MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm một năm đầy “giông tố”, hàng loạt sếp ngân hàng ra trước vành móng ngựa

21-12-2017 - 08:30 AM | Tài chính - ngân hàng

Từ nguyên lãnh đạo cấp cao Ngân hàng Nhà nước đến Chủ tịch HĐQT ngân hàng đều lần lượt phải đứng trước vành móng ngựa vì những sai lầm trong quá khứ...

Có thể nói, quá trình “thanh lọc” ngành ngân hàng chưa bao giờ được tiến hành một cách quyết liệt và gắt gao như hiện nay. Nối tiếp năm 2016, trong năm 2017, tiếp tục có thêm hàng loạt các lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng phải hầu toà liên quan đến những chính sách, điều hành sai lầm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng của mình trong quá khứ.

Khởi tố nguyên Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình

Một trong những quyết định gây rúng động ngành ngân hàng trong năm qua chính là việc khởi tố một cựu lãnh đạo cao cấp của chính Cơ quan điều hành – Ngân hàng Nhà nước.

Ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Cụ thể, ngày 8/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình (63 tuổi), nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cựu Phó thống đốc NHNN bị khởi tố vì liên quan đến "đại án" kinh tế Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Bình.

Ông Bình có thâm niên hơn 30 năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng. Tháng 5-2005, ông Bình được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trước khi giữ cương vị Phó Thống đốc, ông Bình làm Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo của ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra, ông Bình từng giữ các cương vị như: Vụ trưởng vụ Các định chế tài chính từ năm 1994; năm 1997 chuyển sang làm Vụ trưởng vụ Pháp chế; năm 2002 là Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ của ngân hàng Nhà nước.

Khởi tố 25 bị can, bắt 16 đối tượng trong vụ án tại 4 ngân hàng

Trong khi đó, một vụ án nghiêm trọng không kém khác cũng vừa được phanh phui xảy ra tại 4 ngân hàng bao gồm Ngân hàng TPBank, Sacombank, BIDV và Ngân hàng Xây dựng.

Ông Trầm Bê

Theo đó, căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, ngày 31/7/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với 25 đối tượng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự và ra lệnh bắt tạm giam đối với 16 bị can.

Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, trong đó có bị can Trầm Bê, sinh năm 1959, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank; bị can Phan Huy Khang, sinh năm 1973, nguyên Tổng giám đốc Sacombank.

Truy tố nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Nam Việt

“Sức nóng” của vụ án liên quan tới “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như được khởi tố từ năm 2011 đến nay dường như vẫn chưa có dấu hiệu giảm khi mới đây, hàng loạt cán bộ ngân hàng tiếp tục bị truy tố liên quan đến vụ án này.

Ông Lê Quang Trí, nguyên Tổng giám đốc Navibank

Cụ thể, ngày 11/12, Viện KSND tối cao cho biết cơ quan này đã hoàn tất cáo trạng truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị can bị truy tố gồm: Lê Quang Trí (sinh năm 1967, nguyên Tổng giám đốc), Cao Kim Sơn Cương (sinh năm 1967), Nguyễn Giang Nam (sinh năm 1971), Nguyễn Hồng Sơn (sinh năm 1974, cả 3 cùng là nguyên Phó Tổng Giám đốc), Trần Thanh Bình (sinh năm 1980, nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng), Phạm Thị Thu Hiền (sinh năm 1968, nguyên Trưởng phòng Pháp chế), Nguyễn Ngọc Oanh (sinh năm 1979, nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro), Đinh Thị Đoan Trang (sinh năm 1977, nguyên Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng), Đoàn Đăng Luật (sinh năm 1978,nguyên Trưởng phòng Kinh doanh tiền tệ); Huỳnh Vĩnh Phát (sinh năm 1974, nguyên Trưởng phòng Kế toán).

Theo cáo trạng, từ ngày 19/11/2010 – 27/5/2011, dưới sự chủ trì của Trí, các thành viên Hội đồng tín dụng của Navibank đã chấp thuận chủ trương để các nhân viên Navibank đứng tên hợp đồng vay hơn 1.500 tỷ đồng của chính Navibank đem gửi vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TPHCM.

Sau khi thông qua chủ trương, các bị can kể trên đã làm hợp đồng tín dụng cho nhân viên vay tiền, tờ trình thẩm định vay vốn, đề xuất cho vay, thực hiện giải ngân, hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè trong cùng ngày 27/5/2011.

Tháng 7/2011, VietinBank chi nhánh Nhà Bè quyết toán cho Navibank hơn 1.000 tỷ đồng, còn 500 tỷ đồng chưa đến hạn quyết toán. Số tiền này được gửi vào VietinBank chi nhánh TPHCM bằng 18 hợp đồng. Ngày 7/9/2011, Huyền Như đã tất toán 12 hợp đồng với tổng số tiền 300 tỷ đồng, còn 200 tỷ đồng còn lại đã bị Như chiếm đoạt.

Cơ quan điều tra nhận định việc các bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Navibank gửi tiền vào VietinBank vi phạm các quy định pháp luật, tạo điều kiện để Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng.

Truy tố cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng MHB gây thiệt hại hơn 450 tỷ

Ngày 16/10, VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) Huỳnh Nam Dũng và 16 đồng phạm về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong số những người bị truy tố cùng ông Dũng có cựu Tổng giám đốc MHB Nguyễn Phước Hòa, cựu Phó tổng giám đốc MHB Bùi Thành Hưng và cựu Kế toán trưởng Nguyễn Văn Thanh.

Kết quả điều tra xác định, giai đoạn 2011-2014, lợi dụng chức vụ quyền hạn, ông Dũng và Hòa đã thống nhất chủ trương chuyển 4.975 tỷ đồng cho Công ty cổ phần chứng khoán MHB - MHBS với nội dung hợp tác đầu tư trái phiếu chính phủ. Nhưng thực chất, MHBS đã sử dụng 3.357 tỷ đồng đem gửi có kỳ hạn ngay tại các chi nhánh của MHB để hưởng lãi suất hơn 45 tỷ đồng.

MHBS sử dụng 1.558 tỷ đồng để đầu tư trái phiếu, trong đó chi hơn 966 tỷ đồng để ký các hợp tác đầu tư môi giới, mua bán trái phiếu chính phủ của chính ngân hàng MHB thông qua một số công ty trung gian. Qua việc này, các công ty trung gian và MHBS được hưởng lợi, dẫn đến gây thiệt hại cho ngân hàng MHB hơn 349 tỷ đồng.

Khởi tố 6 bị can, nguyên lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đại Tín gây thiệt hại hơn 470 tỷ đồng

Mở rộng điều tra sai phạm xảy ra tại ngân hàng Đại Tín liên quan đến bị án Phạm Công Danh, cơ quan tố tụng tiếp tục khởi tố thêm 6 bị can nguyên là cán bộ lãnh đạo của ngân hàng Đại Tín (Trustbank).

Cụ thể, ngày 19/12, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an đã tống đạt các lệnh khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét đối với 6 bị can nguyên là lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank).

Trong đó, Lâm Hồng Trinh, Đỗ Hoàng Linh và Ngô Trí Đức đều nguyên là Phó tổng giám đốc TrustBank. Các bị can còn lại là Hồ Trọng Thắng (nguyên trưởng phòng quản lý tín dụng), Trần Thị Hồng Phương (nguyên giám đốc khối kế toán), Phạm Thị Quỳnh Ngân (nguyên trưởng phòng pháp chế).

6 người này bị cáo buộc để xảy ra sai phạm, giải ngân trái phép hai khoản vay cho ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh) gây thiệt hại hơn 470 tỷ đồng.

Nguyên Tổng giám đốc Oceanbank nhận án tử hình, cựu Chủ tịch HĐQT lãnh án chung thân

Một trong những vụ án tốn nhiều giấy mực báo giới nhất năm 2017 chính là phiên toà xét xử đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng Đại Dương – Oceanbank với con số bị cáo lên tới 51 người, trong đó có 7 bị cáo bị tạm giam và 44 bị cáo được tại ngoại.

Phiên tòa cũng giữ kỷ lục về số lượng người tham gia tố tụng từ trước đến nay, lên tới 727 người (bao gồm các nhân chứng, giám định viên, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…).

Sau khoảng thời gian hơn 1 tháng xét xử và nghị án, ngày 29/9/2017, Tòa án Nhân dân Tp Hà Nội đã đưa ra phán quyết cấp sơ thẩm đổi với Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Nguyễn Xuân Sơn – cựu TGĐ Oceanbank và các cựu cán bộ ngân hàng, cựu giám đốc chi nhánh phòng giao dịch của Oceanbank, cựu lãnh đạo Công ty BSC, Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn.

Bị cáo Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch Oceanbank

Theo đó, Hà Văn Thắm bị kết tội với 4 tội danh bao gồm “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản”; “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, cựu Chủ tịch Oceanbank nhận hình phạt chung thân.

Trong khi đó, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn cũng bị kết tội ba tội danh bao gồm “Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản”; “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, bị cáo Sơn nhận mức án cao nhất là tử hình.

Nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Minh Thu nhận án 22 năm tù giam trong khi nguyên Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hoàn cũng nhận 22 năm tù giam.

Các giám đốc khối nhận án từ 3 đến 4 năm tù trong khi giám đốc các chi nhánh nhận án tù treo từ 18 đến 36 tháng.

Bị cáo Phạm Công Danh nhận án 14 năm tù trong khi bị cáo Hứa Thị Phấn nhận án cao hơn, 17 năm tù.

Theo Trần Thúy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên