MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán tài sản: Lãi lớn cũng chưa nói lên điều gì

Thời điểm mà ngay cả những công ty làm ăn hiệu quả vẫn phải đối mặt với rủi ro thì một quý thoát lỗ của các DN khó khăn vẫn chưa thể nói lên được gì nhiều.

Với kết quả hiện tại, nhiều chuyên gia kỳ vọng hoạt động kinh doanh của DN phục hồi tích cực và mở ra cơ hội vượt khó cho các DN niêm yết, vốn đã thua lỗ trong những quý trước đó. Tuy nhiên, một quý thoát lỗ của các DN khó khăn vẫn chưa thể nói lên được gì nhiều.

Bức tranh lợi nhuận quý III/2013 của DN niêm yết đang cho thấy những biểu hiện tích cực: tăng trưởng doanh thu 9% so với cùng kỳ; tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) trung bình 1%; và tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình 3%, theo thống kê của CTCK Rồng Việt. Đáng chú ý là không chỉ DN niêm yết có vốn hóa lớn thông báo lãi trong quý vừa qua mà ngay cả các DN có lịch sử lỗ dài cũng đã thoát lỗ, bước đầu có lãi.

Thanh lý tài sản tạo lợi nhuận khó kéo dài

Vosco (VOS) là một ví dụ. Quý III/2012, DN ngành vận tải biển này lỗ hơn 25 tỷ đồng thì nay tình hình dường như đã đảo chiều. Báo cáo tài chính quý III/2013 của VOS công bố con số lợi nhuận đạt được gần 29 tỷ đồng.

Hay với PXM (CTCP Xây lắp dầu khí miền Trung), DN hiện đang phải giao dịch dưới dạng kiểm soát trong 15 phút cuối mỗi phiên để xác định giá đóng cửa. Thị giá cổ phiếu này cũng thuộc hàng bèo bọt với khoảng 1.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư chắc hẳn phải bất ngờ khi sau 5 quý thua lỗ, quý III/2013 PXM báo lãi 8 tỷ đồng. Nguyên nhân là có một khoản thu nhập từ hoạt động tài chính.

Trường hợp đáng lưu ý khác là Vneco (VNE). Trong quý đầu tiên của năm 2013, DN này lỗ gần 5 tỷ đồng. Nhưng sang quý II, công ty bắt đầu "gỡ gạc" để kết thúc nửa đầu năm có lãi hơn nửa tỷ đồng. Đến quý III/2013, lợi nhuận của VNE gia tăng lên hơn 10 tỷ đồng do giá vốn trong hoạt động của công ty sụt giảm. Cùng với việc có chút ít cải thiện trong kinh doanh, giá cổ phiếu của VNE sau thời gian dài “im tiếng” thì chỉ trong vài phiên đã tăng mạnh từ 4.000 đồng lên 6.600 đồng/cổ phiếu.

Với kết quả hiện tại, nhiều chuyên gia kỳ vọng hoạt động kinh doanh của DN phục hồi tích cực và mở ra cơ hội vượt khó cho các DN niêm yết, vốn đã thua lỗ trong những quý trước đó. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn khuyên rằng, thời điểm mà ngay cả những công ty làm ăn hiệu quả vẫn phải đối mặt với rủi ro thì một quý thoát lỗ của các DN khó khăn vẫn chưa thể nói lên được gì nhiều.

Quay lại với trường hợp của VOS, với diễn biến tương đối thuận lợi của ngành vận tải biển thông qua việc chỉ số cước thuê tàu hàng khô (BDI) cải thiện, công ty đã lên kế hoạch bố trí các tàu khai thác ở tuyến hợp lý, hiệu quả cao. Cùng với đó, VOS cũng đang tiến hành thanh lý thêm 2 tàu hàng khô là Ocean Star và tàu Morning Star nhằm mục tiêu cải thiện kết quả kinh doanh năm 2013.

Những động thái này thực ra cũng chỉ từng bước giúp VOS vượt qua khó khăn và cũng chưa có gì đột phá. Bán tàu thì từ lâu đã được xem là cứu cánh của công ty vận tải biển, nhưng số lượng tàu để bán được cũng chỉ có giới hạn.

Trong khi đó, để có thể khai thác diễn biến thuận lợi của thị trường vận tải biển, DN cần tận dụng nhiều lợi thế trong hoạt động như quy mô, tải trọng và giá cước của đội tàu. Trong khi tính đến thời điểm 30/9/2013, lỗ lũy kế của VOS đã lên đến hơn 180 tỷ đồng, vay ngân hàng cũng tầm 3.000 tỷ đồng. Vậy nên, lợi nhuận làm ra trong ngắn hạn chủ yếu vẫn chỉ để trả nợ và bù lỗ. Áp lực vẫn sẽ còn đè nặng.

Hay chuyện báo lãi của PXM, nếu quan sát kỹ, nhà đầu tư dễ thấy rằng, khoản lãi 8 tỷ đồng kia không là gì so với khoản lỗ luỹ kế của PXM tính đến thời điểm 30/9 đã lên đến hơn 240 tỷ đồng, trong khi công ty chỉ có vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Trường hợp của VNE cũng không khá hơn, nhà đầu tư thấy rõ hoạt động của DN hiện còn khá thất thường.

Trong khoảng một năm tới, công ty còn phải đáo hạn lượng trái phiếu có giá trị lên đến 350 tỷ đồng. Việc "xoay" cho ra số tiền mặt để đáo hạn trái phiếu hàng trăm tỷ đồng không phải đơn giản, nhất là khi công ty vẫn đang trong giai đoạn "ăn đong" lợi nhuận.

Một điểm quan trọng mà giới phân tích khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng lúc này là tỷ lệ nợ trên tổng tài sản bình quân của các DN niêm yết tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khoản đầu tư dài hạn vì nó gây ngộ nhận về giá và thanh khoản. Chẳng hạn, quý III/2013 thị trường chứng kiến sự trở lại của một số cổ phiếu ngành than sau nửa đầu năm gặp khó khăn.

Theo đó, 6 tháng đầu năm, TDN (Than Đèo Nai) lỗ gần 60 tỷ đồng, TCS (Than Cao Sơn) lỗ gần 70 tỷ đồng. Sang đến quý III/2013, TDN đã nỗ lực hơn trong việc tiêu thụ, đồng thời giá than cũng gia tăng nên lợi nhuận sau thuế đạt gần 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu muốn thoát lỗ trong năm 2013, thì quý này, TDN sẽ phải nỗ lực để đạt được mức lợi nhuận gấp gần 3 lần quý trước. Hay quý vừa qua, TCS có lợi nhuận thuần 10 tỷ đồng, nhưng 9 tháng vẫn lỗ gần 95 tỷ đồng.

Một vấn đề mà các DN than niêm yết đang phải đối mặt là lượng tồn kho lớn. Kèm theo đó, nhiều DN có các khoản vay ngắn hạn nên chắc chắn phải chịu áp lực tiêu thụ, áp lực trả lãi vay. Để bán được hàng bằng mọi giá, có thể DN phải hạ giá. Nhưng hạ giá có thể dẫn đến thua lỗ nặng hơn. Trong khi nếu không bán hàng, nợ nần trở thành gánh nặng hàng ngày...

Theo Kim

phuongmai

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên