MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 nhóm giải pháp của UBCKNN để phát triển TTCK thời gian tới

Yêu cầu DNNN sau IPO và nhận giấy phép kinh doanh mới 30 ngày phải niêm yết; phải công bố thông tin tiếng Anh; hợp nhất 2 Sở; cho phép chào bán CP dưới mệnh giá...

Tại diễn đàn “Nâng cao tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán” do Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh tổ chức chiều ngày 06/06/2014, Ts. Nguyễn Sơn Sơn, Trưởng Ban Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có những chia sẻ về 4 nhóm giải pháp của UBCKNN đang và sẽ triển khai trong thời gian tới nhằm giúp thị trường chứng khoán Việt Nam. Dưới đây chúng tôi trích đăng nội dung 4 nhóm giải pháp này.

Một, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm

(1) Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gắn với quá trình IPO và niêm yết CP trên thị trường chứng khoán nhằm đảm bảo DNNN thực hiện thành công quá trình IPO, đảm bảo sự hấp thụ của cầu đầu tư để hấp thụ được các doanh nghiệp khi thực hiện IPO cũng như thoái vốn của các tập đoàn DNNN. Giải pháp tới đây là bắt buộc gắn IPO và niêm yết CP đối với các DNNN.

Hiện, UBCKNN đang xây dựng đề án báo cáo Bộ Tài chính về IPO gắn với niêm yết – Các doanh nghiệp khi IPO, trong vòng 30 ngày có giấy đăng ký kinh doanh, phải có cách để niêm yết cổ phiếu nhằm bảo vệ nhà đầu tư.

(2)  Xử lý các vấn đề chào bán CP dưới mệnh giá. Cùng với việc sửa luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn luật, UBCKNN và Bộ Tài chính trình Chính phủ để có văn bản hướng dẫn cho phép doanh nghiệp được phát hành CP dưới mệnh giá.

(3) Cơ chế thoái vốn của nhà nước đảm bảo theo giá thị trường. DNNN thoái vốn phải bảo toàn vốn đầu tư là rất khó và trái với quy luật thị trường. Đề xuất nâng tỷ lệ CP tự do chuyển nhượng tại các doanh nghiệp niêm yết có sở hữu nhà nước.

(4) Giám sát các doanh nghiệp chào bán CP ra công chúng – trong vòng 1 năm sau khi chào bán CP ra công chúng phải đưa CP niêm yết trên thị trường. Hiện đã có chế tài đối với doanh nghiệp IPO và doanh nghiệp niêm yết.

(5) UBCKNN đang sửa 2 văn bản thông tư 52 về công bố thông tin và quản trị công ty theo hướng doanh nghiệp quy mô lớn sẽ yêu cầu bắt buộc công bố thông tin bằng tiếng Anh. Hiện thông tư 52 chỉ dừng lại ở khuyến khích. Việc bắt buộc công bố thông tin bằng tiếng Anh nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, sẽ có nội dung yêu cầu doanh nghiệp hướng đến phát triển ổn định, hướng đến báo cáo phát triển ổn định, bảo vệ môi trường.

(6) Phối hợp với NHNN trong việc đánh giá hiện trạng các ngân hàng.

(7) Hoàn chỉnh đa dạng hóa sản phẩm. Quỹ ETF về cơ bản các sở đã chuẩn bị khá tốt, dự kiến sản phẩm đầu tiên được đưa vào giao dịch vào cuối năm nay. HOSE thiết kế sản phẩm mới đưa vào giao dịch vào năm sau.

Hai, kích cầu và khơi thông dòng vốn


UBCKNN tập trung vào nghiên cứu các chương trình giải pháp: tất cả các văn bản pháp lý liên quan thị trường vốn sẽ được dịch sang tiếng Anh và công bố trên website của UBCKNN.
Sửa thông tư công bố thông tin theo hướng tiếp cận các thông lệ quốc tế, cung cấp đầy đủ các thông tin bằng tiếng anh đối với các tổ chức quy mô lớn cho các nhà đầu tư quốc tế để cải thiện tính minh bạch cho các doanh nghiệp.

Điều chỉnh, sửa đổi thông tư về quản trị công ty theo hướng các chuẩn mực và thông lệ của OECD, ...

Xử lý các vấn đề liên quan tỷ lệ cổ phiếu giao dịch trên thị trường, giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước đối với DNNN đã IPO.

Phối hợp với NHNN trong việc kiểm soát chu chuyển dòng vốn, đặc biệt đầu tư sở hữu chéo giữa các định chế ngân hàng và CK, bảo hiểm, đặc biệt trong mô hình mẹ - con.

Nâng cao ý thức công bố thông tin cho các nhà đầu tư, phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp.  

Nghiên cứu xây dựng quỹ bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp các tổ chức trung gian tài chính giải thể, phá sản để đảm bảo tài sản cho nhà đầu tư. Đây là vấn đề đặt ra của các cơ quan quốc tế nhằm đảm bảo minh bạch và hỗ trợ nhà đầu tư.

Xem xét cơ chế kế toán, kiểm toán cho các sản phẩm phái sinh được hạch toán theo giá thị trường

Ba, tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán

Ngoài câu chuyện hợp nhất, giải thể, phá sản, cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài mua để sở hữu 100% công ty chứng khoán trong nước,, UBCKNN trình riêng quyết định của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề  tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài có được mua trên 49%, dưới 100% tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước.

Bốn, hiện đại hóa cấu trúc thị trường

Nghiên cứu hệ thống vay/cho vay chứng khoán mục đích để phục vụ thanh toán bù trừ; xây dựng hệ thống phục vụ các sản phẩm phái sinh.

Hợp nhất 2 sở giao dịch. UBCKNN đã lấy ý kiến các cơ quan bộ ngành, và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này về việc hợp nhất 2 sở giao dịch.

Hợp nhất 2 sở trên cơ sở đó thành lập sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và phát triển các khu vực: Thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và hình thành thị trường sản phẩm phái sinh để chúng ta có thể nâng cao vị thế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trong khu vực Asean.

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên