Thị phần môi giới khách hàng nước ngoài: Cuộc soán ngôi ngoạn mục của Bản Việt
Cuộc đua môi giới chứng khoán chuyên nghiệp ngày càng trở nên gay gắt với sự lớn mạnh vượt trội của Công ty Chứng khoán Bản Việt trong những năm gần đây.
- 21-04-2016Không còn cơ hội cho Kido tranh giành thị phần với Masan, Acecook?
- 20-04-2016Thị phần nước mắm của Nam Ngư, Chinsu đang lung lay?
- 05-04-2016Thị phần môi giới HSX quý 1/2016: Chứng khoán HSC đuổi "sát sườn" SSI
Trong lần công bố thị phần môi giới gần nhất của HOSE (quý I/2016), CTCK Bản Việt đứng thứ 3 với 10,2% và bỏ xa công ty xếp thứ 4 là VNDS (5,4%) về môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ.
Với mức độ tăng trưởng nhanh, Bản Việt đang gây áp lực mạnh mẽ lên SSI và HSC và biến cuộc đua song mã giữa hai công ty này thành cuộc đua tam mã trong mảng dịch vụ môi giới chứng khoán.
SSI và HSC sẽ càng lo ngại hơn khi hoạt động môi giới khách hàng nước ngoài của Bản Việt tăng trưởng rất mạnh trong khoảng 1 năm gần đây.
Trong khi hoạt động này được xem là thế mạnh tuyệt đối của SSI và HSC và là yếu tố giúp họ duy trì vị trí dẫn đầu thị trường môi giới trong nhiều năm qua.
Theo một dữ liệu đáng tin cậy, thị phần môi giới khách hàng nước ngoài của Bản Việt đã tăng rất mạnh từ 20% trong quý IV năm ngoái lên 34% trong quý I/2016.
Điều ngược lại diễn ra ở SSI. Trong vòng 9 tháng, thị phần môi giới khách hàng nước ngoài của công ty này giảm đến 12 điểm phần trăm.
Tại HSC thị phần môi giới cho các tài khoản nước ngoài trong 2 quý gần nhất chỉ tăng được thêm 4 điểm phần trăm.
Với tốc độ tăng trưởng này, Bản Việt có thể sớm vươn lên vị trí số 1 và trở thành lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài khi mở tài khoản đầu tư chứng khoán tại thị trường Việt Nam.
Với đặc thù các tài khoản đầu tư chứng khoán nước ngoài chủ yếu là tổ chức thì việc chiếm thị phần môi giới lớn đối với nhóm khách hàng này có ý nghĩa rất lớn với các công ty chứng khoán, không chỉ ở mảng dịch vụ môi giới.
Ngược lại, các khách hàng trong nước gồm hàng trăm nghìn tài khoản cá nhân là đối tượng phục vụ của hàng chục công ty chứng khoán quy mô nhỏ, đồng nghĩa với việc thị phần sẽ bị chia nhỏ.
Năm ngoái, dù không dẫn đầu thị trường về thị phần môi giới chung, nhưng Bản Việt đã vượt qua SSI và HSC về tổng mức doanh thu từ dịch vụ này. Cụ thể, VCSC đạt 336 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với con số 292 tỷ của SSI và 262 tỷ của HSC.
Việc chiếm lĩnh thị phần môi giới khách hàng nước ngoài (thường có phí dịch vụ cao hơn) được xem là một trong các nguyên nhân lý giải sự khác biệt này của Bản Việt.
Trí Thức Trẻ