MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế lực ô tô điện mạnh nhất thế giới chọn xong ‘bàn đạp’ để chinh phục thị trường Đông Nam Á – không phải Việt Nam

02-11-2022 - 12:03 PM | Thị trường

Thái Lan - được coi là Detroit của châu Á - chính là nơi được các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc chọn để thử nghiệm thị trường nhằm tiến sâu hơn vào khu vực Đông Nam Á.

Những ngày cuối tháng 10, trong khuôn khổ triển lãm Paris hoa lệ, hàng loạt các nhà sản xuất Trung Quốc đem trưng bày các mẫu xe điện tiên tiến nhất của mình với mong muốn vượt mặt các thương hiệu tiếng tăm thì cách đó nửa vòng Trái Đất, một cuộc cách mạng tương tự đang diễn ra ở Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan – nơi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đối đầu với các “tượng đài” từ Nhật Bản.

Detroit của châu Á

Vào tháng 9, nhà sản xuất ô tô điện và hybrid lớn nhất Trung Quốc là BYD đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ô tô chạy điện đầu tiên bên ngoài Trung Quốc tại Rayong, một thành phố ven biển phía đông nam Bangkok.

Vài ngày trước, chiếc ô tô chạy pin thứ 10.000 đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất của Great Wall Motor tại cùng thị trấn trong khi Hozon new Energy Automobile có trụ sở tại Thượng Hải đã khai trương showroom đầu tiên ở Thái Lan tại Central Rama 2 mall.

Thế lực ô tô điện mạnh nhất thế giới chọn xong ‘bàn đạp’ để chinh phục thị trường Đông Nam Á – không phải Việt Nam - Ảnh 1.

Xuất khẩu xe điện từ Trung Quốc sang Thái Lan tăng 176% mỗi năm (số liệu Bloomberg, tính từ tháng 1 đến tháng 9).

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc không chỉ thiết lập cửa hàng và xây dựng chuỗi cung ứng, họ cũng xuất khẩu một lượng kỷ lục các mẫu xe sử dụng năng lượng mới sang Thái Lan. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9, khoảng 59.375 xe đã cập bến thị trường này, tăng 176% so với cùng kỳ năm 2021, theo Hiệp hội Ô tô Trung Quốc. Thái Lan hiện đứng thứ 3 như một điểm đến cho xe điện Trung Quốc, sau Bỉ và Anh.

Một trong những lý do khiến Thái Lan được chọn làm “bàn đạp” để các thương hiệu này xâm nhập thị trường Đông Nam Á đến từ danh tiếng của họ. Đây chính là trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á, thứ 10 thế giới, được mệnh danh là “Detroit của châu Á”. Chuỗi cung ứng toàn diện tại đây cung cấp tất cả những gì các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trước đây cần để sản xuất xe sử dụng động cơ đốt trong.

Hồi tháng 2, Thái Lan cũng là quốc gia đầu tiên trong khu vực công bố trợ giá trực tiếp – lên tới 150.000 baht (4.000 USD) cho xe điện chở khách. Chính phủ cũng cân nhắc các khoản trợ cấp pin để giảm hơn nữa chi phí sản xuất – động thái có thể giúp các nhà sản xuất tham gia thị trường này giảm được 43 tỷ baht tiền thuế.

Ô tô chạy điện Trung Quốc khi gia nhập thị trường này cũng được miễn hầu hết thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cho đến năm 2023. Đổi lại, các nhà sản xuất ô tô phải cam kết sản xuất xe tại đây từ năm 2024. Thái Lan cho biết họ muốn 30% tổng sản lượng ô tô bán ra phải là ô tô điện cho đến năm 2030.

“Các chính sách của chúng tôi cho thấy chúng tôi quyết tâm trở thành một trung tâm sản xuất xe điện toàn cầu như thế nào”, Narit Therdsteerasukdi- Tổng thư ký Hội đồng Đầu tư Thái Lan cho biết.

Xe điện Trung Quốc muốn chiếm ưu thế của “kẻ tiên phong”...

“Giai đoạn 2024-2025 sẽ là thời điểm các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tăng xuất khẩu xe điện sang Thái Lan và thử nghiệm thị trường”, nhà phân tích Allen Tom Abraham của BloombergNEF nhận định. Hiện tại, Trung Quốc là một trong những quốc gia thúc đấy phát triển xe điện mạnh nhất thế giới. Bối cảnh đó giúp các nhà sản xuất liên tục cho ra các mẫu mới, dịch vụ công nghệ cao. Các mẫu xe đẹp, giá rẻ này đang từng bước xâm nhập các thị trường từng bị thống trị bởi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và phương Tây.

Thế lực ô tô điện mạnh nhất thế giới chọn xong ‘bàn đạp’ để chinh phục thị trường Đông Nam Á – không phải Việt Nam - Ảnh 2.

Xuất khẩu xe điện Trung Quốc qua các năm.

