Theo đám đông trào lưu "bỏ phố về rừng" làm farmstay tiền tỷ, nhiều người cay đắng tiết lộ: Vỡ mộng thực sự, muốn bán gấp
Mất điện, không có wifi, chi phí bảo dưỡng duy trì tốn kém… là nguyên nhân khiến không ít người buộc phải rao bán lại farmstay sau khoảng thời gian trải nghiệm “bỏ phố về rừng”.
Năm 2019, chị N.T.T theo trào lưu "bỏ phố về rừng"như những người bạn đồng nghiệp khác. Tự nhận mình là người đam mê "xê dịch", thích cân bằng cuộc sống bằng tháng ngày sống hòa mình vào thiên nhiên, chị T. đã quyết mua mảnh đất hơn 1500m2 ở Ba Vì (Hà Nội). Ban đầu, chị đơn thuần nghĩ, có farmstay đẹp mông mơ, hướng ra nhìn cảnh mây bay, núi đồi trùng điệp, đối với chị thế là đủ. Như vậy, cuối tuần nào chị cũng có thể trải nghiệm nghỉ dưỡng ở nơi phong cảnh trữ tình mà chẳng cần phải lách cách xách vali ra sân bay.
Hơn 2 năm qua, chị rót vào farmstay đến gần 2 tỷ đồng. Chị chăm chút từng góc vườn trồng hoa hồng, sắp xếp từng bậc gạch như thế nào để biến farmstay thực sự là một resort thu nhỏ. Nhưng chỉ thời gian ban đầu, vợ chồng chị và 2 đứa con còn háo hức. Khoảng thời gian sau, nhất là năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, trải nghiệm trong farmstay tới cả tháng, gia đình chị mới cảm thấy bất tiện.
(Ảnh minh hoạ).
"Những đứa trẻ đòi về thành phố ở vì ở farmstay tẻ nhạt. Sáng đi tắm bể bơi, chiều ra ngắm hoa nhưng ti vi chập chờn không có mạng. Ở lâu trong farmstay, có hôm lại mất điện, hoặc điện yếu khiến điều hòa không bật được. Mà khổ nhất khoảng thời gian làm việc tại nhà, mạng chập chờn. Muốn bật 4G lên nhưng lại mất sóng điện thoại. Mọi nhịp sống sinh hoạt bị đảo lộn liên tục", chị T.kể. Cũng vì bất tiện mà gia đình chị T. buộc phải rao bán farmstay vào hồi đầu năm 2021.
Tương tự như chị T., vợ chồng anh Đoàn Ngọc M. cũng rao bán farmstay sau hơn 1 năm trải nghiệm. Lý do mà anh M. đưa ra do chi phí tu sửa, bảo dưỡng quá lớn, vượt ra ngoài dự tính ban đầu của cả hai vợ chồng.
"Chúng tôi tính chỉ chi khoảng 600 triệu đồng cho farmstay. Nhưng 1 năm, tính tổng chi phí đã tới hơn 700 triệu đồng. Vì gia đình tôi ít ở, không thường xuyên lau chùi, chăm sóc nên đồ vật nhanh hỏng, nhất là đồ điện tử. Thời tiết mùa đông mưa phùn kéo dài, lại ít khi sử dụng nên màu đông năm ngoái, gia đình tôi hỏng cả ti vi. Đồ điện tử khác cũng thi thoảng ẩm ương" – anh M. nói.
Anh M. cũng chia sẻ thêm, mảnh đất anh mua nằm ở khu vực vùng sát núi của Hòa Bình. Khi đó, anh từng cho rằng, càng đi xa, càng sát vào khu vực núi đồi thì mảnh đất lại càng đẹp. Nhưng thực tế, vì khoảng cách vị trí nên điện chủ yếu phải sử dụng máy phát, còn nước sinh hoạt phải sử dụng nguồn nước từ giếng khoan.
"Sinh hoạt bất tiện rất nhiều vì không có điện, không có mạng. Mỗi lần về từ Hà Nội, chăn ga gối lại phải sấy khô lại một lần cho đỡ mùi ẩm. Đó là rất nhiều lý do khiến gia đình tôi chấp nhận bán farmstay", anh M. chia sẻ thêm.
Theo các chuyên gia, bỏ phố về rừng chỉ là trào lưu nhất thời của rất nhiều người trẻ. Khi thấy người khác về rừng mua đất làm farmstay, họ cũng suy nghĩ đơn giản nghĩ tới cuộc sống an nhàn. Nhưng để đầu tư nơi xứng với nghỉ dưỡng thực sự, chi phí không hề đơn giản nhất là những khu vực xa trung tâm.
Thêm nữa, cuộc sống ở khu vực vùng núi thường thiếu thốn như không có điện hay sóng điện thoại, điều này khiến cuộc sống nghỉ dưỡng hóa thành trải nghiệm tồi tệ. Chủ nhân của farmstay háo hức ban đầu nhưng sau đó rơi vào cảm giác chán nản, muốn bán để nhẹ nợ.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cho rằng, tư duy phát triển của nhiều người Việt là tư duy đám đông, thấy thị trường bùng lên thì cũng nhảy vào cho nó bùng tiếp. Nhưng sau đó, khi thị trường bùng quá sức thì buộc phải giảm. Và khi thị trường suy giảm, mọi người lại thi nhau nhảy ra hết.