MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới quan tâm tới chuỗi cung ứng Vonfram từ Việt Nam

20-04-2022 - 15:30 PM | Thị trường

Thế giới quan tâm tới chuỗi cung ứng Vonfram từ Việt Nam

Nhu cầu chuyển đổi công nghệ ô tô từ xăng sang điện và xung đột quân sự đang là những yếu tố chính, đẩy giá Vonfram lên cao.

Nhiều nhà sản xuất công nghiệp thế giới đang quan tâm tới chuỗi cung vonfram từ Việt Nam, khi nhận thấy công ty của Việt Nam đang dần trở thành một nhà cung cấp tích hợp hàng đầu thế giới về vật liệu tiến tiến công nghệ cao.

Căng thẳng nguồn cung

Phong tỏa nghiêm ngặt, một phần trọng tâm của chiến lược "zero Covid-19" mà Trung Quốc theo đuổi, đã khiến các hoạt động xuất nhập khẩu bị dừng đột ngột, gây gián đoạn chuỗi cung ứng vonfram toàn cầu.

Nguồn cung khan hiếm, hàng tồn kho ở mức thấp, khiến giá APT (quặng vonfram đã được xử lý và tách ra, dạng hóa học - ammonium paratungstate) giao ngay tại châu Âu luôn ở mức cao. Giá châu Âu đối với APT có hàm lượng vonfram trioxit 88,5% đã tăng gần 39% kể từ đầu năm 2021 lên mức 320-325 USD/mtu vào đầu tháng 12/2021, Báo cáo triển vọng của Argus Analytics ghi nhận.

Thị trường trong nhiều năm gần như không có thêm nguồn cung mới. Một thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới, Mỹ cùng châu Âu và Nhật Bản tiêu thụ khoảng 55% lượng wolfram nhưng chỉ sản xuất khoảng 5% tổng lượng cung thế giới.

Các nhà kinh doanh Mỹ đã không đợi đến lúc căng thẳng chuỗi cung và giá vonfram tăng cao mới ráo riết tìm kiếm nguồn cung ngoài Trung Quốc. Nước Mỹ có thể nhiều khoáng sản, nhưng không có mỏ vonfram. Năm 2013, EMC Metals, một công ty khai thác mỏ vonfram của Mỹ đã cố gắng mở mỏ Springer tại Neveda nhằm chia sẻ áp lực với các nhà sản xuất, chế tạo trong nước. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực tìm kiếm nguồn cung mới, chính phủ Mỹ mỗi năm vẫn phải nhập khẩu tới 40% vonfram từ Trung Quốc.

Trung Quốc đang giảm xuất khẩu vonfram vào thị trường Mỹ, một điểm được lưu ý trong Báo cáo Tổng kết Hàng hóa Khoáng sản năm 2019 của Cục Địa chất Hoa Kỳ (USGS).

Thế giới quan tâm tới chuỗi cung ứng Vonfram từ Việt Nam - Ảnh 1.

Hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm của MHT tại nhà máy chế biến sâu Vonfram Việt Nam

Ngành công nghiệp và quốc phòng thế giới cũng không thể trông cậy vào nguồn cung vonfram từ Nga, như một nguồn cung lớn để khỏa lấp được tình trạng thiếu vonfram. Chưa tính đến những tác động xung đột tại Ukraine hiện nay, nước Nga trong nhiều năm đã rất khó khăn trong duy trì vai trò "đối thủ cạnh tranh" của Trung Quốc về xuất khẩu vonfram ra thị trường thế giới.

Một nghiên cứu về chiến lược phát triển vonfram, được đăng tải trên tạp chí Tài nguyên, Bảo tồn & Tái chế của Mỹ, nhận định rằng 70% trữ lượng vonfram của Trung Quốc là scheelite, loại quặng có phẩm cấp thấp, khai thác tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm và chi phí vận hành cao hơn. Yếu tố này, có thể tiếp tục làm suy yếu khả năng cung cấp vonfram thô toàn cầu của Trung Quốc.

Các dự báo mới nhất đều dẫn đến căng thẳng nguồn cung không sớm chấm dứt. Các nhà sản xuất, kinh doanh vonfram trên thế giới đang đứng trước 2 lựa chọn: Tham gia vào nhóm các nước có mỏ vonfram để phát triển các bậc quặng, chế biến sản phẩm chất lượng cao phục vụ sản xuất toàn cầu, hoặc đầu tư phát triển các mỏ mới ở các nước tiềm năng khác để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong dài hạn.

Cung mới từ nhà cung cấp tích hợp hàng đầu thế giới

Thị trường vonfram trở lại đà tăng trưởng vào cuối năm ngoái, sau vài năm cung vượt cầu và giá thấp. Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN), sự phục hồi của kinh tế thế giới hậu Covid-19 và xung đột giữa Nga - Ukraine đã đẩy giá Vonfram tăng lên mức 350 USD/mtu, tăng 11% so với cuối 2021 và tăng 24% so với mức trung bình 2021.

Giá vonfram vẫn tiếp tục tăng thời gian tới, MASVN nhận xét. Công ty này cho rằng nhu cầu chuyển đổi công nghệ ô tô từ xăng sang điện và xung đột quân sự vẫn là những yếu tố chính, đẩy giá Vonfram lên cao. Thậm chí, vượt đỉnh lịch sử 450 USD/mtu đã được xác lập vào năm 2011 khi thế giới phục hồi sau khủng hoảng kinh tế 2008.

Dẫu vậy, quy mô thị trường vonfram toàn cầu tiếp tục phát triển, bất chấp mọi thách thách thức. Năm 2020, quy mô thị trường vonfram toàn cầu là 1775 triệu USD, dự kiến đạt 2361,6 triệu USD vào cuối năm 2027, với tốc độ CAGR là 4,2% trong giai đoạn 2021-2027, theo báo cáo công bố hồi tháng 1/2022 của 360 Research Reports, một công ty nghiên cứu thị trường khoáng sản, có trụ sở ở Maharashtra của Ấn Độ.

Thế giới quan tâm tới chuỗi cung ứng Vonfram từ Việt Nam - Ảnh 2.

Nhà máy chế biến khoáng sản tại mỏ đa kim Núi Pháo của Masan High-Tech Materials

Theo dữ liệu từ Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Việt Nam là quốc gia có trữ lượng vonfram cao thứ 3 thế giới với 95.000 tấn, sau Nga (400.000 tấn) và Trung Quốc (1,9 triệu tấn). Các sản phẩm của Tập đoàn Masan tại mỏ Núi Pháo đang dần được công nhận toàn cầu và là nhà cung cấp được các đối tác lớn trên thế giới ưa chuộng. Núi Pháo cũng là một trong những mỏ có trữ lượng vonfram đã được nhận diện lớn nhất thế giới (ngoài Trung Quốc), với 52,5 triệu tấn quặng WO3 phẩm cấp trung bình 0,21%.

Sản xuất dần trở lại bình thường, nhiều nhà sản xuất công nghiệp thế giới ngỏ ý muốn tham gia vào chuỗi cung vonfram từ Việt Nam, khi nhận thấy Masan High-Tech Materials (MHT) đang dần trở thành một nhà cung cấp tích hợp hàng đầu thế giới về vật liệu tiến tiến công nghệ cao. Một số nhà sản xuất của Mỹ còn cho rằng, nguồn cung của MHT không chỉ giúp thị trường Mỹ giảm bớt phụ thuộc vào vonfram Trung Quốc, còn tránh mức thuế nhập khẩu đắt đỏ áp lên các sản phẩm đến từ Trung Quốc, kể từ năm 2018 đến nay, với mức thuế 15%.

Thị phần ngoài Trung Quốc của MHT tăng lên từng năm, lớn hơn mức 40% được xác lập vào năm 2017, đưa công ty này trở thành nhà cung cấp lớn khoáng sản công nghiệp trọng điểm, gồm vonfram, florit và bismut.

Thời điểm này, MHT đang tập trung vào cả khai thác và chế biến sâu cả 4 dòng sản phẩm bao gồm Vonfram, Fluorit, Bismut và Đồng, để nâng cao giá trị khoáng sản. Năm 2020, Masan High-Tech Materials đã hoàn tất giao dịch mua lại Công ty H.C. Starck Tungsten Powders và thiết lập liên minh chiến lược với Mitsubishi Materials Corporation, một Tập đoàn của Nhật Bản, thông qua khoản đầu tư 90 triệu USD, tương ứng 10% cổ phần của MHT.

Thế giới quan tâm tới chuỗi cung ứng Vonfram từ Việt Nam - Ảnh 3.

Các sản phẩm Vonfram chế biến sâu của Masan High-Tech Materials

"Chúng tôi đang nghiên cứu, phát triển các vật liệu khoáng sản tiên tiến, đồng thời tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu ổn định và dài hạn phục vụ cho tái chế", ông Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc MHT, cho biết.

Đến thời điểm này, MHT đã tạo dựng được các tệp lớn khách hàng tại thị trường Mỹ và châu Âu, như ATI Tungsten Materials, sau này được Kennametal mua lại, và các dòng sản phẩm được khách hàng Mỹ đánh giá cao. "Vị thế của MHT trên thị trường vẫn chủ yếu dựa vào năng lực đổi mới sáng tạo, chuyên môn cao và công nghệ", ông Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc MHT, cho biết.

MHT đã khôn khéo tránh "cạnh tranh trực tiếp" với các nhà sản xuất Trung Quốc, thay vào đó là tạo ra một thị trường tiềm năng để trở thành nhà cung cấp bền vững, bảo đảm nguồn cung lâu dài cho các đối tác của mình. Thị trường đang dần phục hồi sau hai năm bùng phát dịch Covid-19, nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Để chia sẻ rủi ro, Núi Pháo một mặt đẩy mạnh xuất khẩu vonfram thành phẩm sang các thị trường lớn, mặt khác tiếp tục mở rộng thị phần ở các thị trường mới. Tất nhiên, Núi Pháo là mỏ đa kim, 4-5 dòng sản phẩm trên một thân quặng duy nhất, thử thách vẫn rất lớn cho chủ đầu tư và các chuyên gia của công ty. Nó đòi hỏi mức đầu tư lớn vào công nghệ và tài chính, cũng như kinh nghiệm quản trị.

https://cafef.vn/the-gioi-quan-tam-toi-chuoi-cung-ung-vonfram-tu-viet-nam-20220420135855385.chn

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên