dốc, chính sách gây tranh cãi của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và những ký ức còn mới nguyên về sự lao dốc của chứng khoán Trung Quốc. Đấy là chưa kể đến cuộc đảo chính gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Còn nước nào có thể đứng vững? Chúng ta không phải là những người gặp rắc rối ít nhất. Chúng ta là những người vững vàng nhất”, David Kotok, giám đốc tài chính của Cumberland Advisors nhận định về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Một lý do khác thúc đẩy sự phục hồi của Phố Wall là nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn về tài sản để đầu tư trong thời điểm hiện tại. Và chứng khoán có triển vọng tốt hơn so với trái phiếu - loại tài sản có lợi tức đang ở mức gần như bằng 0.
Chỉ số S&P 500 đánh bại chỉ số Vanguard FTSE All-World ex-US ETF. (Nguồn: CNN)
Trả giá cao để đổi lấy an toàn
Nhờ những yếu tố trên, nhà đầu tư đang định giá chứng khoán Mỹ cao hơn nhiều so với các nước khác. Theo Yardeni Research, chỉ số MSCI của chứng khoán Mỹ đang được giao dịch với hệ số giá trên thu nhập P/E là 17,4 lần. Con số này chiếm được niềm tin của nhà đầu tư, hơn hẳn so với chứng khoán ở các nước khác như Anh (15,9), Eurozone (13,4) và Nhật Bản (13,1).
Gần đây hơn, dòng tiền đã bắt đầu đổ vào các thị trường mới nổi. Nhưng giá chứng khoán ở những nền kinh tế chưa trưởng thành này vẫn còn rẻ. Chỉ số thị trường mới nổi MSCI có hệ số P/E chỉ là 12. Chỉ số ETF thị trường mới nổi Vanguard FTSE thậm chí còn chưa trở lại mức trước khủng hoảng năm 2008, bất chấp đã phục hồi 12 % trong năm nay.
Vì thế ngay cả khi chứng khoán Mỹ đang đắt đỏ hơn, nhà đầu tư vẫn sẵn sàng móc hầu bao để đổi lấy sự ổn định.
Kinh tế Mỹ đang tốt hơn lời các chính trị gia nói
Chỉ mới vài tháng trước đó, nhiều người vẫn lo về một cuộc suy thoái sắp xảy ra ở Mỹ do tốc độ tăng trưởng kinh tế hồi đầu năm là rất thấp. Nhưng những nỗi lo này đã phai mờ đi trong vài tháng gần đây.
Mặc dù các chính trị gia đang ra sức gào thét rằng kinh tế Mỹ đang lầm đường lạc lối, trưởng bộ phận phân tích toàn cầu của JPMorgan Funds, David Kelly tin rằng các con số đang cho thấy một câu chuyện khác.
“Những bước tiến vững chắc trong nền kinh tế hiện nay đang tạo ra tăng trưởng ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp và thu nhập gia tăng. Điều này cho thấy đây vẫn là thời điểm tốt để đầu tư vào các tài sản có độ rủi ro cao”, Kelly nói.
Tuy nhiên, việc Mỹ chiếm được niềm tin của nhà đầu tư không phải là kéo dài mãi mãi. Nhiều chuyên gia cảnh bảo rằng thị trường chứng khoán Mỹ đang được định giá quá cao và có thể lao dốc trở lại nếu lợi nhuận của nhà đầu tư không được cải thiện.
Ngoài ra, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay có thể đẩy thị trường vào hỗn loạn một lần nữa. Cho đến nay, viễn cảnh Donald Trump làm ông chủ Nhà Trắng vẫn chưa làm các nhà đầu tư lo sợ. Đó là vì họ không nghĩ ông có khả năng giành chiến thắng hoặc cho rằng những chính sách rủi ro mà ông nói chỉ là để ru ngủ cử tri. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy ông Trump ngày càng được nhiều người ủng hộ. Vì thế, cuộc bầu cử tống thống năm nay vẫn sẽ là một rủi ro tiềm tàng cho thị trường.