Thép Mê Lin (MEL): Cổ phiếu thép chào sàn HNX
Hoạt động trong mảng phân phối và gia công sản phẩm thép, CTCP Thép Mê Lin (MEL) đang nắm giữ lợi thế lớn về thị trường tiêu thụ, đồng thời sở hữu công nghệ sản xuất hiện đại từ Nhật Bản. Theo bà Lê Thị Hương Giang - Chủ tịch HĐQT MEL, việc niêm yết cổ phiếu giúp công ty có điều kiện huy động vốn để thực hiện đầu tư các dự án trong tương lai một cách chủ động, nhanh chóng.
Ngành thép được dự báo tiếp tục tăng trưởng ở mức xấp xỉ 12- 15%/năm trong vòng 5 năm tới, bà đánh giá thế nào về cơ hội phát triển của MEL trong giai đoạn này?
Công ty Thép Mê Lin trong suốt quãng thời gian 15 năm kể từ khi thành lập, đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, có hệ thống khách hàng rộng lớn, bền vững, với hoạt động kinh doanh ổn định và tăng trưởng đều đặn hàng năm.
Với triển vọng tăng trưởng ở mức 12 - 15%/năm của ngành thép trong vòng 5 năm tới, cộng với nội lực và nền tảng sẵn có của mình, Thép Mê Lin có cơ hội rất lớn để phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi, cũng như nắm bắt các cơ hội đầu tư từ các đối tác nước ngoài, đặc biệt là các đối tác đến từ Nhật Bản, một thị trường truyền thống của Công ty, qua đó doanh thu và lợi nhuận đều có cơ hội để tăng trưởng ở mức cao.
Thị trường có nhiều triển vọng, nhưng sức ép cạnh tranh cũng sẽ dần tăng lên, MEL có những lợi thế nào để vươn lên trong “cuộc chơi” này, thưa bà?
Về thị trường tiêu thụ, Thép Mê Lin có hệ thống khách hàng trải rộng trên nhiều lĩnh vực như xây dựng, cơ khí chế tạo, ô tô - xe máy, nội thất, đồ gia dụng, thiết bị điện, công trình giao thông..., do vậy thị trường tiêu thụ có tính ổn định cao, tính bổ trợ lẫn nhau.
Về cơ sở vật chất, nhà xưởng sản xuất được quy hoạch khoa học, dây chuyền máy móc chủ yếu được mua từ Nhật Bản, có tính tự động hoá cao, đảm bảo năng suất, chất lượng.
Hệ thống quản trị chất lượng cũng được xây dựng theo quy chuẩn của các nhà máy Nhật Bản có mô hình sản xuất tương tự. Đội ngũ nhân viên thạo việc, công nhân sản xuất lành nghề. Vì vậy Công ty luôn đảm bảo được phương châm “Chất lượng đúng yêu cầu, Giá cạnh tranh, Giao hàng đúng thời hạn”.
Về tài chính, Thép Mê Lin đang có nguồn lực tài chính ổn định với sự tài trợ vốn vững chắc từ các ngân hàng hàng đầu như Vietcombank, Agribank.
MEL đã có 6 tháng đầu năm rất thành công, kỳ vọng của Công ty về kết quả kinh doanh năm 2017 như thế nào, thưa bà?
Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty đã thống nhất thông qua kế hoạch năm 2017 với doanh thu 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 22 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,7% và 15,8% so với kết quả thực hiện năm 2016
Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần của Công ty đạt xấp xỉ 650 tỷ đồng, hoàn thành 55% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế là 13 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch đề ra. Với những kết quả đạt được, Công ty Thép Mê Lin tin tưởng sẽ hoàn thành và thậm chí có thể vượt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh phân phối và gia công thép, MEL còn tham gia đầu tư bất động sản, bà có thể chia sẻ thêm về mảng hoạt động này của Công ty?
Công ty đã hợp tác cùng CTCP Đầu tư và Thương mại tổng hợp Quang Minh và CTCP Đầu tư xây dựng NHS thực hiện đầu tư, kinh doanh dự án Tổ hợp thương mại, siêu thị, văn phòng và nhà ở để bán tại số 75 Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội.
Dự án hiện đã hoàn thiện xong toàn bộ diện tích các tầng có chức năng căn hộ chung cư của 2 tòa tháp và đã bàn giao cho khách hàng. Dự kiến quý I/2018, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng. Tháng 5/2017, Thép Mê Lin đã ký hợp đồng mua phần diện tích sàn dịch vụ thương mại để tiếp tục khai thác cho thuê đối với phần diện tích thương mại.
Định hướng phát triển của MEL trong trung và dài hạn như thế nào?
Trong thời gian tới, Công ty có định hướng sẽ tập trung vào sản xuất, gia công cắt xẻ thép đáp ứng sản phẩm đa dạng theo nhu cầu của khách hàng. Đầu tư mua sắm thêm máy móc, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, Công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động maketing quảng bá sản phẩm cũng như thương hiệu của Công ty; Đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước như Nhật Bản, Bangladest...
Công ty cũng tập trung khai thác thêm khối khách hàng nước ngoài cũng như khách hàng tỉnh lẻ như: Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng Bình...
Bên cạnh việc giữ quan hệ tốt với các đối tác hiện nay, Công ty tiếp tục mở rộng hợp tác với các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản, mở rộng liên kết với khách hàng có dự án lớn để cung cấp vật liệu cho dự án.
Theo bà, việc niêm yết có thể hỗ trợ gì cho hoạt động của MEL?
Niêm yết cổ phiếu thể hiện mong muốn của Thép Mê Lin về ý thức minh bạch hóa mọi thông tin của Công ty đến với nhà đầu tư.
Mặt khác, niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ hỗ trợ cho việc huy động vốn để thực hiện đầu tư các dự án trong tương lai của Công ty một cách chủ động, nhanh chóng.
Đặc biệt, các đối tác, tổ chức quốc tế hiện có mong muốn đầu tư góp vốn, trở thành cổ đông chiến lược của Thép Mê Lin sẽ được tạo điều kiện tham gia thông qua các đợt phát hành cổ phiếu của Công ty trên thị trường chứng khoán.