Chặn “thổi giá” bằng chiêu mua cổ phiếu quỹ “ảo”
Buộc công ty phải mua cổ phiếu quỹ khi đã công bố. Đây là một trong những nội dung mới sẽ được áp dụng trên thị trường chứng khoán, tránh tình trạng doanh nghiệp niêm yết lợi dụng việc mua cổ phiếu quỹ nhưng lại không mua hoặc mua không hết để làm giá.
- 27-01-2016Tạm hoãn "Hội thảo nhận định cổ phiếu HAG"
- 26-01-2016HVG, REE, MWG, FIT, DLG, CDO, PXA: Thông tin giao dịch lượng lớn cổ phiếu
- 26-01-2016Nội công ngoại kích, cổ phiếu ngành thép ảm đạm
Công bố mua rồi bỏ
Nhiều doanh nghiệp niêm yết trong thời gian qua nhằm cứu giá cổ phiếu đã công bố thông tin mua vào cổ phiếu quỹ với một mức giá công bố thường là cao hơn thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp lúc đó. Tuy nhiên, khối lượng cổ phiếu quỹ mua vào chỉ được thực hiện rất ít với nhiều lý do khác nhau.
Điều này dẫn đến tình trạng khi doanh nghiệp công bố mua cổ phiếu quỹ thì giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó tăng mạnh, sau đó giá rớt trở lại khi doanh nghiệp mua không hết lượng cổ phiếu quỹ đã công bố.
Đơn cử như trường hợp của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) cũng không mua hết số lượng cổ phiếu quỹ đã đăng ký.
Theo công bố của HAG, công ty sẽ tiến hành mua 10 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 10/6 - 9/7/2015. Thời điểm này, giá của cổ phiếu HAG đang giảm mạnh mức 17.700 - 19.700 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, 10 triệu cổ phiếu quỹ bị hoãn mua vào phút chót trước 3 ngày kết thúc hạn đăng ký mua với lý do dồn tiền tập trung vào các dự án mới của công ty.
Từ đó đến nay, giá cổ phiếu HAG tuột dốc không phanh về dưới mệnh giá, tính đến phiên 26/1.
Trường hợp của Tổng công ty Khí Việt Nam – PV Gas (mã GAS) cũng bất ngờ không kém khi ngay đầu năm 2015 đã công bố mua 10 triệu cổ phiếu quỹ được thực hiện trong 05 ngày từ ngày 25/03/2015 – 31/03/2015, giá thực hiện tối đa là 100.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, GAS sẽ phải bỏ tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng “ôm” khối cổ phiếu này.
Thị giá của GAS lúc này là 74.000 đồng/cổ phiếu, cách khá xa so với giá mục tiêu mà công ty đưa ra là 100.000 đồng/cổ phiếu.
Kết quả không bất ngờ khi GAS chỉ mua vào vỏn vẹn gần 602.000 cổ phiếu quỹ, tương đương 6% số lượng cổ phiếu đăng ký mua vào.
Sau khi kết thúc việc “mồi” mua cổ phiếu quỹ này, giá cổ phiếu của GAS vẫn giảm mạnh về mốc 63.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 31/3/2015.
Từ đó đến nay, giá của GAS lao dốc không phanh cùng với giá dầu giảm thê thảm, hiện thị giá của GAS còn 34.400 đồng/cổ phiếu.
Với doanh nghiệp cùng ngành là Tổng công ty cổ phần khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (mã PVD), trong 6 tháng đầu năm 2015 đã 2 lần đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu quỹ. Lần đăng ký thứ nhất mua cổ phiếu quỹ từ 1/2 - 13/3/2015 nhưng công ty không mua được cổ phiếu nào nguyên nhân do nghỉ Tết Âm lịch. Lần thứ hai PVD đăng ký mua từ ngày 23/4 - 23/5/2015 nhưng chỉ mua được hơn 300.000 cổ phiếu.
Trong một tháng PVD thực hiện giao dịch mua cổ phiếu quỹ, giá cổ phiếu PVD nằm trong khoảng từ 42.000- 48.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện nay, giá của PVD cũng rớt thảm về mốc 21.300 đồng/cổ phiếu.
Giá cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Kinh Đô (mã KDC) giảm một nửa sau khi công ty chia cổ tức khủng 200%, từ mức 50.000 đồng/cổ phiếu giảm điều chỉnh còn 24.000 - 25.000 đồng/cổ phiếu.
Sau đó, KDC đã thông báo đăng ký mua 40 triệu cổ phiếu quỹ. Thời gian thực hiện mua từ ngày 12/10/2015 đến ngày 12/11/2015 với giá không quá 30.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền KDC dự kiến bỏ ra để mua cổ phiếu quỹ sẽ lên đến 1.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó, ngày 13/10/2015 KDC đã thay đổi kế hoạch và thông báo nghị quyết mới và chỉ mua 29,5 triệu cổ phiếu quỹ. Giao dịch thực hiện từ 17/11 - 16/12/2015 thông qua khớp lệnh trên sàn và giao dịch thỏa thuận.
KDC đã mua thành công số lượng cổ phiếu quỹ này với mức giá trung bình là 27.300 đồng/cổ phiếu, tổng tiền chi ra khoảng 805 tỷ đồng.
Giá KDC cũng xập xình quanh mức 23.000 - 28.000 đồng cổ phiếu những tháng cuối năm 2015 và về mức 22.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.
Việc công ty đặt mua cổ phiếu quỹ cũng góp phần có tác động làm tăng giá tâm lý của chính cổ phiếu đó. Vì thường công ty công bố mua cổ phiếu quỹ nhưng phải sau một thời gian mới thực hiện.
Chẳng hạn với trường hợp GAS, đăng kí mua thì từ tháng 3/2015, nhưng thông tin thì đã được công bố từ tháng 1/2015.
KDC công bố cổ phiếu quỹ từ tháng 9/2015 nhưng đến tháng 10/2015 mới mua, đủ thời gian để tạo tâm lý cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ “đu theo sóng” lên giá mục tiêu mà công ty đưa ra…
Chặn “thổi giá” bằng mua cổ phiếu quỹ
Theo ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán, trước kia đã xảy ra nhiều trường hợp nhiều công ty công bố mua cổ phiếu quỹ rồi bỏ không thực hiện đã tác động không tốt tới thị trường.
Tới đây, các trường hợp mua cổ phiếu quỹ của công ty niêm yết sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Tại Thông tư 203/2015/TT-BTC quy định, tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch chỉ được mua bán cổ phiếu quỹ khi được Ủy ban chứng khoán chấp thuận. Tối thiểu 7 ngày trước khi thực hiện giao dịch cổ phiếu quỹ, tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch phải công bố thông tin.
Tối đa 15 ngày kể từ ngày Ủy ban chứng khoán chấp thuận, công ty phải thực hiện giao dịch cổ phiếu quỹ.
Thời gian giao dịch không được ít hơn 10 ngày, trừ trường hợp có thực hiện giao dịch cổ phiếu quỹ nhưng không quá 30 ngày.
Nghiêm cấm tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch công bố thông tin nhưng không thực hiện, không đặt lệnh giao dịch trong thời gian đăng ký, đặt lệnh với mức giá nằm ngoài biên độ. Không được công bố mức giá cụ thể dự kiến thực hiện, chỉ công bố nguyên tắc xác định giá đã được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Trong ngày giao dịch, tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu quỹ theo phương thức khớp lệnh theo nguyên tắc tổng khớp lệnh tối thiểu là 3% và tối đa là 10% khối lượng đã đăng ký với Ủy ban chứng khoán .
Nguyên tắc xác định giá:
Giá đặt mua <= giá tham chiếu + (giá tham chiếu * 50% biên độ dao động giá cổ phiếu)
Giá đặt bán >= giá tham chiếu – (Giá tham chiếu * 50% biên độ dao động giá cổ phiếu)
Tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch được mua cổ phiếu lô lẻ làm cổ phiếu quỹ, và được bán ra ngay sau khi mua lại.
BizLIVE