MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế khó của ngành chăn nuôi heo

19-06-2022 - 16:23 PM | Thị trường

Thế khó của ngành chăn nuôi heo

Giá lúa mì - một trong những nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi là 10,3 USD/bushel, đậu tương là 17 USD/bushel, cao hơn lần lượt 56% và 22% so với cùng kỳ 2021.

Ngành chăn nuôi heo đang đối mặt với áp lực giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá heo hơi chỉ tăng nhẹ hoặc đi ngang, thậm chí có nơi giảm so với tháng 5.

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng

Báo cáo mới đây của VNDirect đề cập ngô, đậu tương, lúa mì là những thành phần quan trọng trong thức ăn chăn nuôi và chiếm lần lượt 55%, 25% và 10%.

Theo Trading Economics, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng. Giá ngô ngày 17/6 là 7,8 USD//bushel, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lúa mì là 10,3 USD/bushel, đậu tương là 17 USD/bushel, cao hơn lần lượt 56% và 22% so với cùng kỳ 2021.

Thế khó của ngành chăn nuôi heo - Ảnh 1.

Diễn biến giá lúa mì một năm qua. Ảnh: Trading economics.

Nguyên nhân giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng một phần đến từ sự sự gián đoạn thương mại do xung đột Nga và Ukraine. Bên cạnh đó ngày 13/5, Ấn Độ, nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, thông báo tạm thời cấm xuất khẩu lúa mì để đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước. 

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam trong tháng 5 tăng 53,7% so với tháng 4 và cũng tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 605,1 triệu USD. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sang các thị trường trong tháng 5 là 114,8 triệu USD, tăng 12,4% so với tháng 4. Như vậy, Việt Nam nhập siêu 490,3 triệu USD mặt hàng này trong tháng trước.

Trong tháng trước, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước đồng loạt tăng giá sản phẩm. Cụ thể, Công ty TNHH Jafta Comfeed Việt Nam - khu vực miền Nam (Jafta Việt Nam) ngày 20/5 thông báo sẽ tăng giá thức ăn chăn nuôi từ ngày 25/5 thêm 300 đồng/kg.

CTCP MNS Feed cũng thông báo sẽ chính thức tăng giá thức ăn chăn nuôi từ ngày 26/5. Cụ thể, giá tăng 400 đồng/kg đối với thức ăn cho lợn con Non – BZ (A21U21 và H21).

Công ty TNHH Sunjin Vina – chi nhánh Tiền Giang cũng thông báo tăng giá thức ăn gia súc, gia cầm từ ngày 27/5 với mức tăng 400 đồng/kg đối với thức ăn hỗn hợp lợn con và đậm đặc; tăng 300 đồng/kg với tất cả các sản phẩm còn lại.

Lý giải việc giá tăng, các doanh nghiệp cho biết giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên họ phải điều chỉnh cho phù hợp. Như vậy, từ đầu năm tới nay, giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh tăng 5 lần.Hiện tại, giá một bao thức ăn chăn nuôi cho heo ở mức 350.000 - 400.000 đồng/25 kg.

Giá heo tăng ở miền Bắc và đi ngang ở miền Nam, thậm chí giảm nhẹ

Ngày 17/6, giá heo hơi ở các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình là 57.000 đồng/kg, cao nhất cả nước. Bình Định thấp nhất với 51.000 đồng/kg.

Theo bản tin chăn nuôi của Công ty TNHH Sunjin Vina, giá heo hơi tại miền Bắc đầu tháng 6 chỉ nhích 1.000-3.000 đồng so tháng 5. Trong khi đó, tại miền Nam, giá heo hơi đi ngang ở mức 54.000 - 55.000 đồng/kg hoặc giảm khoảng 1.000 đồng/kg.

Thế khó của ngành chăn nuôi heo - Ảnh 2.

Diễn biến giá heo hơi tại miền Bắc và miền Nam. Nguồn: Sunjin Vina


Trong chăn nuôi heo, chi phí cho thức ăn chăn nuôi chiếm 50% giá vốn sản xuất thịt heo hơi nên giá nhóm mặt hàng này ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết với giá nguyên liệu thức ăn tăng cao hiện nay giá heo hơi hợp lý phải vào khoảng 60.000-65.000 đồng/kg. "Nếu tình trạng giá heo hơi và thức ăn chăn nuôi như hiện nay kéo dài người, chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn", ông Nguyễn Trí Công chia sẻ.
Thế khó của ngành chăn nuôi heo - Ảnh 3.

Cơ cấu chi phí giá vốn sản xuất thịt heo hơi. Nguồn: VNDirect Research


Theo ông Công, thị trường thịt heo trong nước cũng đang đối mặt với một vấn đề khác là thịt đông lạnh nhập khẩu giá thấp. Giá bán chân giò đông lanh khoảng 30.000 đồng/kg, các loại thịt khoảng 60.000-70.000 đồng/kg và ba rọi là 70.000 đồng/kg.

"Với giá rẻ này, hiện nay, các bếp ăn nhà hàng, quán tiêu thụ rất nhiều, nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức tiêu thụ tại chợ đầu mối", ông Công cho biết. Giá thịt nhập khẩu rẻ vì lượng hàng nhập tồn trước đây nhiều và việc tái xuất đi Trung Quốc gặp khó.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết trong những năm trước khi Covid-19 xảy ra, trung bình một ngày chợ đầu mối Tân Xuân, Hóc Môn tiêu thụ khoảng 6.000-7.000 con heo. Đặc biệt những ngày Tết hoặc lễ, lượng tiêu thụ 8.000-10.000 con.

Sau Covid-19, chợ Tân Xuân được mở cửa hoạt động bình thường nhưng lượng tiêu thụ trung bình hàng ngày chỉ ở 3.500-5.000 con và sức mua rất kém.

Lãnh đạo Hiệp hội cho biết, sắp tới hiệp hội sẽ liên lạc với chợ đầu mối  Hà Nam để có thêm thông tin cụ thể hàng ngày để nắm tình hình và có giải pháp.

Theo Đỗ Lan

NĐH

Trở lên trên