MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường bán lẻ Việt: Doanh nghiệp nội đang "lép vế"?

26-06-2018 - 10:36 AM | Doanh nghiệp

Các chuyên gia cho rằng, thị trường bán lẻ nước ta tăng trưởng đột biến thời gian qua đã trở thành “miếng bánh béo bở” hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.934,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,46%, cao hơn mức tăng 8,33% của năm trước.

Đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ và nối tiếp đà tăng trưởng tốt của 2-3 năm gần đây. Điều này cũng cho thấy vai trò và vị trí của ngành dịch vụ bán lẻ trong nền kinh tế và đời sống của nhân dân bước đầu được khẳng định.

Nhiều “ông lớn” ngoại chen chân

Kết quả khảo sát và nghiên cứu đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố mới đây đã chỉ ra rằng, việc Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài từ năm 2015, cùng với các yếu tố như chính sách ưu đãi, đô thị hóa, dân số tương đối trẻ… đã khiến thị trường bán lẻ Việt Nam lọt vào danh sách thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Hãng tư vấn A.T. Kearney cũng đánh giá, Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á và là “miếng mồi” béo bở đối với các nhà đầu tư. Trên thực tế, đã có rất nhiều “ông lớn” nước ngoài đã đầu tư hoặc đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.

Thị trường bán lẻ Việt: Doanh nghiệp nội đang lép vế? - Ảnh 1.

Riêng chuỗi Family Mart của Nhật Bản đã có tới 130 cửa hàng tại Việt Nam, và dự định mở thêm 700 cửa hàng nữa vào năm 2020. Một hãng bán lẻ đình đám khác từ Nhật Bản là 7-Eleven cũng đã “đổ bộ” vào Việt Nam vào tháng 6 năm ngoái với kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 1 thập kỷ tới.

Thương hiệu Lotte Mart của Hàn Quốc cũng lên kế hoạch mở 60 cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2020. Thêm vào đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc cũng đã bắt đầu “tấn công” thị trường Việt, với tham vọng mở 2.500 cửa hàng trên toàn quốc trong 10 năm tới.

Đáng chú ý, “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon (Mỹ) đã chính thức đổ bộ vào Việt Nam, khởi đầu cho sự gia nhập thị trường bằng chương trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việt Nam hiện là thị trường nhận thu hút nhiều đại gia thương mại điện tử nước ngoài. Trước Amazon, tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma (Trung Quốc) cũng lấn sâu hơn vào Việt Nam với việc mua lại Lazada.

Theo thông tin trên tờ ASEAN Today, trong vòng một năm qua, có tới hơn 100 cửa hàng tiện lợi mới quy mô lớn được mở tại Việt Nam, chủ yếu do các công ty, tập đoàn nước ngoài sở hữu.

Hiện có 800 siêu thị, 150 trung tâm mua sắm, 9.000 chợ truyền thống và khoảng 2,2 triệu nhà bán lẻ đang hoạt động trên thị trường Việt. Trong đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhất bởi thủ tục đăng ký kinh doanh đơn giản, vốn đầu tư không cao, khả năng thu hồi vốn lại nhanh, hãng A.T. Kearney đánh giá.

Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội?

Theo ước tính của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Trong tương lai, hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ nội có khả năng bị thu hẹp hơn do thiếu kinh nghiệm, quy mô đầu tư và nguồn nhân lực.

Savills Việt Nam đánh giá, nếu làm một phép so sánh doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều sự khác biệt. Đặc điểm của các doanh nghiệp ngoại là sự bài bản, cẩn trọng và chiến lược, tầm nhìn dài hạn, trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là linh hoạt, dễ thích ứng vì thấu hiểu được thói quen và văn hóa người tiêu dùng.

"Thế nhưng, ở sân chơi quốc tế thì sự linh hoạt này không còn là ưu điểm dù thế mạnh đó có thể áp dụng cho một số thị trương mới ở các tỉnh. Nếu muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt cần xây dựng những chiến lược dài hơn, xa hơn và chú trọng hơn việc xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để chuẩn bị cho “cuộc đua” cần sức bền này", Savills phân tích.

Còn theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, Công ty Nielsen Việt Nam nhấn mạnh: "Một vấn đề cốt lõi là thương hiệu của công ty, doanh nghiệp hay sản phẩm. Các doanh nghiệp của Việt Nam cần có chiến lược tốt hơn trong việc giữ gìn thương hiệu để người tiêu dùng có đủ sự tin tưởng khi mua sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử".

Bà Đặng Thúy Hà khẳng định, chúng ta không thể đi nhanh hay gọi vốn để tăng trưởng nếu không có công nghệ. Việt Nam đang có cơ sở hạ tầng tốt cho phát triển thương mại điện tử. Thêm vào đó, những chính sách của Chính phủ rất tốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế thời gian qua. Chính vì vậy, hơn lúc nào, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội tiếp cận với công nghệ để nhanh nhất thích ứng với xu hướng thế giới.

Còn theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia về lĩnh vực bán lẻ, không thể lơ là trong việc phát triển thị trường bán lẻ. Nhìn vào câu chuyện thị trường bán lẻ hiện đại sẽ thấy, các hệ thống siêu thị hiện đại của nước ngoài như Lotte, Aeon, MM Mega Market (Metro), BigC… đang dần chiếm ưu thế.

Ông Phú cũng cảnh báo, câu chuyện “lấn sân” này rất có thể diễn ra ở lĩnh vực bán lẻ qua mạng. Vì thế, chuyên gia này cho rằng, đợi sau khi nước ngoài chiếm phần lớn thị trường mới lo thì sẽ không kịp. Chính phủ cần tạo môi trường phát triển công bằng, lành mạnh cũng như kiểm soát các hoạt động, chất lượng hàng hóa trên mạng để người dùng yên tâm để thị trường phát triển mạnh hơn.

Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích các tập đoàn lớn trong nước đầu tư phát triển thị trường thương mại điện tử vì đây là xu hướng tất yếu của cả thế giới, ông Vũ Vinh Phú lưu ý.

Theo Nha Trang

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên