MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường chứng khoán rung lắc mạnh trong tháng 1, vẫn có mã tăng trên 200%

Thị trường chứng khoán rung lắc mạnh trong tháng 1, vẫn có mã tăng trên 200%

Số mã giảm giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam áp đảo trong tháng 1/2022 với 999 mã.

Thị trường chứng khoán gặp khó khăn ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022. "Hiệu ứng tháng Giêng" đã không còn xuất hiện ở năm nay. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1, VN-Index đứng ở mức 1.478,96 điểm, tương ứng giảm 1,3% so với cuối năm 2021. HNX-Index giảm đến 12,1% xuống 416,73 điểm. UPCoM-Index giảm 2,7% xuống 109,69 điểm. 

Thêm vào đó, thanh khoản thị trường đi xuống do tháng 1/2022 cũng là thời điểm gần đến đợt nghỉ Tết âm lịch. Tổng giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường đạt 24.927 tỷ đồng/phiên, giảm 13,2% so với tháng trước, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm gần 10% xuống còn 23.184 tỷ đồng.

Thống kê 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam số mã tăng giảm chia đều nhau. Trong đó, cổ phiếu KSF của Tập đoàn KSFinance ( HNX: KSF ) có biến động tích cực nhất khi tăng đến 61,5%. Tuy nhiên, KSF nằm trong diện những cổ phiếu có thanh khoản khiêm tốn.

Tâm điểm của thị trường tập trung vào nhóm ngân hàng, đây là nhóm ngành biến động tích cực nhất trong tháng 1/2022 và kìm hãm đáng kể biến động tiêu cực của các chỉ số trước sự "đổ vỡ" của nhóm đầu cơ. BID của BIDV ( HoSE: BID ) tăng 29,3% trong 1 tháng qua. Quý IV/2021, BIDV ghi nhận 2.868 tỷ đồng trước thuế, tăng 46% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập quý vừa qua của BIDV cũng không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ khi đạt 15.252 tỷ, giảm 1,5%. Nhờ đến việc tiết giảm hơn 1.100 tỷ đồng chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng (chiếm chủ yếu) nên lợi nhuận của BIDV mới có mức tăng trưởng 2 con số kể trên. Lũy kế cả năm 2021, BIDV ghi nhận 62.395 tỷ đồng doanh thu, tăng 25% và lãi trước thuế ngân hàng thu về đạt 13.602 tỷ đồng, tăng tới 51% so với năm trước.

Cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội ( HoSE: MBB ) cũng tăng 16,6% sau một tháng giao dịch. Kết quả kinh doanh của ngân hàng này cũng có sự tích cực trong quý IV/2021 khi  lãi trước thuế 4.643 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm, ngân hàng lãi trước thuế tăng 55%, đạt hơn 16.527 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch được cổ đông giao.

Các cổ phiếu ngân hàng khác như VCB của Vietcombank ( HoSE: VCB ), STB của Sacombank ( HoSE: STB ) hay EIB của Eximbank ( HoSE: EIB ) cũng đều tăng giá trên 10%.

Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản là THD của Thaiholdings ( HNX: THD ) và DIG của DIC Corp ( HoSE: DIG ) chia sẻ hai vị trí dẫn đầu về mức giảm giá trong top 50 vốn hóa với lần lượt 37,6% và 23,9%.

Thị trường chứng khoán rung lắc mạnh trong tháng 1, vẫn có mã tăng trên 200% - Ảnh 1.

Biến động giá của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất TTCK.


Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường là VLA với 212,6%. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh trung bình của cổ phiếu VLA trong tháng 1/2022 chỉ vỏn vẹn hơn 5.100 đơn vị/phiên.Trong khi đó, toàn thị trường chứng khoán ghi nhận 999 mã giảm giá trong khi chỉ có 431 mã tăng. Trong bối cảnh thị trường rung lắc rất mạnh vẫn có 5 mã tăng giá trên 100% đó là VLA của PT Công nghệ Văn Lang ( HNX: VLA ), ECI của Bản đồ và tranh ảnh GD ( HNX: ECI ), VUA của Chứng khoán Stanley Brothers ( UPCoM: VUA ), BIG của BIG Invest Group ( UPCoM: BIG ) và BSH của Bia Sài Gòn - Hà Nội ( UPCoM: BSH ). Tuy nhiên, cả 5 cổ phiếu này đều có thanh khoản rất thấp. Trong đó, hai mã BIG và VUA mới lên sàn giao dịch trong tháng 1. Cổ phiếu VUA tăng 110,19% còn BIG tăng 110,7%.

Thị trường chứng khoán rung lắc mạnh trong tháng 1, vẫn có mã tăng trên 200% - Ảnh 2.

30 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất.


Ở hướng ngược lại, sự "đổ vỡ" của nhóm cổ phiếu đầu cơ đặc biệt nhóm bất động sản xây dựng đã khiến thị trường chứng khoán đi xuống ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022. Trong đó, những cái tên như CII của Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM ( HoSE: CII ), ROS của Xây dựng FLC Faros ( HoSE: ROS )... khiến không ít nhà đầu tư phải hoang mang khi nhiều phiên lâm vào tình trạng cổ phiếu bị giảm sàn và không bán được.

Cổ phiếu CII là đơn vị được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu giá thành công lô đất ở Thủ Thiêm với giá khoảng 2,5 tỷ đồng/m2. Giá cổ phiếu CII liên tục tăng trần sau thông tin trên. Nhưng ngay sau khi Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất trên, giá cổ phiếu CII đã nhiều phiên giảm sàn trong tình trạng trắng bên mua. Tính chung cả tháng 1, giá cổ phiếu CII đã mất gần 40% giá trị nhưng so với mức đỉnh 57.900 đồng/cp, giá cổ phiếu này đã mất đến gần 52%.

Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM đã công bố BCTC hợp nhất quý IV/2021 với khoản lỗ đậm 375 tỷ đồng, kéo theo cả năm lỗ 341 tỷ đồng - lần đầu tiên báo lỗ kể từ khi công khai BCTC.

Thị trường chứng khoán rung lắc mạnh trong tháng 1, vẫn có mã tăng trên 200% - Ảnh 3.

30 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất.


Theo Bình An

Người Đồng Hành

Trở lên trên