“Thế hệ sandwich”: Chuyện của những phụ nữ bị giằng xé giữa chăm lo gia đình nhỏ của mình và bổn phận báo hiếu với cha mẹ già
Thế hệ sandwich bị “kẹp” giữa trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già và nỗi lo lắng cho tổ ấm, con cái của riêng họ.
Thuật ngữ “thế hệ sandwich” xuất hiện lần đầu vào năm 1981, dùng để chỉ phụ nữ thuộc độ tuổi từ 30 đến 40, đang bị kẹt giữa việc chăm sóc gia đình nhỏ của mình và trách nhiệm đối với cha mẹ già. Trong khi những đứa trẻ càng lớn càng có nhiều nhu cầu hơn thì ông bà chúng cũng ngày một già đi, cần được chăm sóc kỹ lưỡng hơn. Tất cả trách nhiệm đề dồn hết lên vai của những người thuộc thế hệ sandwich. Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi, thế hệ sandwich mở rộng sang cả 2 giới tính, nữ vẫn chiếm phần đông, và độ tuổi của họ trải dài từ 40 đến 65.
Theo khảo sát của T. Rowe Price năm 2019, 30% phụ huynh có con nhỏ từ 8 đến 14 tuổi cần sự hỗ trợ về mặt tinh thần lẫn tài chính đồng thời cũng đang gồng gánh trách nhiệm chăm sóc bố mẹ già. Sự phát triển của xã hội kéo theo rất nhiều vấn đề, nổi bật nhất là sức khỏe. Trong lúc ông bà cụ phải đối mặt với bệnh già mãn tính thì tỷ lệ giới trẻ ngày nay mắc các căn bệnh tâm lý như trầm cảm, tự kỷ… cũng ngày càng tăng cao. Điều này cộng với nỗi lo vẫn làm chưa đủ cho những người mình yêu thương khiến thế hệ sandwich bị áp lực gấp 10 lần so với vài chục năm trước.
Cách đây vài năm, tờ Los Angeles Times từng đăng tải một vài mẩu chuyện của thế hệ sandwich khi họ trải lòng về những vất vả, khó khăn khi bị kẹp giữa 2 thế hệ khác. Trong đó Sue (tên đã được thay thế) đã kết hôn và sinh con nhưng vẫn phải lo lắng cho mẹ già 88 tuổi. Áp lực chăm sóc gia đình lớn đến nỗi nhiều lúc đẩy cô vào con đường bị trầm cảm.
Ngoài Sue thì mẹ cô còn có 2 người con khác nhưng họ quá bận rộn với cuộc sống riêng nên thỉnh thoảng chỉ có thể ghé thăm mẹ già được vài lần. Họ tin tưởng Sue có thể đảm đương tất cả nhưng không ai biết sự căng thẳng đang bóp chết cô từng ngày. Mẹ Sue mắc chứng mất trí nhớ nên luôn cần sự giúp đỡ của con cái mọi lúc mọi nơi. Bản thân Sue cũng không đủ khả năng tài chính và cũng không nỡ đưa mẹ mình vào viện dưỡng lão.
(Ảnh minh họa)
Theo ông Gary Small, bác sĩ tâm thần lão khoa và nguyên Giám đốc Trung tâm Lão hóa tại UCLA, trường hợp của Sue vô cùng phổ biến. Thông thường trong số các anh chị em sẽ có 1 người “được chọn” để nhận toàn bộ trách nhiệm chăm sóc cha mẹ. Ngoài tiền bạc, họ còn phải dành công sức và thời gian để lo lắng cho đấng sinh thành. Trong khi đó, những người còn lại chỉ hỗ trợ về mặt tài chính hoặc thỉnh thoảng ghé thăm để cổ vũ tinh thần.
Khảo sát cũng cho thấy, phụ nữ chiếm phần đông trong thế hệ sandwich, với tỷ lệ 3:1. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi phụ nữ được cho là tỉ mẩn và tận tụy hơn cánh mày râu. Ngoài việc chăm sóc cho con nhỏ, công việc khác như chuẩn bị thức ăn, thuốc uống, đưa cha mẹ đi khám bệnh, lau dọn nhà cửa… từ lâu đã là thế mạnh của phụ nữ. Đó là chưa kể giờ đây, họ còn tự đi làm và độc lập về tài chính.
Thống kê của Liên đoàn phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ thuộc thế hệ sandwich sẽ dành trung bình khoảng 18 năm để chăm sóc cha mẹ cũng như con cái của họ. Trên thế giới hiện có 2 triệu người phụ nữ như vậy.
(Ảnh minh họa)
Một câu chuyện khác là của Christy. Sau thời gian nỗ lực không ngừng nghỉ, gia đình cô quyết định đưa người cha 95 tuổi mắc bệnh Alzheimer vào viện dưỡng lão. Christy lại chuyển hướng sang chăm lo cho mẹ già bên cạnh. Dù có một người chị cả nhưng Christy vẫn cay đắng nhận hết mọi nghĩa vụ lo lắng cho thế hệ đi trước.
Giống như Christy, Ruth Bromberg, làm việc tại 1 tổ chức hỗ trợ quốc gia, là người lo lắng cho mẹ già tận đến khi bà qua đời dù có 2 anh chị em.
“Tôi không bao giờ quên được ngày hôm đó mẹ đã ngồi trên giường và nói: ‘Con đừng đi. Mẹ chỉ cảm thấy an toàn khi có con ở bên mà thôi’. Tôi đáp lại: ‘Mẹ ơi, con không thể lúc nào cũng có mặt ở đây. Mẹ có muốn con ly hôn không? Mẹ không muốn cho con gặp lũ trẻ, cháu ngoại của mẹ hay sao?’”. Ruth biết bản thân rất tàn nhẫn khi nói ra những lời cay đắng ấy nhưng sức chịu đựng của ai cũng có giới hạn, cô không phải ngoại lệ. Sau khi bị mẹ đuổi đi, Ruth trở về nhà với một tâm trạng cực kỳ nặng nề.
(Ảnh minh họa)
Đã rất nhiều lần Ruth gọi điện yêu cầu chị gái, khi đó đang sống ở tiểu bang khác, đến chăm sóc mẹ trong vài tuần. Nhưng lần nào cũng như lần nấy, chị cô luôn kiếm cớ để từ chối. Ruth không thể hiểu được, bởi chị gái không hề vướng bận chuyện chồng con trong khi cô có gia đình nhỏ cần phải chăm sóc thì lại phải lãnh hết mọi trách nhiệm.
Câu hỏi đặt ra là “Ai sẽ là người lo lắng cho thế hệ sandwich?”. Cả một ngày dành hết thời gian cho gia đình, cha mẹ và công việc, thế hệ sandwich thường quên mất nghĩa vụ chăm sóc đối với bản thân. Đáng buồn hơn, đây chính là điều mà họ cần làm nhất để giữ vững tinh thần và sức khỏe để lo lắng cho những người xung quanh.
Chăm sóc cùng lúc cho người già và trẻ con đòi hỏi một tinh thần thép lẫn sức khỏe vàng. Theo các chuyên gia, thế hệ sandwich cần có một chế độ ăn uống phù hợp, đảm bảo dưỡng chất cho cơ thể. Nếu cần giải tỏa cảm xúc, họ có thể tìm đến những người xung quanh hoặc chuyên gia tâm lý, tránh dồn nén cảm xúc trong lòng để một ngày bùng nổ thì tất cả mọi người đều có khả năng “bị thương”.
Thế hệ sandwich sẽ không bao giờ kết thúc mà nó là một vòng tròn khép kín. Những đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành thế hệ sandwich mới, nhận trách nhiệm chăm sóc lại cha mẹ chúng. Áp lực sẽ ngày càng tăng cao nên thế hệ này cần chuẩn bị tinh thần và sức khỏe trước khi bước vào cuộc chiến bị “kẹp giữa” 2 thế hệ.
(Nguồn: Tổng hợp)
Helino