MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới xử lý tả lợn châu Phi ra sao?

Chưa có trường hợp tả lợn châu Phi (ASF) lây sang người, nhưng nó đã làm lợn chết hàng loạt. Hiện tại chưa có vaccine để phòng ngừa, dịch này có thể gây ra hậu quả nặng nề cả trên thị trường nội địa và xuất khẩu.

Virus tả lợn châu Phi (ASF) rất khó bị tiêu diệt. Chúng có thể tồn tại trong thời gian dài kể cả khi thời tiết rất lạnh hoặc rất nóng, ngay cả trong các sản phẩm thịt lợn khô hoặc các sản phẩm từ lợn đã được chữa khỏi. Chủng được phát hiện ở Trung Quốc, tương tự như lợn nhiễm bệnh ở miền đông nước Nga năm 2017.

Tả lợn châu Phi bùng phát ở cả lợn nuôi và lợn rừng. Virus lây lan trực tiếp từ động vật sang động vật và gián tiếp thông qua các vật dụng nhiễm khuẩn do tiếp xúc với lợn bệnh, vết đốt của muỗi hoặc ve. Virus cũng dễ dàng xâm nhập vào chuỗi thức ăn thông qua chất thải thực phẩm hoặc nội tạng từ lợn bị nhiễm bệnh. Biểu đồ dưới đây cho thấy lợn có thể bị nhiễm bệnh như thế nào.

Thế giới xử lý tả lợn châu Phi ra sao? - Ảnh 1.

Thời gian ủ bệnh ASF trong khoảng từ 2 đến 10 ngày, tùy thuộc vào độ mạnh của virus. Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm luôn là điều cần thiết để đưa ra chẩn đoán xác định. Có thể nhận biết lợn bệnh thông qua một số triệu chứng lâm sàng, nhưng triệu chứng đôi khi trông giống như dịch tả thông thường: sốt, lợn bơ phờ, biếng ăn, da đỏ, tiêu chảy (có máu), nôn mửa, chảy máu, tím tái (da xanh) và hoại tử các bộ phận. Lợn nái có thể sảy thai khi bị nhiễm bệnh. Lợn cũng có thể bị đột tử.

Trung Quốc đã cấm vận chuyển lợn thịt từ các tỉnh bị nhiễm bệnh và các khu vực lân cận để ngăn chặn sự lây lan của ASF. Trung Quốc đã ban hành luật yêu cầu xe tải chở động vật sống phải được đăng ký và sử dụng hệ thống định vị, cấm hành vi cho lợn ăn thức ăn thừa và uống nước thải. Đồng thời luật cũng yêu cầu làm sạch và khử trùng phương tiện vận chuyển gia súc trở về từ nước ngoài, làm sạch và khử trùng các vật liệu được sử dụng khi săn bắn trong hoặc gần khu vực bị nhiễm bệnh.

Tương tự Trung Quốc, chính phủ Anh và hầu hết các quốc gia EU yêu cầu nông dân không cho lợn ăn thức ăn thừa và cả các sản phẩm từ chính loài lợn, tránh làm dịch bùng phát. Cảnh báo này được đưa ra sau khi nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào các nông trại ở Anh tăng lên mức báo động. Dịch này hiện đang lan rộng trong khu vực Đông Âu và Trung Âu. 

Đan Mạch đã có lệnh gia tăng tiền phạt đối với việc nhập khẩu phi pháp các sản phẩm từ vùng dịch, thậm chí còn xây hàng rào ở biên giới với Đức, ngăn lợn rừng xâm nhập gây bệnh.

Các chuyên gia an toàn sinh học dự báo dịch tả lợn châu Phi sẽ lan đến Mỹ trong vòng một năm tới. Trừ khi các biện pháp bảo vệ biên giới được thắt chặt, cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn. Nó được ước tính sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ 16,5 tỷ USD chỉ trong vòng một năm. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đang xem xét tăng cường bảo vệ biên giới.

Viện nghiên cứu sinh học Wageningen ở Lelystad, Hà Lan đã nghiên cứu và cho ra kết quả. Trong phòng ngừa và kiểm soát tả lợn châu Phi, có bốn bước quan trọng: ngăn chặn dịch xảy ra, hạn chế lây lan, theo dõi nhiễm trùng sớm, kiểm soát nhanh chóng và hiệu quả.

Thế giới xử lý tả lợn châu Phi ra sao? - Ảnh 2.

Cụ thể, đối với việc ngăn dịch xảy ra, cần cấm nhập khẩu thịt lợn từ châu Phi cũng như kiểm soát chặt chẽ các con đường tiểu ngạch mà người dân có thể mang thịt lợn với khối lượng nhỏ lẻ, khử trùng gia súc và xe chở gia súc. Nếu dịch không may xảy ra, cần hạn chế vận chuyển lợn giữa các trang trại, không săn bắn hoặc để lợn xuất hiện trong khu vực có dịch. Và đối với các vùng dịch, cần tiêu hủy ngay lợn bệnh đồng thời thắt chặt các biện pháp an toàn sinh học.

Nguyễn Thái Quỳnh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên