MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm 10 phút đăng đàn, Thống đốc đã thuyết phục các đại biểu về xử lý nợ xấu thế nào?

12-06-2017 - 17:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, nghị quyết không đặt ra bất kỳ đặc quyền hay ưu ái nào cho TCTD.

Hôm nay 12/6, trong buổi thảo luận vòng 2 về nợ xấu, đã có 17 đại biểu có ý kiến, 1 đại biểu tham gia tranh luận, nhìn chung các đại biểu đã tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu sửa đổi dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu.

Với 10 phút cuối cùng của buổi thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đăng đàn để giải trình ý kiến của các đại biểu.

Theo Thống đốc, mục tiêu của tờ trình về dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu để Quốc hội xem xét thông qua là do việc xử lý nợ xấu thời gian qua không đạt được kết quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân, trong đó có các khó khăn bất cập về pháp lý, nhiều vấn đề pháp luật chưa quy định, có vấn đề pháp luật đã có nhưng không phù hợp thực tiễn và không khả thi. Trên cơ sở rà soát, đánh giá những khó khăn vướng mắc, bất cập Chính phủ đã thống nhất trình lên Quốc hội ban hành nghị quyết với các nội dung chủ yếu nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu.

Việc ban hành nghị quyết này, theo Thống đốc, là không sửa các luật khác mà được áp dụng như một văn bản chuyên ngành nhằm khắc phục bất cập của pháp luật hiện hành về xử lý nợ xấu.

Cơ quan soạn thảo thấy rằng nghị quyết không đặt ra bất kỳ đặc quyền hay ưu ái nào cho TCTD. Như WB nhiều lần khuyến nghị pháp luật Việt Nam cần tăng cường hơn nữa quyền bên cho vay, cho nên các vấn đề trong dự thảo đã thể hiện bên cạnh quyền hợp pháp chính đáng của bên cho vay đang được thực thi cũng cần được bảo vệ.

Theo thống đốc việc xử lý nợ xấu sẽ giúp giảm bớt chi phí, qua đó sẽ giảm lãi suất, giúp việc tiếp cận vốn của nền kinh tế tốt hơn, giúp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của TCTD và người gửi tiền.

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, Chính phủ nghiêm túc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên trong quá trình xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo thì TCTD phải trích lập dự phòng, khi yêu cầu TCTD phải dùng thu nhập để tăng trích lập dự phòng thì sẽ ảnh hưởng đến phần thuế của DN, và khi tăng trích lập dự phòng thì còn ảnh hưởng đến cổ tức nộp ngân sách Nhà nước. Như vậy là ngân sách đã gián tiếp hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ xấu.

Một vấn đề nữa, theo thống đốc đã bổ sung rõ ràng về định nghĩa nợ xấu, cả khái niệm định tính, định lượng rõ ràng, làm rõ khái niệm, phạm vi nợ xấu trong dự thảo phụ lục. Trong quá trình triển khai nếu cần sửa đổi phụ lục về khái niệm xử lý nợ xấu thì sẽ xin ý kiến Quốc hội.

Về phạm vi xử lý nợ xấu, theo Thống đốc, việc áp dụng với các khoản nợ cũ và nợ phát sinh khi áp dụng nghị quyết là rất cần thiết, vì nợ xấu luôn tiềm ẩn, phát sinh, song hành cùng hoạt động tín dụng. Trong điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu thì hàng năm nợ xấu vẫn phát sinh thêm 1,3-1,5% trên tổng dư nợ do các nguyên nhân khách quan, chủ quan. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mỗi năm 16% thì dự kiến 5 năm tới sẽ phát sinh thêm nợ xấu khoảng 350 nghìn tỷ đồng. Để duy trì mục tiêu nợ xấu dưới 3% trong 5 năm tới thì mỗi năm phải xử lý gần 130 nghìn tỷ (trong tổng hơn 600 nghìn tỷ). Như vậy nếu chỉ xử lý nợ xấu cũ thì số nợ xấu mới phát sinh sẽ tiếp tục gặp vướng mắc về cơ chế.

Hơn nữa, theo Thống đốc, nếu nợ xấu được khoanh đến 31/12 được xử lý theo Nghị quyết mà những khoản nợ tiếp theo được xử lý theo luật hiện hành thì sẽ rất bất cập, vì thế Thống đốc mong đại biểu Quốc hội xem xét.

Về tài sản đảm bảo, theo người đứng đầu ngành ngân hàng, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, việc thu giữ tài sản sẽ tuân thủ nguyên tắc không liên quan đến các tài sản đảm bảo có tranh chấp hoặc liên quan các vụ án hình sự.

Còn các vấn đề liên quan đến hành vi vi phạm thì hiện đã có các quy định rõ ràng trong trong việc xử lý vi phạm.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu về việc đánh giá kết quả của nghị quyết sau khi thực hiện thế nào, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ, đến 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn xuống dưới 3%. Để đảm bảo mục tiêu này, sau khi nghị quyết được ban hành, NHNN sẽ kiên quyết áp dụng các biện pháp quyết liệt theo mục tiêu này. NHNN cũng sẽ lấy trách nhiệm của mình để thực hiện đồng bộ các biện pháp, đặc biệt là chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt để đảm bảo tăng trưởng vĩ mô, nâng cao năng lực của TCTD và kỷ cương hoạt động tín dụng, đặc biệt là cho vay.

NHNN cũng sẽ trình đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đối với tất cả các TCTD. Sau khi được phê duyệt, NHNN sẽ chỉ đạo từng TCTD thực hiện. Với những biện pháp này, NHNN tin rằng sẽ kiểm soát được nợ xấu, chi phí tài chính qua đó sẽ giảm, chi phí với nền kinh tế tức là lãi suất sẽ giảm đi, hệ số an toàn vốn cũng sẽ tăng lên.

Phát biểu kết thúc phiên họp hôm nay, liên quan đến 2 phương án về phạm vi xử lý nợ xấu, phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết sẽ gửi phiếu đến các đại biểu để đại biểu cho ý kiến.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên