MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị “hắt hủi” khi IPO, cổ phiếu này đã tăng gấp 4 lần chỉ trong vòng 2 tháng

Lúc lên sàn cuối tháng 12/2015, một cổ phiếu Triển lãm Giảng Võ có giá chỉ 10.100 đồng, hiện giờ đã là trên 40.000 đồng.

Ế ẩm khi IPO

Công ty TNHH MTV Trung tâm hội chợ Triển lãm Việt Nam (Triển lãm Giảng Võ, VEFAC) có trụ sở tại 148 Giảng Võ – Hà Nội được xây dựng phương án cổ phần hóa theo hình thức giữ nguyên phần vốn Nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Theo đó, vốn điều lệ của công ty sau cổ phần hóa sẽ tăng từ 166,6 tỷ đồng lên 1.666 tỷ đồng, trong đó nhà nước sở hữu 10% cổ phần, nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 80% cổ phần, còn lại bán đấu giá ra thị trường.

Sở hữu khu đất vàng quý giá, việc cổ phần hóa doanh nghiệp này thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, phiên đấu giá chào bán cổ phần ra công chúng được tổ chức vào ngày 20/03/2015 không thành công như mong đợi khi số lượng đặt mua chỉ có 620.500 cổ phần tương đương 3,8% lượng đấu giá. Giá đấu thành công bình quân cũng chỉ cao hơn mệnh giá một chút, đạt 10.058 đồng/cp.

Do đó, cổ đông chiến lược Vingroup đã nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần còn lại, tương đương 9,42%. Sau phiên đấu giá, Vingroup nắm giữ 89,42% của VEFAC, bao gồm 80% dành cho nhà đầu tư chiến lược bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm và 9,42% cổ phần được tự do chuyển nhượng.

Và tăng phi mã khi lên sàn

Ngày 22/12/2015, cổ phiếu VEF của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam chính thức giao dịch trên sàn Upcom với giá chào sàn 10.100 đồng. Ngay sau đó, cổ đông chiến lược đã đăng ký bán ra gần 15,7 triệu cổ phiếu VEF để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 80% vốn điều lệ của VEF – con số của cổ đông chiến lược trong phương án cổ phần hóa ban đầu.

VEFAC vốn đã hấp dẫn với những yếu tố “cơ bản” về đất đai như nắm quyền quản lý khai thác khu đất vàng rộng gần 7 ha tại 148 Giảng Võ. Việc cổ phần hóa VEFAC còn gắn liền với 3 dự án: Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia trên trục Nhật Tân - Nội Bài (Dự án Nhật Tân - Nội Bài), Dự án Giảng Võ và Dự án Mễ Trì.

Ngoài ra, công ty này cũng sở hữu cơ sở vật chất gồm 3 nhà trưng bày với tổng diện tích gần 10 nghìn m2, 3 nhà hội thảo cùng hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, có thể tổ chức các cuộc triển lãm có quy mô tầm cỡ quốc tế hoặc cùng lúc tổ chức nhiều sự kiện khác nhau.

Song dường như bấy giờ, việc niêm yết trên sàn Upcom mới khiến cho doanh nghiệp “đất vàng” này đủ sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Từ đó đến nay, cổ phiếu này vẫn không ngừng đi lên và chỉ sau hơn 2 tháng, giá đã tăng gấp 4 lần, đạt 41.000 đồng/cp vào ngày 29/02/2016.

 

Biến động giá cổ phiếu VEF từ khi lên sàn
Biến động giá cổ phiếu VEF từ khi lên sàn

Với thị giá hiện tại, những nhà đầu tư đã mua tại mức giá rẻ trong phiên đấu giá hoàn toàn có thể hài lòng về khoản đầu tư của mình.

 

Bảo Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên