MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường Apple tại Việt Nam: TopZone - Thế Giới Di Động đang 'phả hơi vào gáy' của FPT Retail và Digiworld?

05-05-2022 - 10:28 AM | Doanh nghiệp

Thị trường Apple tại Việt Nam: TopZone - Thế Giới Di Động đang 'phả hơi vào gáy' của FPT Retail và Digiworld?

Với tốc độ mở khủng khiếp, dù là thương hiệu chuyên về Apple non trẻ nhất thị trường, song TopZone đến từ Tập đoàn Thế Giới Di Động đang dẫn đầu mô hình chuỗi về số lượng – với 40 cửa hàng. Điều này đã khiến các cổ đông của FPT Retail và Digiworld sốt ruột, mặc dù Digiworld bán sỉ chứ không phải lẻ.

Covid-19 không phải hoàn toàn xấu đối với tất cả doanh nghiệp – ít nhất là với Apple tại thị trường Việt Nam.

Hàng xách tay các sản phẩm Apple – đặc biệt là iPhone đã hoành hành ở thị trường Việt Nam trong 10 năm gần đây và là rào cản khiến F.Studio của FPT Retail quyết định không mở rộng thị trường như kế hoạch. Vậy mà, chỉ cần virus Corona xuất hiện cùng sự tê liệt của hệ thống logistic xuyên quốc gia, vấn nạn này gần như bị quét sạch.

Từ tỷ lệ khoảng 40% đến 50% năm 2019, hàng xách tay giảm xuống còn khoảng 10% năm 2020 – 2021 và đang hồi phục một chút trong năm 2022, khi các đường bay quốc tế bắt đầu mở lại.

Nhờ thế, theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, Apple là hãng sản xuất smartphone đạt tăng trưởng cao nhất ở Việt Nam vào năm 2021 tăng 119% so với 2020. Thị phần từ 7% vào năm 2020 đã lên 11% trong năm 2021. Đặc biệt, ở phân khúc smartphone cao cấp, Apple đang không có đối thủ với 79% thị phần, theo số liệu của GfK công bố tháng 10/2021.

Để lấy thị phần mà hàng xách tay để lại, tạo đà dẫn dắt thị trường Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp đã tìm đến hợp tác chiến lược cùng Apple, như Digiworld và ShopDunk trong năm 2020 và TopZone – Thế Giới Di Động năm 2021.

ShopDunk của Hesman Group là một trường hợp khá thú vị. Họ cho biết là mình đã trở thành nhà bán lẻ ủy quyền của Apple trong năm 2020 và mạnh dạn mở 12 cửa hàng trên 6 tỉnh thành, nhưng với 2021 họ mới mở mono-store đầu tiên với định dạng AAR.

Thị trường Apple tại Việt Nam: TopZone - Thế Giới Di Động đang phả hơi vào gáy của FPT Retail và Digiworld? - Ảnh 1.

Đến cuối năm 2021, ShopDunk có 23 cửa hàng – trong đó có 6 mono store. Còn đến hiện tại, ShopDunk có 39 cửa hàng, nhưng không tiết lộ số cụ thể số mono store. Mục tiêu của ShopDunk là có 80 cửa hàng vào cuối năm 2022 với doanh thu từ các sản phẩm Apple vào khoảng 3.600 tỷ đồng.

Dù thế, nếu tính doanh thu cả online lẫn cửa hàng offline chỉ mỗi sản phẩm Apple, thì rất khó để ShopDunk có thể vượt qua 3 cái tên Digiworld, TopZone – Thế Giới Di Động và F.Studio by FPT Retail.

Digiworld từng tuyên bố, nếu chỉ tính về doanh thu, thì họ đang là nhà phân phối Apple lớn nhất Việt Nam, trong khi các sản phẩm của Apple còn được FPT Retail bán trong 773 cửa hàng FPT Shop và MWG phân phối trên 980 cửa hàng Thế Giới Di Động.

Vậy nên, Digiworld - TopZone – F.Studio sẽ là 3 ông lớn quyết định thị trường các sản phẩm Apple tại Việt Nam trong tương lai.

KẺ THÁCH THỨC TOPZONE

MWG đã phân phối các sản phẩm Apple qua chuỗi Thế Giới Di Động từ rất lâu, nhưng phải đến 2021 họ mới dấn sâu thêm một bước vào ngách này bằng cách ra mắt chuỗi TopZone – chỉ chuyên bán các sản phẩm Apple, với 2 hình thức cửa hàng uỷ quyền theo chuẩn APR và AAR.

