Bạn không thể mê mà không yêu, yêu mà không hiểu. Nghề môi giới chứng khoán cũng vậy!
Nguyên tắc đam mê phải là: Hiểu – Yêu – Mê. Muốn gắn bó với nghề môi giới chứng khoán, bạn cần hiểu rõ về nó, chỉ khi hiểu rõ bạn mới biết mình có thật sự yêu hay không. Khi đó lòng đam mê của bạn sẽ “đốt cháy” sạch những khó khăn và mệt mỏi của công việc để giúp bạn đạt được giá trị cao nhất.
- 06-03-2016Nghề môi giới chứng khoán- sai 1 ly đi cả tỷ
- 28-02-2016"Từ bỏ Nghề môi giới chứng khoán, tôi được rất nhiều và không mất gì cả"
- 26-02-2016Nghề môi giới BĐS: Làm sao để thành công?
- 23-02-2016Tôi chọn Nghề môi giới chứng khoán vì một diễn viên trong phim
Tôi từng là nhà đầu tư bắt đầu làm quen với thị trường chứng khoán vào năm 2006 nên nhanh chóng bị cuốn vào cơn sóng của thị trường. Thời đó, chứng khoán "vui" lắm, người người chơi chứng khoán, nhà nhà chơi chứng khoán. Đi đâu người ta cũng nói về chứng khoán. Bởi vậy, tôi chọn nghề môi giới chứng khoán cũng không có gì làm lạ.
Cảm nhận của tôi lúc đó là: muốn có thật nhiều tiền một cách nhanh chóng thì phải vào làm Môi giới cho một công ty chứng khoán. Nhiều bạn bè tôi và các môi giới chứng khoán khác cũng đã chọn nghề vì suy nghĩ này.
Nhưng, sau con sóng lớn của thị trường lúc chúng tôi nhập cuộc đó là thứ mà chúng tôi và cả những người trong ngành chứng khoán chưa từng biết đến đó là: Có sóng tăng lớn thì ắt nhiên cũng có lúc con thuyền chở bạn bị nhấn chìm. Sau năm 2007 đến nay, đã không biết bao nhiêu môi giới chứng khoán bỏ nghề vì không tìm được cơ hội lao theo sóng (mà tôi gọi nhanh là "ăn sóng") nào cho “ra hồn”.
Bản thân tôi trải qua thời gian dài thị trường chứng khoán giảm mạnh, tôi nhận ra một điều, nếu chỉ làm nghề này mà chỉ canh me “ăn sóng” thì chắc chắn phải chuyển sang nghề khác. Thời điểm ấy, tôi nhận ra một điều nếu muốn “kiếm sống” phải dẹp bỏ tư duy “tìm sóng” của thị trường. Bản thân nghề môi giới là môi giới chứng khoán, môi giới dù có hiểu sâu thị trường đến thế nào đi nữa thì cũng không phải là nghề đầu tư. Đầu tư cá nhân, lao theo sóng của thị trường không phải là công việc.
Tôi đã có thời gian dài suy nghĩ và tìm ra chân lý đó. Thay vì cứ ngồi canh me những con sóng to, sóng nhỏ trên thị trường, tôi tập trung nghiên cứu sâu hơn về thị trường chứng khoán, các yếu tố nào tác động đến thị trường và nghiên cứu các doanh nghiệp tốt để đầu tư và khuyến nghị khách hàng đầu tư.
Tôi dần làm tốt công việc của tôi: công việc của một người môi giới. Tôi bỏ lại đằng sau cụm từ "ăn sóng" và chộp giật cơ hội thị trường.
Và, tôi bắt đầu hiểu thị trường chứng khoán. Hiểu rằng thị trường không phải là đêm đen với hàng trăm con đom đóm lập lòe, ai nhanh tay thì bắt được. Tôi tìm ra những quy tắc vận động của thị trường, những yếu tố vĩ mô, những yếu tố chiến lược của doanh nghiệp, cách nhìn nhận cơ hội đầu tư khi theo dõi cổ phiếu...
Từ chuyện của bản thân tôi, tôi cho rằng nghề Môi giới Chứng khoán không dành cho những ai xem việc này chỉ là “cơ hội ăn sóng” theo thị trường và không xem nó là “cơ hội cuộc sống”. Nếu bạn gắn với nghề mà chỉ với những mục đích “canh me” mua bán cho chính bản thân của mình hay khách hàng rõ ràng bạn chỉ là một cái “máy đặt lệnh” mua/bán không hơn không kém. Bây giờ, tôi nhìn những cái máy đó đáng thương lắm. Kiểu "canh me ăn sóng" không làm cho bạn giống như một nhà đầu tư mà giống với một tay chơi cờ bạc. Đỏ thì ăn, rủi thì chết. Mà thị trường rộng lớn này, chỉ cần xác suất may/rủi 50/50 thì bạn đã thua lỗ.
Câu chuyện xác suất này tôi không tiện kể rông dài ở đây nhưng sau này, khi hiểu thị trường, tôi biết chắc rằng 50 may/ 50 rủi cho mỗi lần không đem lại cho bạn chút tiền lời nào nếu không nói là lỗ. Cứ mỗi lần lỗ thì lần vào lệnh lãi phải lãi nhiều hơn....50/50 là lỗ và lỗ cả về thời gian, công sức, phí giao dịch....
Công việc thực sự của người Môi giới Chứng khoán khá đặc thù do khả năng khách hàng có thể thua lỗ khi giao dịch, nhưng họ cũng có thể lãi to trong quá trình giao dịch. Chính vì thế, để thuyết phục một khách hàng đầu tư vào thị trường không phải ai cũng làm được. Bạn phải thật sự am hiểu về tài chính, doanh nghiệp, luật và phân tích thị trường. Thậm chí là ngành nào bạn cũng phải có kiến thức, bởi trên thị trường chứng khoán có hàng trăm thậm chí hàng nghìn công ty ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Khi khách hàng đồng ý mở tài khoản rồi chưa phải là kết thúc, mà người môi giới chứng khoán còn phải tận tình phục vụ sau bán hàng. Khâu sau bán hàng (After sales service) của các bạn môi giới chứng khoán là cả một vấn đề sâu sắc mà các bạn phải liên tục tự nâng cấp năng lực tư vấn của mình lên mỗi ngày. Không phải cứ ngồi bàn giấy mà phục vụ, mà các môi giới chứng khoán còn phải đi thăm các doanh nghiệp, nơi khách hàng của họ đang nắm giữ cổ phiếu để nắm rõ tình hình thực tế của công ty, liên tục tìm thông tin thị trường để kịp thời hỗ trợ khách hàng tránh những rủi ro nhất định. Tôi có thể nói rằng chưa chắc “After sales service” của bất cứ kinh doanh lĩnh vực nào có thể khó khăn hơn như nghề môi giới chứng khoán. Do vậy chính những “chiến binh” môi giới chứng khoán mới là những người đáng được nể trọng hơn cả.
Nói như vậy mới thấy nghề môi giới chứng khoán chuyên nghiệp là một nghề rất khó khăn nhưng cũng là nghề được tưởng thưởng xứng đáng với những giọt mồ hôi và cả nước mắt mà chỉ có người trong nghề mới hiểu. Họ phải lắng nghe những than vãn, những trách móc và thậm chí là những lời chửi rủa khi khách hàng giận, thua lỗ…
Có lắm lúc Môi giới phải nuốt cơm và nước mắt khi nghĩ về những khó khăn, mệt nhọc và những lời khó nghe của khách hàng. Chỉ những ai có đủ lòng đam mê, đủ nhiệt huyết mới có thể trở thành Môi giới chứng khoán chuyên nghiệp, mới gắn với nghề lâu dài. Trong bất cứ công việc nào bạn làm cũng vậy, muốn thành công bạn phải có lòng đam mê thật sự và yêu nghề một cách nhiệt huyết nhất.
Có nhiều bạn vừa vào nghề chưa được bao lâu lại từ bỏ nghề này thì tôi cũng không thấy gì là lạ cả. Bởi bạn thật sự chưa hiểu rõ về nó. Bạn chưa hiểu những được/mất trong nghề. Có khi bạn ngộ nhận cái được nhiều hơn cái mất, nên khi va chạm những cái mất bạn bắt đầu thất vọng về nó.
Lấy một ví dụ về những người từng đoạt giải Nobel, bạn sẽ thấy rõ mục đích các công trình nghiên cứu của họ phần lớn không nhắm đến giải thưởng Nobel, đó là vì tình yêu, sự đam mê đối với khoa học. Điều này khác gì bạn chọn một công việc để làm. Nếu bạn chỉ nghĩ mình làm việc vì tiền thì có lẽ bạn sẽ không bao giờ có được nhiều tiền. Bạn chỉ có được nhiều tiền khi bạn tạo ra giá trị nhiều nhất trong công việc bạn đang làm. Nhưng giá trị cao nhất chỉ được tạo ra khi bạn có lòng đam mê với công việc đó mà thôi.
Nguyên tắc đam mê phải là: Hiểu – Yêu – Mê. Bạn không thể “mê” một người mà bạn không “yêu” và bạn cũng không thể “yêu” một người mà bạn không thể “hiểu” người ấy. Vậy trước khi chọn việc làm, phải nắm chắc mình hiểu rõ về nó, chỉ khi hiểu rõ bạn mới biết mình có thật sự yêu hay không. Khi đó lòng đam mê của bạn sẽ “đốt cháy” sạch những khó khăn và mệt mỏi của công việc để giúp bạn đạt được giá trị cao nhất.
Tôi kết thúc phần viết bài này dành cho các bạn môi giới chứng khoán chuyên nghiệp là: “Hãy tiếp tục hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau lưng bạn” Chúc các bạn thành công và mong các bạn có cái nhìn khác chuyên nghiệp hơn về những người trong nghề Chứng khoán.
Bài viết dự thi viết về Nghề môi giới chứng khoán xin gửi về email huongnguyenthithanh@vccorp.vn
Trí Thức Trẻ
- Đắng lòng nghề môi giới: Đặt lệnh nhầm
- Tôi không nhận ra sự bình yên giả tạo trước khi cơn bão bán tháo chứng khoán ập đến
- Nghề môi giới: Đừng nghĩ rằng mở xong tài khoản là thành nhà đầu tư!
- Nghề môi giới: Tôi đã từng dùng võ say để kiếm khách chơi chứng khoán thế nào
- Nếu từng nghĩ quẩn vì thua lỗ chứng khoán, hãy đọc những dòng tâm sự này của tôi...