“Ban đầu, tôi không quá chắc chắn về ô tô điện Trung Quốc vì nhận thức tiêu cực về các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất”, Thanakrit Dussadeeponphat, người mua một chiếc Ora Good Cat EV từ Great Wall Motor vào tháng 10 năm ngoái cho biết. “Nhưng tôi đã yêu thiết kế của nó. Vì vậy, tôi tìm hiểu và nghĩ rằng nó đáng để thử”, anh nói rằng chiếc xe đã vượt qua kỳ vọng của bản thân.

Thanakrit hiện điều hành một nhóm Facebook, Ora Good Cat Thailand, có hơn 92.000 thành viên. Nhóm này đầy ắp hình ảnh về chuyến đi của các thành viên, các chủ đề về vấn đề kỹ thuật và bảo trì.

Theo dữ liệu đăng ký mới của Sở Giao thông Vận tải Thái Lan, chiếc xe mang phong cách hoài cổ với đèn pha hình củ ấu đã trở thành mẫu EV bán chạy số một Thái Lan trong năm nay. Nó có giá từ 763.000 baht (504 triệu đồng) – đắt hơn ở Trung Quốc nhưng trẻ hơn so với các mẫu EV từ Nhật Bản.

Hozon Auto cũng tung một mẫu xe có tên Neta V trị giá 549.000 baht (363 triệu đồng) vào tháng 9. Chiếc xe này có trợ lý giọng nói AI, ứng dụng TikTok tích hợp sẵn và nhận hơn 5.000 đơn đặt hàng cho đến nay. Theo Kasikorn, thị phần của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tại Thái Lan sẽ tăng từ 58 lên khoảng 80% trong năm nay.

Thế lực ô tô điện mạnh nhất thế giới chọn xong ‘bàn đạp’ để chinh phục thị trường Đông Nam Á – không phải Việt Nam - Ảnh 3.

Chiếc Neta V sử dụng tay lái nghịch dành cho thị trường Thái Lan.

“Đối với chúng tôi, đây là năm để vươn ra toàn cầu và Thái Lan là điểm dừng chân đầu tiên”, người phát ngôn của Hozon Auto cho biết. “Đây là thị trường tiềm năng cao, việc đặt nền móng sớm có thể mang cho chúng tôi lợi thế của người đi trước. Người tiêu dùng Thái Lan cũng dẫ dàng tiếp nhận các thương hiệu Trung Quốc vì sự tương đồng về địa lý và văn hoá”.

Mặc dù thị trường xe điện của Thái Lan còn non trẻ, nhưng nhu cầu của khu vực sẽ tăng mạnh. Với khoảng 675 triệu dân, doanh số bán xe EV tại Đông Nam Á sẽ tăng từ mức chỉ 31.000 trong năm nay lên 2,7 triệu xe trong năm 2040, theo Bloomberg.

... nhưng cuộc đua mới chỉ bắt đầu

Các ông lớn của Nhật Bản như Toyota rõ ràng đang cảm thấy áp lực khi phải tham gia trò chơi “đuổi bắt”. Công ty hiện chiếm khoảng 1/3 doanh số thị trường Thái Lan có kế hoạch tung mẫu EV đầu tiên vào cuối năm nay.

Thế lực ô tô điện mạnh nhất thế giới chọn xong ‘bàn đạp’ để chinh phục thị trường Đông Nam Á – không phải Việt Nam - Ảnh 4.

Ước tính doanh số xe điện tại thị trường Đông Nam Á giai đoạn 2022-2030.

“Thái Lan là một trung tâm quan trọng cho sự phát triển, sản xuất và xuất khẩu của chúng tôi ở châu Á. Chúng tôi đã ở đó trong 60 năm”, Toyota cho biết trong một tuyên bố. “Toyota muốn cung cấp hàng loạt các mẫu xe mới với múc tiêu hướng tới xã hội trung hoà carbon. Chúng tôi tự tin vào việc duy trì và mở rộng thị phần của mình”.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc còn 1 chặng đường dài phía trước. Tại Thái Lan, 5 nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chiếm gần 80% thị phần. Để cạnh tranh, các thương hiệu Trung Quốc cần xây dựng mạng lưới bán hàng và dịch vụ từ đầu, cùng với đó là sự tin tưởng của người dùng. Điều này có thể mất hàng thập kỷ.

“Còn quá sớm để nói liệu các thương hiệu Trung Quốc có thể thống trị hay không”, Abraham của Bloomberg NEF nói. “Các nhà sản xuất Nhật Bản đang chờ đợi quy mô thị trường đủ lớn trước khi họ tham gia vào lĩnh vực xe điện”.

Chiếc SUV điện Atto 3 của BYD đã được bán tại Thái Lan trong tuần này và Tesla cũng đang mở rộng sự hiện diện với một đợt tuyển dụng tại Bangkok.

“Triển lãm Ô tô Quốc tế của chúng tôi vào cuối năm sẽ rất nóng”, ông Narit nói. “Các thương hiệu mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây sẽ tung ra các mẫu xe mới, so sánh các mẫu xe điện với nhau”.

Đức Nam

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên