Tuần giao dịch từ 7 – 11/6 đã trôi qua với nhiều tin tức
trong nước và quốc tế, nhưng khối lượng giao dịch khá thấp.
Sự thiếu thanh khoản tạm thời cho thấy NĐT (ít nhất là NĐT
cá nhân) sau khi đã bán (chốt lời hay cắt lỗ) một phần danh mục trong tháng 5
hiện đang án binh bất động với danh mục còn lại, họ không còn bán ra với giá
thấp (vùng giá quanh 497 +/- 3 điểm) nhưng cũng không bán khi chỉ số lên tới
các ngưỡng kháng cự mạnh quanh 507 +/-3 điểm.
Với giả định tình hình thế giới dần ổn định trở lại và tình
hình trong nước có nhiều dấu hiệu khả quan, chúng tôi cho rằng, đây là thời
điểm tốt để mua cổ phiếu đối với những NĐT trung hạn để đón chờ khả năng tăng
trưởng trong quý III này.
Thông tin trong nước
Thông tin khá quan trọng trong tuần qua là sự đánh giá khá
tốt của các tổ chức và cá nhân quốc tế đối với tình hình nội tại của kinh tế
Việt Nam.
World Bank đánh giá cao việc Việt Nam đã hồi phục nhanh hơn nhiều nước khác và
tiềm năng phát triển tốt của Việt Nam trong thời gian tới, với thâm hụt ngân
sách và dự trữ ngoại hối dự kiến sẽ được cải thiện.
Mark Mobius, người quản lý Quỹ Franklin
Temptaton tiếp tục khuyến nghị đầu tư vào TTCK Việt Nam. Trong khi đó, các quỹ ngoại
mới thành lập tiếp tục giải ngân tích cực.
Tình hình vĩ mô trong nước cũng đã có nhiều cải thiện với
khả năng CPI sẽ tương đối bình ổn trong tháng 6, trong khi đó tăng trưởng kinh
tế dự kiến sẽ đạt mức tương đối tốt trong năm nay (trên 6% tới 6,5%) và cao hơn
7% vào năm 2011.
Với sự tự tin của Chính phủ trong việc công bố các chỉ tiêu
tăng trưởng trong năm 2010 và 2011, có thể thấy, tình hình lạm phát hiện đã
được kiềm chế tốt và các mục tiêu tăng trưởng có khả năng sẽ trở lại vị trí
trọng tâm trong chính sách vĩ mô thời gian tới, sau nửa đầu năm tập trung vào
nhiệm vụ chống lạm phát.
Ảnh hưởng quốc tế
Thị trường Mỹ đã có những dấu hiệu ổn định hơn trong ngắn
hạn sau khi đã điều chỉnh hơn 10% kể từ mức đỉnh thiết lập vào tháng 4/2010.
Các chỉ số kinh tế chung (niềm tin người tiêu dùng tăng lên cao nhất trong 2
năm, chỉ số bán lẻ giảm 1,2% so với tháng 4, tăng trưởng việc làm chậm lại)
đang cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng, dù không mạnh như những thời
kỳ sau khủng hoảng trong quá khứ, nhưng đủ để Mỹ không rơi vào khủng hoảng kép
như lo ngại của một số chuyên gia.
Tại châu Âu, mặc dù vẫn còn đó rủi ro hệ thống về cuộc khủng
hoảng nợ và khả năng lây lan sang hoạt động cho vay liên ngân hàng (các ngân
hàng Tây Ban Nha gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn từ các ngân hàng quốc
tế), nhưng việc Hy Lạp cho thấy những cải thiện đầu tiên trong việc cắt giảm
thâm hụt ngân sách và các nước lớn nhỏ trong khối EU thể hiện sự đồng tâm hiệp
lực hơn trong việc gây dựng lại niềm tin trong giới đầu tư.
Ít ra trong ngắn hạn thì các nỗ lực này đã được thị trường
đón nhận tích cực, thể hiện ở sự hồi phục của đồng EUR và việc các nước PIIGS
(Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha) vẫn bán được trái phiếu chính phủ, dù họ phải trả
lãi suất cao hơn.
Trung Quốc tiếp tục là một tâm điểm của bức tranh kinh tế
toàn cầu. Tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong tháng 5 giúp giới đầu tư tin tưởng
hơn vào đầu tàu kinh tế này trong việc giúp thế giới tránh khủng hoảng kép,
điều này (cộng với thâm hụt thương mại của Mỹ tăng trở lại) làm nóng trở lại
những vấn đề về tỷ giá.
Trong khi đó, bong bóng bất động sản của Trung Quốc đã có
những dấu hiệu tích cực dầu tiên (giá nhà tăng chậm lại và số giao dịch giảm
l/2), nhưng đây sẽ vẫn là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự hạ cánh mềm
của Trưng Quốc.
Tuy nhiên, dấu hiệu của một sự tăng trưởng nóng sau khủng
hoảng đã xuất hiện ở 3 nền kinh tế mới nổi được kỳ vọng sẽ là đầu tàu tăng
trưởng trong tương lai là Trung Quốc (lạm phát tháng 5/2010 lên tới trên 3%),
Ấn Độ (lạm phát gần 10%) và Braxin. Có khả năng các quốc gia này sẽ phải tăng
lãi suất để giảm bớt đà tăng nóng của lạm phát và tăng trưởng kinh tế trong
thời gian tới.
Diễn biển ngắn hạn và trung hạn
Thị trường tăng điểm trong một xu thế đi lên nhưng lại thiếu
thanh khoản. Đây là vấn đề dễ thấy của sự hồi phục (nếu có) lần này ở cả Việt Nam và thế giới
(Mỹ) khi giao dịch thấp hơn nhiều mức trung bình 50 ngày.
Thanh khoản đã được cải thiện hơn tại thị trường Việt Nam
trong đầu tuần giao dịch này (14 – 18/6), nhưng để thị trường thoát khỏi xu
hướng đi ngang hiện tại, chúng tôi chờ đợi mức thanh khoản trên 50 triệu cổ
phiếu trên sàn HOSE với giao dịch tập trung hơn vào các mã blue-chip.
Kể từ đầu năm tới nay, VN-Index vẫn đang giao dịch ở trong
dải 480 - 540 điểm và việc mua thấp bán cao trong vùng dao động này là chiến lược
hợp lý hiện tại. Chúng tôi kỳ vọng sự đi xuống của lãi suất cho vay và kết quả
kinh doanh tốt của các DN được công bố trong tháng 7 sẽ là động lực cho thị
trường đi lên trong quý III.
Xét về vĩ mô đang khá tích cực, khi nền kinh tế tăng trưởng
tốt dần lên với tỷ lệ lạm phát ổn định và đạt kỳ vọng. Trong khi các nước khác
như Trung Quốc, Ấn Độ hay Braxin đang phải đối mặt với việc rút các gói kích
thích và tăng lãi suất cơ bản thì Việt Nam đã xử lý tương đối tốt bài toán
tăng trưởng - lạm phát trong 2 quý đầu năm.
Nếu như không có các thông tin xấu hơn từ thế giới (chứng
khoán thế giới không đi vào downtrend), chúng tôi cho rằng, mức điểm hiện tại
(500 - 510 điểm của VN-Index) là điểm bắt đầu giải ngân hợp lý cho các NĐT có
cái nhìn trung, dài hạn.
Theo CTCP Quản lý Quỹ Sài Gòn – Hà Nội (SHF)
ĐTCK