MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Câu chuyện cuối tuần] Jesse Livermore – Kẻ đầu cơ vĩ đại và nhà đầu tư đại tài

“Phố Wall vẫn vậy. Không thể có gì mới bởi vì sự đầu cơ cũng xưa như Trái đất. Bất kì điều gì xảy ra trên thị trường chứng khoán hôm nay đều đã xảy ra trước đó và nó sẽ tiếp tục xảy ra.”

Ngày 24/10/1929 được biết đến với cái tên “ngày thứ Năm đen tối” khi toàn bộ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ rớt giá thẳng đứng kéo theo sự sụt giảm một cách tồi tệ của các chỉ số. Nhanh như cắt, thị trường mất 11% giá trị. Từ ngày 28/10 đến ngày 29/10, vốn hóa thị trường mất tới 30 tỷ USD.

Thế nhưng, trong những ngày khủng khiếp ấy, một người đàn ông đã “đút túi” hơn 100 triệu USD và trở thành “huyền thoại đầu cơ” phố Wall bởi từ trước đó nửa năm, ông ta đã đầu tư cổ phiếu theo nguyên tắc giá giảm.

Đó là Jesse Livermore (J.L), và phi vụ nói trên được cho là phi vụ đầu cơ lớn nhất của người đàn ông này.

Sinh ra ở thị trấn South Acton, tiểu bang Massachusetts trong một gia đình nông dân, J.L bỏ học từ năm 15 tuổi. Kiếm được việc tại công ty Chứng khoán Paine Webbertại Boston, J.L đã bước chân vào giới tài chính bằng công việc là ghi các thông tin cập nhật về giá cổ phiếu, trái phiếu và các loại hàng hóa lên tấm bảng lớn.

Trong quá trình làm việc của mình, J.L lưu trữ trong đầu sự biến động của giá cả và nhận ra rằng giá cả thường thay đổi theo chiều hướng có thể đoán được. Theo đó, ông ta tin tưởng rằng có thể chiến thắng được thị trường để làm giàu.

Điều này được thể hiện qua câu nói nổi tiếng của ông: “Phố Wall vẫn vậy. Không thể có gì mới bởi vì sự đầu cơ cũng xưa cũ như Trái đất. Bất kì điều gì xảy ra trên thị trường chứng khoán hôm nay đều đã xảy ra trước đó và nó sẽ tiếp tục xảy ra.”

Không chỉ “ngày thứ Năm đen tối”, cái tên Jesse Livermore còn gắn với nhiều phi vụ đầu cơ nổi tiếng khác, vơ vét được từ những siêu thảm họa. Được nhắc đến nhiều nhất là “cơn hoảng loạn 1907” hay vụ động đất tại San Francisco năm 1906 – thảm họa thiên nhiên lớn nhất nước Mỹ tính đến thời điểm đó.

Đầu cơ là trò chơi hấp dẫn nhất trên thế giới. Nhưng để trở thành “kẻ đầu cơ vĩ đại”, J.L không phải chỉ có vận may hay sự liều lĩnh. Ông ta khẳng định: “ Đầu cơ không phải là trò chơi dành cho sự ngu dốt, tinh thần lười biếng, cho những kẻ không thể kiểm soát được cảm xúc hay là cho những tay phiêu lưu muốn làm giàu nhanh chóng. Tất cả bọn họ đều sẽ chết nghèo.”

Dù được gọi là kẻ đầu cơ nhiều hơn là những cái tên kính cẩn như “huyền thoại đầu tư” chẳng hạn, nhưng triết lý đầu tư của Livermore thực sự đáng lưu danh sử sách.

Ông có 2 chiến lược giao dịch chứng khoán.

Một là chiến lược "kim tự tháp". Đây là mô hình mua thêm cổ phiếu khi giá cổ phiếu đó đang tăng. Vào thời điểm đó, chiến lược này quá khác biệt với chiến lược phổ biến là "mua thấp, bán cao". Livermore lập luận, khi giá cổ phiếu ông mua tăng giá, nó chứng minh rằng ông đã quyết định đúng, nên tiếp tục mua vào.

Chiến lược thứ 2 là "thăm dò". J.L thực hiện việc mua có tính cách thăm dò một số cổ phiếu. Sau một thời gian ngắn, dựa vào hiệu quả lợi nhuận của những cổ phiếu thăm dò này, hoặc là ông bán hẳn, còn không thì sẽ mua thật nhiều để đưa vào "kim tự tháp" của mình.

Và mặc dù nổi tiếng bởi sự liều lĩnh nhưng Livermore luôn nhớ “Hãy đổ tiền vào khi thị trường thuận theo triết lý của bạn nhưng phải biết cắt lỗ thật nhanh”.

Ngoài ra, một câu nói nổi tiếng của J.L mà thiết nghĩ nhà đầu tư cần khắc cốt ghi tâm là: “Tôi đã quá mệt với việc công chúng hay báo chí đổ lỗi cho thị trường về việc những tên ngốc làm mất tiền của mình. Người thành công là người có những khoản thua lỗ lớn nhất. Anh ta đã tạo dựng vận may từ chính cuộc đời mình. Bằng cách nào? Bằng cách làm việc quanh năm, bằng cách học tất cả để biết về nó, bằng việc chớp lấy những cơ hội hợp lý, bằng việc sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình để dự đoán xác suất.”

Kim Dung

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên