MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

9 tháng đầu năm 2015, doanh nghiệp thủy sản gặp khó

Thua lỗ, lợi nhuận sa sút là tình cảnh mà nhiều doanh nghiệp thủy sản trên sàn niêm yết gặp phải trong 9 tháng đầu năm 2015.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam gặp không ít khó khăn trong 9 tháng đầu năm nay. Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2015 đạt 4,69 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Một thông tin rất đáng lưu tâm khi 9 tháng đầu năm 2015, số lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm là 165 lô, tăng 6 lô hàng so với cả năm 2014, còn số lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định hóa chất, kháng sinh là 78, tăng 10 lô so với cả năm 2014.

Theo đó, xuất khẩu thủy sản qua ba thị trường lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Nhật và EU đều có những lô hàng bị cảnh báo kéo theo giá trị xuất khẩu thủy sản vào các thị trường đều giảm mạnh như: Hoa Kỳ chỉ đạt khoảng 800 triệu USD, giảm 30%; Nhật Bản giảm 11%; Hàn Quốc giảm 12%.

Nguyên nhân được các chuyên gia nhìn nhận là do khủng hoảng kinh tế, ảnh hưởng của việc điều chỉnh tỷ giá của các nước cũng đã ảnh hưởng lớn tới giá trị xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt về giá với các nước khác. Chưa kể thời tiết năm 2015 khá khắc nghiệt so với năm trước…

Trên sàn niêm yết các doanh nghiệp thủy sản đã công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2015 kém khả quan. Đa số các doanh nghiệp đều có doanh thu giảm so với cùng kỳ, khó khăn về thị trường xuất khẩu, chịu ảnh hưởng của biến động tỷ giá...khiến cho AGF, ATA, VNH cùng báo lỗ, các doanh nghiệp khác lợi nhuận cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.

Doanh thu sụt giảm do giá bán ở thị trường xuất khẩu giảm cùng với gánh nặng chi phí tài chính trong đó có tới 12,7 tỷ đồng lỗ tỷ giá khiến Thủy sản An Giang (AGF) lỗ ròng gần 5 tỷ đồng trong quý 3, 9 tháng lãi vỏn vẹn chưa đến 2 triệu đồng giảm mạnh so với con số 74,8 tỷ đồng mà doanh nghiệp này đạt được trong 9 tháng đầu năm 2014.

Kinh doanh dưới giá vốn khiến NTACO (ATA) lỗ 642 triệu đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng 21 triệu đồng. Nguyên nhân thua lỗ là do công ty gặp khó khăn trong việc xuất khẩu từ khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp thuế chống bán phá giá cao. Cả 3 quý đầu năm kinh doanh thua lỗ nên lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, ATA lỗ tới 50,21 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 102 triệu đồng vượt xa kế hoạch lỗ 15 tỷ cả năm.

Chế biến Thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền (NGC) lãi giảm mạnh tới 98,4% và chỉ đạt vỏn vẹn hơn 112 triệu đồng. Trong kỳ NGC gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cung cấp cho sản xuất kéo dài nhiều tháng là nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất khiến sản lượng sản xuất sụt giảm đáng kể. Bên cạnh đó công ty chịu sự tác động mất giá của đồng EURO tại thị trường Châu Âu, đồng JPY Nhật Bản, đồng KRW của thị trường Hàn Quốc. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, NGC lãi vỏn vẹn hơn 310 triệu đồng, giảm 97% so với cùng kỳ năm 2014 và mới chỉ hoàn thành được 6% kế hoạch cả năm 2015.

Thủy hải sản Việt Nhật (VNH) cũng rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Công ty không ghi nhận doanh thu và giá vốn do không có đơn hàng xuất khẩu. Công ty chỉ ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính vỏn vẹn 3,4 triệu đồng. Theo đó, kết thúc quý 3, VNH báo lỗ ròng 944 triệu đồng, lỗ quý thứ 7 liên tiếp kể từ quý 1/2014. Tính chung 9 tháng đầu năm, VNH đạt 10,9 tỷ đồng doanh thu, tuy nhiên đây là doanh thu bán nguyên liệu trong nước nên không có lãi. Trong khi đó, các khoản chi phí vẫn phát sinh khiên công ty lỗ ròng hơn 3 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng nhất trong kỳ là Thực phẩm Sao Ta (FMC), doanh nghiệp này lãi ròng đạt 44,5 tỷ đồng tăng 171,34% so với cùng kỳ tương đương EPS đạt 2.225 đồng – Đây cũng là con số lãi cao nhất của doanh nghiệp này qua các quý kể từ khi niêm yết. Nguyên nhân lợi nhuận tăng trưởng là do trong kỳ, giá nguyên liệu giảm mạnh, công ty được bồi thường thiệt hại và hưởng ưu đãi thuế TNDN. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, FMC lãi ròng 76,89 tỷ đồng tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ tương đương EPS 9 tháng đạt 3.845 đồng.

Mặc dù lợi nhuận cũng sụt giảm so với cùng kỳ nhưng Thủy sản Bến Tre (ABT) vẫn duy trì được con số lợi nhuận khả quan so với các doanh nghiệp trong ngành, doanh thu 9 tháng vẫn tăng trưởng nhẹ, LNST 9 tháng đạt hơn 55 tỷ đồng giảm hơn 6 tỷ đồng so với cùng kỳ trong đó có một phần nguyên nhân đến từ biến động của hoạt động tài chính, chi phí tài chính tăng vọt lên hơn 30 tỷ đồng cao gấp hơn 4 lần cùng kỳ trong đó có 25,3 tỷ đồng lỗ do thanh lý các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn.

Đến thời điểm này còn 2 ông lớn thủy sản khác là Vĩnh Hoàn (VHC) và Hùng Vương (HVG) vẫn chưa công bố BCTC quý 3/2015.

Với những khó khăn mà doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải, các chuyên gia cho rằng mục tiêu năm 2015 giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 8,5 tỷ USD sẽ trở thành thách thức lớn đối với ngành thủy sản.

Trần Trang

HNX&HSX

Trở lên trên