TopZone ra đời trong bối cảnh mà MWG đang cần một động lực tăng trưởng mới trong mảng ICT, cũng như thấy được khoảng trống mà hàng xách tay để lại. Ra mắt vào tháng 10/2021, hiện TopZone đã có tới 40 cửa hàng – 2 trong đó theo mô hình APR; nên có thể xem đây là 1 dự án thành công của Thế Giới Di Động.

Thị trường Apple tại Việt Nam: TopZone - Thế Giới Di Động đang phả hơi vào gáy của FPT Retail và Digiworld? - Ảnh 2.

Trong năm 2021, TopZone mang về cho MWG 280 tỷ đồng, dự kiến năm 2022 sẽ mang về 750 triệu USD. 3 tháng đầu năm 2022, TopZone đóng góp gần 470 tỷ đồng. Với mô hình AAR – doanh thu sẽ dao động khoảng 6 tỷ đồng/tháng cho mỗi cửa hàng và với mô hình APR – TopZone kỳ vọng sẽ vào khoảng từ 10 đến 15 tỷ đồng/tháng.

Với kế hoạch cũ, TopZone sẽ có 50 đến 60 cửa hàng sau tháng 3/2022 để kịp đạt 200 cửa hàng vào cuối năm. Nhưng thực tế, họ chỉ mới có 40 cửa hàng vào cuối tháng 4/2022, nên kế hoạch nói trên khó mà thành hiện thực. TopZone cũng đang hướng đến việc gia tăng thị phần Apple từ 25% năm 2021 lên 30% cuối năm 2022

"Theo quan điểm của chúng tôi, sự khác biệt giữa người mới và cũ trong mảng miếng này không lớn. Đi nhanh – đi chậm – đi trước hay đi sau không quan trọng, quan trọng là tại thời điểm này, Thế Giới Di Động đang làm được gì.

Các bạn hình dung là: Thế Giới Di Động làm việc với Apple từ lâu rồi, khi bán các sản phẩm ‘nhà táo’ trong chuỗi Thế Giới Di Động. Và bây giờ, chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi đã mở tới 31 cửa hàng và sẽ lên 50 vào cuối tháng 6/2022. Không có doanh nghiệp nào có thể mở chuỗi Apple Mono Retail nhanh như chúng tôi!

Còn so với các nhà bán lẻ khác, nếu bạn nhìn lại, sẽ thấy hầu hết chưa đạt kết quả đúng như mong đợi", ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Bách Hóa Xanh bày tỏ trong ngày khai trương cửa hàng APR đầu tiên tại TP.HCM.

Thị trường Apple tại Việt Nam: TopZone - Thế Giới Di Động đang phả hơi vào gáy của FPT Retail và Digiworld? - Ảnh 3.

Cũng theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Hiểu Em với chúng tôi, thì việc TopZone cố gắng mở rộng càng nhanh càng tốt – ngoài nhằm nhanh chiếm lĩnh thị trường Apple tại Việt Nam, còn là để thúc đẩy ‘ông lớn’ này thăng hạn cho chúng ta, từ thị trường cấp 3 lên cấp 1.

Nếu được như thế, khách hàng Việt sẽ được đối xử như khách hàng Mỹ, dân Mỹ mua iPhone ngày nào thì dân Việt cũng được mua iPhone ngày đó và không phải chờ đợi như bây giờ. Tương đương với việc, giới buôn bán iPhone hàng xách tay cũng không ‘có cửa’ bán hàng ở thị trường Việt Nam.

DIGIWORLD ĐẶT NHIỀU KỲ VỌNG VÀO CÁC SẢN PHẨM APPLE

Do TopZone mở rầm rộ như thế, nên cổ đông của hầu hết doanh nghiệp lớn phân phối sản phẩm Apple trên thị trường Việt Nam đều cảm thấy sốt ruột.

Mặc dù Ban lãnh đạo của Digiworld đã nhiều lần khẳng định, bản thân doanh nghiệp bán sỉ, thêm nữa việc các thương hiệu lớn như Xiaomi hay Apple có thêm nhà phong phối lớn, không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp; song nhiều cổ đông vẫn không tin.

Trong ĐHCĐ 2022 của Digiworld, đã có không ít câu hỏi dành cho Chủ tịch Đoàn Hồng Việt, đề cập đến đối thủ TopZone cùng ngách Apple.

"Theo quan điểm của tôi, dư địa trong mảng ICT ở thị trường Việt Nam vẫn còn rất lớn, tăng trưởng 2 con số. Ở khu vực nông thôn, người dân bắt đầu chuyển từ điện thoại ‘cục gạch’ vài trăm lên vài triệu, còn ở thành thị, người dân thích ‘cao cấp hóa’ smartphone của mình, có thể lên iPhone. Và việc dịch chuyển này diễn ra hết sức thuận lợi, nhờ sự hỗ trợ của các công ty cho vay tiêu dùng.

Ở lĩnh vực laptop, lượng máy tính đang tiêu thụ trong dân mới chỉ bằng 50% của Thái Lan. Mà nền kinh tế Việt Nam – Thái Lan phát triển có rất nhiều nét tương đồng, chưa nói là Thái Lan chỉ có 65 triệu dân. Mảng thiết bị văn phòng cũng sẽ ngày càng lớn mạnh với dòng vốn lớn đầu tư vào Việt Nam cũng như sự phát triển không ngừng của các Tập đoàn hàng đầu đất nước.

Hàng xách tay Apple từ 50%, nhờ Covid-19, giờ chỉ còn 25% đến 30% và với thực thế thị trường, nhiều khả năng nó sẽ giảm xuống còn 10% trong vài năm tới. Trong năm 2021, Digiworld đã thu lại được rất nhiều từ việc bán iPhone ở cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Trong năm nay, nếu Apple tiếp tục ra mẫu iPhone mới, thì doanh thu bán hàng vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 sẽ tăng cao như năm ngoái.

Dù chúng tôi không thể chia sẻ cụ thể về thị phần cũng như đối tác cụ thể, nhưng với việc các nhà bán lẻ tại Việt Nam cũng lấy hàng từ chúng tôi, việc thương hiệu nào đó xuất hiện trên thị trường sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Digiworld. Hiện Digiworld là nhà phân phối hàng đầu của Apple tại Việt Nam tính theo doanh thu", ông Đoàn Hồng Việt khẳng định trong ĐHCĐ Digiworld 2022.

Trên thị trường Việt Nam, ngoài những chuỗi lớn như đã đề cập đến trong bài, còn có các chuỗi bán đồ ICT - Apple khác như Di Động Việt, CellphoneS, Hoàng Hà Mobile, Phong Vũ…; vẫn đang sống tốt.

Trong năm 2021, doanh thu từ iPhone tăng mạnh hơn 600% so với cùng kỳ và đóng góp 15% vào tổng doanh thu của Digiworld. Digiworld chỉ bắt đầu phân phối các sản phẩm của Apple vào quý 3/2020. Trong năm 2022, Digiworld cũng kỳ vọng doanh thu từ các sản phẩm Apple sẽ tiếp tục tăng trưởng lớn.

F.STUDIO SỐT RUỘT?

Nếu cổ đông của Digiworld sốt ruột một phần, thì cổ đông của FPT Retail sốt ruột gấp nhiều lần. Là doanh nghiệp lớn trong nhóm tiên phong ở Việt Nam được Apple ủy quyền mở chuỗi cửa hàng chính hãng cách đây 8 năm, song cho tới thời điểm này, F.Studio của họ mới chỉ có 15 cửa hàng.

Năm 2014, FPT Retail ra mắt một lần 4 cửa hàng F.Store và F.Studio, chuyên trưng bày và bán các sản phẩm của Apple.

Đến năm 2017, khi Apple chính thức mở công ty Apple Việt Nam, FPT Retail trở thành đơn vị tiên phong có chuỗi bán lẻ với đầy đủ mô hình cửa hàng của Apple bao gồm: APR (Apple Premium Reseller), AAR (Apple Authorised Reseller) và iCorner. Lúc này, số cửa hàng của họ đã tăng lên 12.

Mảng kinh doanh này của FPT Retail đã phát triển rất tốt trong 2 năm 2016 và 2017, nhưng đột nhiên chững lại vào năm 2018.

Ghi nhận tại cuối năm 2017, doanh thu bán các sản phẩm Apple thông qua chuỗi F.Studio tăng 38,9% so với năm 2016. Mặt khác, tính đến cuối năm 2018, hệ thống F.Studio đóng góp 423 tỷ đồng vào tổng doanh số Tập đoàn; mặc dù tăng 61% song biên lợi nhuận ghi nhận của hệ thống F.Studio sụt giảm, kéo mỏng biên lợi nhuận gộp FPT Retail về chỉ còn 13,4% (so với mức 13,8% năm 2017).

Giải thích về thực trạng này, đầu năm 2019, bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch FPT Retail, cho biết: "Đối với iPhone thì chỉ có một vấn đề duy nhất, là sản phẩm. Trong 2 năm 2017 và 2018, chiến lược của Apple có thay đổi, sản phẩm mới đưa ra về mặt công nghệ, thiết kế không có gì mang tính cách mạng; ngược lại mức giá bị đẩy lên rất cao.

Điều này vô hình trung làm người dùng không còn cảm thấy thuyết phục để quyết định thay đổi máy mới, do đó nhiều người năm vừa qua không còn tham gia mua hay đổi máy iPhone mới

Năm ngoái, chúng tôi dự tính có khoảng 40% thị phần thị trường sản phẩm Apple được phân phối qua kênh xách tay, nhưng hiện nay có thể đã tăng lên 60%. Các phiên bản iPhone mới kinh doanh không thuận lợi và FPT Retail đang đề nghị hỗ trợ từ Apple, cũng như tạm thời dừng việc mở thêm cửa hàng F.Studio trong năm 2019".

Rồi trong năm 2020 và 2021, một phần vì Covid-19, một phần muốn ‘tất tay’ cùng chuỗi Long Châu; FPT Retail đã có hơi ‘lơ là’ với F.Studio. Và ‘chớp mắt’, Tập đoàn này đột nhiên thấy Digiworld, ShopDunk và gần nhất là TopZone lù lù trước mặt; cái sau còn xâm chiếm thị trường mạnh mẽ hơn cái trước.

Thị trường Apple tại Việt Nam: TopZone - Thế Giới Di Động đang phả hơi vào gáy của FPT Retail và Digiworld? - Ảnh 5.

Hoàng Trung Kiên – Tổng Giám đốc FPT Retail

"Việc thị trường có nhiều người tham gia tất nhiên khiến việc cạnh tranh gặp nhiều thách thức hơn. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, điều này cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho chất lượng sản phẩm – dịch vụ chung, khiến thị trường tốt hơn hơn và khách hàng được hưởng lợi nhiều hơn. Việc cạnh tranh luôn tốt cho chị trường!

F.Studio là đối tác đầu tiên của Apple, trong việc phát triển các chuỗi cửa hàng theo chuẩn APR và AAR; tức chúng tôi đã đồng hành cùng Apple trong khoảng thời gian dài. Hơn nữa, Covid-19 đang khiến lượng hàng xách tay Apple –iPhone trên thị trường Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng.

Cả hai điều đó giúp mảng các sản phẩm Apple của chúng tôi vẫn phát triển 2 con số và không có gì là thách thức lớn ở đây", ông Hoàng Trung Kiên – Tổng Giám đốc FPT Retail chia sẻ trong ĐHCĐ 2022 của doanh nghiệp.

Nói là thế, nhưng trước khí thế hừng hực của các đối thủ, F.Studio – FPT Retail cũng không thể đứng yên. Theo ông Hoàng Trung Kiên, FPT Retail đang có kế hoạch mở rộng F.Studio trong năm 2022: cả về số lượng và diện tích cửa hàng. Tức trong năm 2022, Tập đoàn này sẽ mở thêm cửa hàng mới đồng thời mở rộng thêm cửa hàng cũ – có thể từ 50m2 lên 150m2 hoặc 200m2.

"Việc cửa hàng nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là khi khách hàng đến, chúng ta cung cấp cho họ trải nghiệm gì?! Ví dụ như một nhà hát đẹp phải biểu diễn những vở diễn hay với phục trang phù hợp thì mới mang lại trải nghiệm hoàn hảo cho khán giả.

Một cửa hàng bán các sản phẩm Apple phải cung cấp cho khách hàng cả phần cứng – thiết kế/bày trí cộng phần mềm – dịch vụ/hậu mãi, thì mới có thể mang lại cho iFan trải nghiệm hoàn hảo.

FPT Retail đã biết ‘phần mềm’ ngon sẽ như thế nào; nên chúng tôi rất tự tin với chuỗi F.Sutudio trong tương lai", bà Nguyễn Bạch Điệp kết luận.

https://cafebiz.vn/thi-truong-apple-tai-viet-nam-topzone-the-gioi-di-dong-dang-pha-hoi-vao-gay-cua-fpt-retail-va-digiworld-2022050422120209.chn

Theo Quỳnh Như

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên