Theo đuổi sứ mệnh dẹp cảnh "cắm mặt vào điện thoại", từ Startup nhỏ không mấy tên tuổi, We Escape nhận được đầu tư của Shark Thuỷ và giờ đã lên kế hoạch trăm tỷ doanh thu mỗi năm
Từ tâm huyết: "Mọi người thường vào quán café, mỗi người một góc, một cái điện thoại – đó là tương lai tôi không mong muốn với các con em mình", Founder của We Escape đã gọi vốn thành công từ Shark Thuỷ. Chỉ trong một thời gian ngắn, quy mô công ty đã tăng nhanh chóng và kế hoạch đã được vạch ra là trăm tỷ doanh thu mỗi năm.
Chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ đã đi qua 2 mùa với 11 startup được các shark giải ngân. Một số startup thậm chí còn được giải ngân gấp đôi số vốn cam kết đầu tư. Đáng chú ý, trong số đó có đến 5 startup được Shark Thủy rót vốn đầu tư bao gồm các startup Chè Bống bưởi, We Escape, nhà hàng chay Pema, Talks cafe 100% English – Chuỗi café dạy tiếng anh.
Nhìn vào những starup mà Shark Thủy đầu tư, nổi bật có startup We Escape hơi khác biệt. Đây là một trong những starup khá ấn tượng theo đuổi sứ mệnh xóa bỏ cảnh "cắm mạt vào điện thoại": Mọi người thường vào quán café, mỗi người một góc, một cái điện thoại – đó là tương lai tôi không mong muốn với các con em mình. CEO We Escape trình bày.
Shark Thủy – người duy nhất trong các Shark nghe trình bày, đã đồng ý đầu tư 5 tỷ đồng cho startup này và ngay lập tức đã rót vốn đợt đầu 2,5 tỷ đồng.
We Escape đã đạt được bước phát triển mới như thế nào?
Ông Vương Chí Nhân, Founder của We Escape cho biết, We Escape ra đời vào năm 2014 với 3 phòng chơi. Và đến nay, sau khi nhận phần vốn rót từ shark Thủy, We Escape đã tiến hành xây cơ sở flagship Hà Nội với 6 phòng chơi mới, nâng tổng số phòng chơi lên 22 phòng (7 phòng tại Sài Gòn và 15 phòng tại Hà Nội). Dự kiến doanh thu sẽ tăng 50% so với năm ngoái.
Vậy We Escape chơi như thế nào?
Theo mô tả từ CEO Vương Chí Nhân, mỗi đội tham gia chơi sẽ có từ 2 - 8 người, họ sẽ ở trong một phòng kín cùng với các chủ đề khác nhau như lăng mộ cổ, viện bảo tàng... Nhiệm vụ của họ là cùng nhau suy nghĩ và thảo luận để thu thập các manh mối, giải đáp các câu đố, chướng ngại vật và thoát ra khỏi phòng kín trong vòng 60 phút.
Điểm đặc biệt là không giống những mô hình khách hàng hầu như chỉ đến chơi một lần cho biết, tỷ lệ khách quay lại We Escape lên đến hơn 50%. Nguyên nhân là do nhiều khách chơi nhưng không giải được câu đố cuối cùng, họ "cay cú" và quay lại để chơi tiếp. Thậm chí theo tiết lộ của CEO, có những khách hàng đã quay lại lần 2, lần 3 và chơi hết cả 9 phòng.
Việc đưa yếu tố lịch sử, địa lý, vật lý…vào trò chơi đã được We Escape triển khai như thế nào? Phản hồi từ phía nhà trường, phụ huynh và người chơi ra sao?
Phòng chơi đầu tiên trong dự án mới hợp tác với Shark Thủy có yếu tố lịch sử mang tên Hoàn Kiếm với việc xây dựng lại hình ảnh lịch sử với các câu hỏi có độ khó vừa phải, hoặc những câu hỏi khó với gợi ý ngay tại phòng chơi, để học sinh, người chơi được dẫn dắt từng bước, không bị choáng ngợp trước loạt mốc lịch sử khó nhớ.
Người chơi được tận tay tương tác với các đồ vật trong phòng, liên tưởng trực tiếp tới các sự vật, kích thích khả năng sáng tạo. Đây là một hướng đi tiềm năng và đúng đắn mà shark Thủy và We Escape đã triển khai.
Trong tương lai, We Escape có định hướng phát triển thành công ty giải trí đa dịch vụ chứ không chỉ dừng lại ở mô hình các phòng game trong nhà. Ví dụ như tổ chức các trò chơi ngay tại địa điểm các công ty tham gia team building, mở rộng các phòng theo hướng giáo dục, đưa kiến thức lịch sử, địa lý…vào nội dung để thâm nhập các trường học Việt Nam.
Ngoài vốn, We Escape đã học hỏi được gì từ Shark Thủy?
Ông Vương Chí Nhân nói rằng, Shark Thủy có một công thức kinh doanh rất cụ thể, bao giờ cũng x2 KPI và giảm thời gian hoàn thành đi một nửa so với các dự tính của startup. Đối với Shark Thủy, chỉ cần câu nói "tôi làm được" thì mọi công cụ khác anh và Tập đoàn sẽ cung cấp.
Ngay tại chương trình Shark Tank lần đó, shark Thủy cũng đã nói: "Bọn anh có dự án nhiều chục hecta, dự định làm mô hình giáo dục sinh thái. Khi đó diện tích không chỉ 3.000, 5.000 hecta, mà sẽ rất lớn để nâng tầm trải nghiệm lên. Anh là người duy nhất có mảng ghép làm về giáo dục và yếu tố các em nói đưa nội dung lịch sử làm anh thay đổi".
Theo CEO Vương Chí Nhân, shark Thủy đã dùng nguồn lực của Egroup hỗ trợ cho We Escape từ việc phát triển mạng lưới, đội thi công, nhân sự, pháp chế... Anh luôn muốn các Founder nghĩ lớn, và anh cũng là người đã đầu tư là muốn làm lớn.
Đối với Shark Thủy, chỉ cần câu nói "tôi làm được" của Startup thì mọi công cụ khác anh và Tập đoàn sẽ cung cấp.
We Escape lên kế hoạch doanh thu trăm tỷ mỗi năm
We Escape vừa nhận được offer mới từ shark Thủy với số tiền lớn hơn số tiền cam kết rất nhiều. Dự kiến trong thời gian từ 1,5 năm đến 2 năm tới We Escape sẽ mở 100 phòng chơi trên cả nước, nâng doanh thu mỗi năm lên trên 100 tỷ đồng.
Founder của We Escape cũng chia sẻ thêm, khi 4 shark khác đã từ chối, các thành viên của We Escape cũng đã rất căng thẳng và đã vỡ òa cảm xúc khi nhận được cái gật đầu đầu tư của Shark Thủy.
Chính Shark Thủy cũng cho biết tại chương trình Shark Tank kêu gọi vốn của We Escape rằng, ban đầu anh không quan tâm vì cho rằng mô hình khó nhân rộng, nhưng vì các nhà sáng lập có nhắc đến giáo dục, mặt khác mô hình Escape định hướng phát triển mảng team building – một mảng khá tương thích với hệ sinh thái của Egroup.