Bùng nổ quỹ mở: Chứng khoán có hưởng lợi?
Lượng quỹ mở "bùng nổ" cho thấy các công ty quản lý quỹ phản ứng nhanh nhạy với thị trường, nhằm đón đầu thời kỳ tăng trưởng mới.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã cấp phép thành lập cho 4 quỹ mở, hiện đang xem xét hồ sơ để cấp phép cho 5 quỹ mở nữa. Số lượng quỹ mở dự kiến thành lập trong năm 2013 từ 15 - 20 quỹ. Như vậy, cho đến nay, Việt Nam có 47 công ty quản lý quỹ, 18 quỹ đầu tư chứng khoán (gồm 5 quỹ đại chúng, 9 quỹ thành viên và 4 quỹ mở), 8 quỹ đầu tư đang hoàn tất thủ tục giải thể, 26 văn phòng đại diện đang hoạt động trên thị trường.
Khó khăn vẫn thành lập?
Trong 6 tháng đầu năm, số lượng công ty quản lý quỹ thực tế hoạt động từng bước được thu hẹp. Một số công ty rút khỏi thị trường dưới các hình thức khác nhau, trong đó có 1 công ty đang giải thể, 1 công ty tạm ngừng hoạt động, 2 công ty bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Vì sao trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) ảm đạm mà các quỹ tiếp tục được thành lập và mở rộng? Các chuyên gia chứng khoán cho rằng dù hoạt động của nhiều quỹ không đạt hiệu quả cao, nhưng việc ra đời một loạt quỹ mở cho thấy sự nhanh nhạy của các công ty quản lý quỹ. Bởi các quỹ này có thể bán lại chứng chỉ quỹ hay rút vốn bất cứ lúc nào, chứ không bị ràng buộc như quỹ đóng trước đây.
Hơn nữa, khi TTCK khó khăn, cơ quan quản lý đang cần vốn đổ vào TTCK, nên việc lập quỹ được khuyến khích, mọi thủ tục rất thuận lợi. Mặt khác, các công ty quản lý quỹ không muốn là kẻ "chậm chân" trong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới. Ngoài ra, công ty quản lý quỹ nỗ lực chuyển các quỹ đóng sang quỹ mở, để giữ khách hàng ở lại với quỹ, thay vì giải thể quỹ hay đón đầu việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới.
Một lý do khác, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn khó khăn, việc lập quỹ mở chuyên đầu tư vào trái phiếu vừa an toàn, vừa đạt tỷ lệ sinh lời khá hấp dẫn so với nhiều kênh đầu tư khác.
Tuy nhiên, giám đốc một quỹ cho biết, thị trường cổ phiếu ít nhiều sôi động trở lại, nên nhà đầu tư không dễ hướng sang các quỹ đầu tư trái phiếu. Các NĐT tổ chức lại cần thêm thời gian và động lực để đầu tư vào quỹ mở, khi mà các tổ chức, doanh nghiệp đều đang co hẹp hoạt động đầu tư vào TTCK sau một năm thua lỗ nhiều.Hiện tại, Công ty Quản lý quỹ Eastspring Investments đang chiếm thị phần lớn nhất khoảng 38% tổng tài sản ngành quỹ tại Việt Nam. Công ty này đang thực hiện một đợt đào tạo lớn về quỹ mở tại khối CTCK. Điều đó chứng tỏ quỹ mở được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Còn đại diện của quỹ PRUBF1 cho biết, sau khi giải thể quỹ và hoàn tất thanh lý tài sản vào tháng 10/2013, sẽ tiếp tục cho ra những sản phẩm mới để NĐT quan tâm có thể tham gia đầu tư thông qua những sản phẩm quỹ mới.
Với VinaWealth, bên cạnh quỹ mở trái phiếu VFF, công ty này có thể sẽ đưa ra thị trường thêm một quỹ cổ phiếu và một quỹ cân bằng hoặc quỹ công cụ thị trường tiền tệ dự kiến vào tháng 8/2013.
Cơ hội thâu tóm doanh nghiệp?
Để NĐT quan tâm đến quỹ mở, theo các công ty quản lý quỹ, cần sớm miễn thuế đối với lợi nhuận được chia từ quỹ đầu tư, hoặc áp dụng thuế suất từng phần cho từng khoản thu nhập; giảm 50% thuế chuyển nhượng chứng chỉ quỹ (còn 0,05%) cho tổ chức đầu tư nước ngoài và cá nhân; miễn thuế đối với lợi tức được chia từ quỹ trái phiếu hoặc áp dụng thuế suất 5% như trường hợp NĐT trực tiếp đầu tư vào trái phiếu.
UBCKNN cho biết, ưu đãi thuế là công cụ mạnh để thu hút NĐT đến với quỹ mở, qua đó, thúc đẩy quỹ đầu tư có đà phát triển khi đang ở giai đoạn sơ khởi. Thế nhưng, công cụ ưu đãi thuế đối với chứng khoán đã chấm dứt, nên quỹ mở cũng phần nào kém hấp dẫn.
Cho nên, nhiều chuyên gia cho rằng quỹ mở được thành lập nhiều sẽ giúp các NĐT mở rộng cơ hội thâu tóm doanh nghiệp. Bởi lẽ TTCK ảm đạm kéo dài, đẩy giá cổ phiếu xuống thấp, tài sản rẻ sẽ hấp dẫn NĐT nước ngoài.
Tuy nhiên, trên thực tế, khối ngoại hiện đang bị giới hạn bởi tỷ lệ sở hữu tối đa đối với doanh nghiệp Việt là 49%, một số lĩnh vực đặc biệt như ngân hàng thì chỉ là (30%)... Với quy định này, nhiều NĐT nước ngoài có tiềm lực mạnh muốn gia tăng sở hữu cổ phần tại một doanh nghiệp vượt quá "room" cho phép là điều không thể.
Vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng quỹ mở sẽ là cơ hội để NĐT nước ngoài gia tăng tỷ lệ sở hữu những cổ phiếu đã hết room mà không bị hạn chế khi giao dịch thông qua chứng chỉ quỹ mở.
Quỹ mở đại chúng được thành lập để đáp ứng nhiều mục tiêu khác nhau của NĐT, vừa giúp NĐT gia tăng sở hữu về room ngoại và phải đảm bảo thanh
khoản cao để NĐT có thể rút vốn bất cứ lúc nào.
Như vậy, nếu không có gì thay đổi, khi quỹ đầu tư gặp thuận lợi trong việc thu hút vốn thì dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm hàng loạt quỹ mở ra đời với nhiều loại tài sản khác nhau. Qua đó, TTCK có thể thu hút thêm nhiều NĐT mới, với những nguồn vốn khác nhau, tạo nền tảng để phát triển sôi động và hấp dẫn hơn.
Theo Sơn Long