MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo cáo tài chính - chuyện vui về những số 0

"Việc này khó như việc một người tiêu hết toàn bộ số lương nhận được trong một tháng, đúng đến từng đồng lẻ mà không thừa một xu, không vay một đồng"

Mùa báo cáo tài chính soát xét, Vận tải biển Hải Âu (SSG) vừa công bố kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm bằng 0. Xin nhấn mạnh, đây không phải là con số làm tròn. Và kết quả này được kiểm toán báo cáo soát xét thông qua.

Không ít người băn khoăn, một doanh nghiệp có thể thua lỗ, có thể lãi. Nhưng xác suất để có một kỳ kinh doanh với con số lẻ đều bằng 0, là cực kỳ hiếm hoi và có phần phi lý. Doanh thu và chi phí của doanh nghiệp được hạch toán theo chuẩn mực kế toán và các bằng chứng giao dịch. Vậy nên, để có 2 khoản mục hoàn toàn bằng nhau (doanh thu - chi phí) là điều không dễ dàng, khi mà mỗi khoản mục là tổng hợp cả chục, cả trăm nghiệp vụ trong kỳ.

"Việc này khó như việc một người tiêu hết toàn bộ số lương nhận được trong một tháng, đúng đến từng đồng lẻ mà không thừa một xu, không vay một đồng" - có người ví von.

Trường hợp của SSG còn thú vị ở chỗ, theo báo cáo kết quả kinh doanh, hoạt động kinh doanh chính của công ty không có gì bất ngờ, lỗ thuần 9,5 tỷ đồng (cùng kỳ 2013 công ty lỗ thuần 9,8 tỷ đồng). Trong khi đó, hoạt động khác của SSG bao gồm bán tàu và nhiên liệu, tạo ra một khoản lợi nhuận đúng bằng 9,5 tỷ đồng, cân đối đến từng đồng! Quan sát thu nhập và chi phí khác, chỉ thấy doanh thu và chi phí liên quan đến 2 nghiệp vụ nói trên.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên một doanh nghiệp công bố lợi nhuận bằng 0. Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) đã hơn một lần có kết quả kinh doanh tương tự. Công ty này được biết đến với "biệt tài" kinh doanh hòa vốn suốt nhiều quý. Tuy nhiên, khi có báo cáo soát xét/kiểm toán, doanh thu và chi phí của HT1 đã không còn cân đối một các tuyệt đối như báo cáo công ty tự lập.

Đơn cử, báo cáo quý 4/2011 của HT1 cho thấy công ty có lợi nhuận bằng 0, kéo theo kết quả kinh doanh cả năm bằng 0. Quan sát thu nhập và chi phí khác của HT1 có khoản mục thu nhập khác, chi phí khác ngoài những khoản "rõ ràng" hơn từ nhượng bán thanh lý tài sản, phạt vi phạm hợp đồng... Khoản lỗ khác của HT1 trong quý 4/2011 có giá trị đúng bằng lãi thuần thu được trong kỳ. Báo cáo của HT1 vì vậy bỏ ngỏ khả năng công ty hạch toán một khoản bù trừ trong kỳ để có kết quả "đẹp" đến thế.

Báo cáo kiểm toán 2011 HT1 đã lỗ ròng 8,9 tỷ đồng, thay vì 0 đồng như công ty đã báo cáo trước đó. Kết quả này của HT1 không có nhiều điều để nói về mặt kỹ thuật.

Kế hoạch lợi nhuận 0 đồng

Bên cạnh việc công bố lợi nhuận bằng 0, một số doanh nghiệp còn đặt kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu lợi nhuận đúng bằng con số tròn trĩnh này. Có thể kể đến Hữu Liên Á Châu (HLA) với kế hoạch lợi nhuận 0 đồng năm 2014 sau khi tái cấu trúc nguồn vốn. Năm 2013 một loạt doanh nghiệp khác cũng đề ra con số tương tự: Viglacera Từ Sơn (VTS),Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC), Viglacera Đông Anh (DAC),... Năm 2012 có Licogi 16 (LCG)...

Xem thêm

LCG: Năm 2012 kế hoạch lợi nhuận 0 đồng

DAC: Lên kế hoạch 0 đồng lợi nhuận năm 2013

VTS: Lên kế hoạch lợi nhuận 0 đồng năm 2013

PHC: 100% cổ đông đồng thuận phương án 0 đồng LNTT năm 2013

Hữu Liên Á Châu: Năm 2014 sẽ tái cấu trúc nguồn vốn, đặt kế lợi nhuận 0 đồng


Cần thấy rằng, đây là những doanh nghiệp vừa trải qua những kỳ kinh doanh khó khăn và dự báo những khó khăn sẽ còn tiếp tục vào năm tới. Đặt kế hoạch 0 đồng, HĐQT công ty có thể "dễ thở" hơn trước ĐHCĐ, những người luôn yêu cầu một kết quả kinh doanh tốt nhất có thể. Ít doanh nghiệp nào "dám" đề xuất kế hoạch kinh doanh thua lỗ, mặc dù trong dự tính, doanh nghiệp đó khó có thể có lãi. Lợi nhuận kế hoạch bằng 0 là một lựa chọn khôn ngoan trong trường hợp này.

Kết quả của những kế hoạch cẩn trọng đó là gì?


Năm 2012, LCG lỗ ròng 36 tỷ đồng. Năm 2013, VTS lỗ ròng 3,4 tỷ đồng, PHC lãi 7,8 tỷ đồng, DAC lãi 2,2 tỷ đồng. Với riêng HLA, hiện kết quả 9 tháng niên độ tài chính 2013 - 2014 (1/7/2013 - 30/6/2014) công ty đã lỗ ròng tới 413 tỷ đồng. Chỉ còn 1 quý nữa, công ty khó có thể thực hiện được mục tiêu khiêm tốn đề ra. Cho dù thực tế, cổ đông cũng chẳng kỳ vọng gì nhiều khi doanh nghiệp tuyên bố sẽ không có lãi.

Như vậy là, đối với các doanh nghiệp đặt kế hoạch không lợi nhuận, thông thường công ty hoặc lỗ sâu, hoặc lãi mỏng. Điều này phù hợp với những dự đoán e ngại của HĐQT công ty.

>> Làm đẹp báo cáo, không khó

Bài liên quan:

Vận tải biển Hải Âu: 6 tháng không lợi nhuận

HT1: Quý thứ 4 liên tiếp không có lợi nhuận

HT1: Quý thứ 3 liên tiếp không có lợi nhuận

HT1: Năm 2011 không có lợi nhuận

TXM: Quý I/2010 không có lợi nhuận


Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên