MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch HOSE: “Tôi nghĩ VN-Index năm nay sẽ tăng mạnh hơn 2013!”

"Năm 2013, VN-Index tăng hơn 22%, giá trị giao dịch tăng… Tôi hy vọng năm 2014 thị trường chứng khoán sẽ phát triển vững chắc hơn mạnh mẽ hơn. Tôi nghĩ con số tăng trưởng sẽ vượt hơn nhiều!"

Nói về nhiệm vụ để phát triển thị trường chứng khoán trong năm mới Giáp Ngọ 2014, ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) cho rằng huy động ngoại lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và theo ông thị trường chứng khoán sẽ “sáng sủa” hơn cả năm 2013.

"Năm 2013 nếu nhìn vào các con số thì thấy tương đối khả quan, nhờ sự kết nối giữa cơ quan quản lý, các thành viên thị trường, nhà đầu tư... Tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hết sức nhỏ bé so với các nước trong khu vực, sản phẩm của chúng ta hết sức đơn điệu. Trong một chừng mực nào đó phải nói rằng thị trường phát triển chưa tương xứng với quãng thời gian và với nền kinh tế.

Như vậy nhiệm vụ năm 2014 chúng ta là gì? Theo tôi phải tập trung vào mấy vấn đề. Một cách tổng thể thì phải làm sao tái cấu trúc được thị trường vốn, thị trường chứng khoán để góp phần tái cấu trúc nền kinh tế.

Tái cấu trúc ở đây tôi muốn nói đến việc huy động vốn ở nước ngoài, nguồn lực ở các nước để chúng ta có giá trị vốn hóa thị trường lớn đủ tầm với các nước trong khu vực. Hiện nay so với Thái Lan thì vốn hóa thị trường chúng ta chỉ bằng 1/10 mà nền kinh tế chúng ta không phải là bằng 1/10 họ…

Vậy các giải phải ở đây là gì? Vấn đề huy động nội lực phải chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất, hạ tầng, công nghệ để tiếp thu… Trong đó có việc triển khai cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tôi cho rằng đây là nguồn lực lớn nhất mà nước ngoài nhìn vào họ “mê” nhất.

Tôi cho rằng năm 2014 chúng ta phải chuẩn bị các cơ sở để đấu giá cổ phần các doanh nghiệp nhà nước lớn, chuẩn bị các điều kiện để khối doanh nghiệp này lên sàn.

Vấn đề thứ hai là huy động ngoại lực nếu thị trường nhỏ như hiện nay thì huy động rất khó bởi các nhà đầu tư lớn họ bỏ tiền vào không có hàng hóa để mua vì nó bé quá. Một quỹ đầu nước ngoài lớn như Goldman Sachs, Citibank chẳng hạn, họ vào đây đầu tư năm ba trăm triệu thì phải có hàng hóa mà mình chưa có.

Thứ hai người ta vào đây đầu tư thì không phải để mua bán cổ phiếu cơ sở mà phải có công cụ kèm theo như thị trường phái sinh như Covered Warrant, ETF….

Vậy so ra nhiệm vụ hết sức nặng nề hết sức lớn của các thành viên thị trường, của các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán là phải làm cho được đưa ra các công cụ để chuẩn bị khi thị trường phát triển nhanh, nhà đầu tư thấy đủ độ lớn thì họ vào và đủ “đồ chơi”, đủ hàng hóa, đủ công cụ để đầu tư. Nếu không, anh trải thảm đến mức nào hay đến mức nào cũng không huy động được nguồn lực từ bên ngoài.

Về sở giao dịch chứng khoán thì chúng tôi cũng bám theo đó chuẩn bị những hội nghị chuyên đề để làm sao phát triển thị trường vốn thị trường chứng khoán góp phần tái cấu trúc nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chúng tôi chuẩn bị các cơ sở vật chất như Trung tâm dự phòng, tòa nhà văn phòng, công nghệ thông tin để đảm bảo cho thị trường phát triển ngang tầm khu vực.

Chúng tôi cũng xúc tiến cùng với cơ quan quản lý triển khai nhanh các sản phẩm thị trường đưa ra áp dụng dần. Qua các phương tiện thông tin báo chí tuyên truyền cho nhà đầu tư để hiểu các sản phẩm.

Năm 2013, VN-Index tăng hơn 22%, giá trị giao dịch tăng… Tôi hy vọng năm 2014 thị trường chứng khoán sẽ phát triển vững chắc hơn mạnh mẽ hơn. Tôi nghĩ con số tăng trưởng sẽ vượt hơn nhiều!

Theo Huyền Trâm

thanhhuong

Bizlive/Diễn đàn đầu tư

Trở lên trên